Aa

Ngân hàng cạn room, tín dụng tháng 7, tháng 8 tăng không đáng kể

Thứ Bảy, 20/08/2022 - 16:00

Tính đến 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62%. Như vậy, từ tháng 7 tới giữa tháng 8/2022, tín dụng chỉ tăng thêm 0,27%. Trong khi nửa đầu năm nay, tín dụng tăng trung bình gần 1,6%/tháng.

NHNN không nới room, tăng trưởng tín dụng 1,5 tháng chỉ tăng 0,27%

Theo NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Về số liệu, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%.  

Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong 1,5 tháng qua, khi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã phải bán bớt TPDN để có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia phân tích công ty chứng khoán nhận định, trong tháng 9/2022, NHNN sẽ cấp room tín dụng còn lại cho một số ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng tiềm năng nhất là Vietcombank, MB (nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) và một số ngân hàng khác như VPBank, Vietinbank, BIDV, ACB, SHB, LPB, ACB...

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Khẳng định NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.

Chính vì vậy, Thống đốc NHNN mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở Nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai Nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung.

Với ngành Ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau. 

Nhiều ngân hàng cạn room tín dụng khiến tăng trưởng cho vay chậm lại trong 2 tháng qua.

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm chậm, nhiều ngân hàng còn e ngại

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay,  theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất. Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn còn hạn chế.

Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các NHTM, một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai xuất phát tưừ nhiều phía.

Nguyên nhân liên quan đến khách hàng vay: Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ; Bộ Xây dựng đã công bố 04 dự án với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

Về phía ngân hàng thương mại: Một số ngân hàng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng; Các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

NHNN cho biết, căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đôn đốc các NHTM triển khai. Đồng thời, rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của Chương trình./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top