Aa

Nông sản, chuyện Tây, chuyện ta

Thứ Ba, 26/05/2020 - 07:00

Hàng trăm triệu hành khách qua các cảng hàng không của Việt Nam sao không phải là hàng trăm triệu khách hàng của nông dân Việt quanh năm khốn khó, mỗi vụ thu hoạch lại phải cầu cạnh giải cứu?

Thực sự, có đi nước ngoài nhiều mới thấy, không phải lúc nào chuyện Tây cũng hay hơn chuyện ta, không phải thứ gì bên Tây cũng tuyệt vời hơn bên ta. Có thứ chán hơn nhiều nhé. Ví dụ chuyện ăn uống. Ví dụ việc thuê taxi. Nhưng nghĩ mãi cũng chỉ được có thế. Bạn đọc nào đi nhiều hơn, hiểu rộng hơn xin bổ sung giúp những thứ ta hơn Tây cho tôi được hãnh diện lây.

Còn chuyện tôi muốn kể hôm nay thì bên Tây hơn đứt bên ta. Hơn không cãi được. Mà Tây ở đây, xin được chỉ đích danh là Mỹ.

Đó là chuyện vinh danh sản phẩm nông nghiệp.

Lần ấy, chúng tôi sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Bộ Ngoại giao. Tôi và các bạn cùng đoàn di chuyển bên trong lãnh thổ Mỹ bằng hàng chục chuyến bay nội địa. Bạn hãy hình dung, đi máy bay nội địa ở Mỹ chả khác gì đi taxi. Tót cái lên trời, tót cái xuống đất. Bay gần thì chỉ được phục vụ nước hoa quả. Và chủ yếu là nước cà chua ép hoặc nước cam, thứ nhiều ê hề ở Mỹ. 

Bay xa một chút mỗi hành khách sẽ được ăn bữa nhẹ theo kiểu Mỹ! Tất cả gói sẵn trong một giỏ. Không nhiêu khê kiểu cách cúi mình mời mọc, anh/chị tiếp viên hai tay chìa ra hai thứ quà, hỏi, hoặc chỉ ra hiệu, khách chọn thứ nào? Nếu khách tỏ ý từ chối, anh ta đem ngay sang chỗ khác. Nước Mỹ chỉ có thế, không xài thì... nghỉ khỏe, chứ đừng mong có thứ khác bù vào. 

Những lần như vậy, khi đến lượt mình, tôi đều chọn đại một giỏ, đa phần mang về khách sạn mới ăn. Người Mỹ luôn hoan nghênh tinh thần tiết kiệm, vì thế bạn đừng ngại. 

Thực ra tôi tò mò là chính. Cả chục lần giở gói quà ra, thì đều thấy bánh ngô, vài mẩu socola, quả cam hay quả táo, một chút gì đó nữa. Chấm hết. Chúng đều là sản phẩm nông nghiệp nội địa. Một năm khách đi và đến bằng máy bay ở Hoa Kỳ có tới hàng tỷ lượt chứ không ít! Điều đó có nghĩa ngành hàng không Mỹ tiêu thụ cho nông dân mỗi năm hàng trăm triệu tấn sản phẩm!

Trong khi đó, vì là nước nhiệt đới, xét về sự phong phú của các loại sản phẩm nông nghiệp, thì rõ ràng ta hơn đứt Tây. Thế mà, cũng đã đi không dưới vài chục lần máy bay cả nội địa lẫn quốc tế của các hãng hàng không Việt, tôi chưa một lần được ăn vải thiều đóng hộp, chưa một lần được uống nước dứa, nước dưa hấu, nước thanh long ép; chuối sấy, mít sấy cũng rất hiếm luôn, chỉ năm thì mười họa. 

Những loại hoa quả vừa kể đều là những thứ thơm mát bổ, lại dễ ăn, dễ uống, dễ ưa, cả cho ta và Tây, có thể dùng trong mọi chuyến bay mà không sợ bị khách thắc mắc hay bài xích. 

Nghĩ thế mà đau cho hoa quả nước mình! Càng thấy đau xót gấp bội khi thỉnh thoảng những thứ đặc sản nhiệt đới vừa kể, người nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời mới làm ra thì đành đổ cho bò và rồi bò cũng không ăn xuể, chất đống cho thối ngoài ruộng, vì bán không ai mua, cho cũng chẳng ai lấy!

Vải thiều, đặc sản Việt...
... cần được phục vụ trên các chuyến bay của Hàng không Việt hơn là cần giải cứu!

Ngành chế biến nông sản nước nhà có lỗi, hay vì lý do lợi ích nào khác mà các hãng hàng không ghét bỏ sản phẩm nông nghiệp của chính quốc gia mình? 

Dù là vì bất cứ lý do nào, thì nó cũng cho thấy chúng ta thiếu một chiến lược bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu tầm nhìn, thiếu tinh thần dân tộc trong quảng bá và phát triển đất nước! 

Hàng trăm triệu hành khách (số liệu chính thức thì năm 2019 có tới hơn 115 triệu hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam), sao không phải là hàng trăm triệu khách hàng của nông dân Việt quanh năm khốn khó, mỗi vụ thu hoạch lại phải cầu cạnh giải cứu? Việc đó rõ ràng là trong tầm tay chúng ta, thuộc chủ quyền của chúng ta. Chỉ thấy lạ là vì sao nó cứ mãi như một giấc mơ vậy?

Tiện đây xin nói: Mỗi lần xem phim Hàn Quốc, chỉ mong được nhìn thấy nhân vật nào đó cầm cái Iphone, chứ không phải Samsung hay GL… mà đến nay nguyện vọng đó của tôi vẫn không thành! Sự phát triển nào cũng có giá và có lý của nó. Càng đi, càng nhìn, càng nghĩ, càng thấy buồn: Chả lẽ nước mình cứ phải thế mới là... nước mình?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top