Aa

Bài 36: Lâm Đồng: Phát hiện nhiều trường hợp phân lô có dấu hiệu phạm pháp, gây thất thoát ngân sách

Thứ Ba, 08/03/2022 - 06:05

Đây là thông tin được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nêu trong báo cáo số 392/SXD-KTVLXD QLN&TTBĐS gửi Bộ Xây dựng liên quan đến vấn đề phân lô cá nhân và các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, cơ quan này cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về kiểm tra tình hình phân lô bán nền diễn ra tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông mới để tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (tại Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 13/01/2022).

Lâm Đồng phân lô bán nền
Từ một nghĩa cử nhân văn, hình thức hiến đất làm đường đã bị nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi, thậm chí biến tướng để hợp thức hóa cho các dự án phân lô, bán nền

Qua kiểm tra tại địa phương, Sở Xây dựng đã phát hiện nhiều nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý các khu vực có dấu hiệu vi phạm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 473/UBND-ĐC ngày 20/01/2022 tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản.

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng ưu ái cho một cá nhân chuyển hàng chục ngàn m2 đất nông nghiệp thành đất ở, ông Hoàng Vũ Minh Trí đã được UBND huyện Bảo Lâm “ưu ái” chuyển đổi hơn 36.000 m2 đất nông nghiệp thành đất ở, trong khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất diện tích nhỏ phải mòn mỏi chờ hạn mức. Đây là một trong những trường hợp điển hình phân lô với diện tích lớn, có dấu hiệu vi phạm Nghị định 76/2015/NĐ-CP.

Nguồn tin từ lãnh đạo huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, ông Hoàng Vũ Minh Trí đã được chuyển đổi nhiều thửa đất với tổng diện tích hơn 36.000 m2. Trong đó, tại thửa đất 132, tờ bản số 46, ông Trí được chuyển đổi 3303,2 m2; thửa 129, tờ bản đồ 46 là 3838,5 m2; thửa 131, tờ bản đồ 46 là 4699,7 m2; thửa 194 và 103, tờ bản đồ 46 và 47 là 6665,8 m2; thửa 195, tờ bản đồ 47 là 5598,4 m2; thửa 98 và 199, tờ bản đồ 47 là 5119,2 m2; thửa 192, 196 và 200, tờ bản đồ 47 là 6683,9 m2. Đây là một trong những cá nhân phân lô tách thửa nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Liên quan đến việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, ngày 21/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 80/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Sau khi rà soát, đến ngày 10/2/2022, UBND huyện Bảo Lâm có Quyết định số 27/BC-UBND về việc tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo UBND huyện Bảo Lâm, qua rà soát từ 2018 đến nay, UBND huyện đã giải quyết hồ sơ cho 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông. Tổng diện tích khu đất của 77 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông là 1.539.935,8 m2 (hơn 150 ha đất). Dẫn đầu là xã Lộc Quảng (578.174,1 m2), tiếp đến là xã Lộc Tân (549.731,7 m2), xã Lộc An (151.771,4 m2), xã Lộc Ngãi (99.982,4 m2), xã Lộc Phú (48.300,1 m2)…

Đặc biệt, diện tích hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông mới là 307.437,6 m2. Tổng số thửa đất mới khi tách lên đến 16.903 thửa. Trong đó, năm 2019 là 3.760 thửa, đến năm 2020 tăng lên gần gấp đôi là 6.260 thửa, tiếp tục đến năm 2021 tăng lên là 6.883 thửa.

Phân lô bán nền Lâm Đồng
Tình trạng phân lô bán nền tràn lan đã phá nát quy hoạch ở tình Lâm Đồng

Theo giới bất động sản, một trong những mánh làm ăn trong cơn sốt đất phân lô ở các địa phương là gom đất quy hoạch nông nghiệp rồi “chạy” quy hoạch chuyển thành đất ở, thậm chí “vẽ” thêm đường vào bản đồ địa chính để phân lô. Dân trong nghề thường coi đây là chiêu “đổi màu” quy hoạch. Đây được coi là chiêu kiếm tiền khủng vì đất nông nghiệp giá rẻ nhưng khi chuyển được quy hoạch đất ở thì giá tăng nhiều lần, nhưng phải có “quan hệ” mới làm được.

Cho đến nay, 2 điểm nóng phân lô cạo trọc đồi ở Lâm Đồng là huyện Bảo Lâm và huyện Lâm Hà đề xác nhận có tình trạng hiến đất làm đường trái quy định. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm, yêu cầu trả lại nguyên trạng vẫn chưa được triển khai và công bố.

Dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm ở Lâm Đồng

Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.

Văn bản cũng lưu ý, việc cung cấp thông tin phải căn cứ theo tôn chỉ mục đích, đảm bảo quyền được thông tin của cơ quan báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi.

Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng gần 8 tháng qua vẫn chưa công bố kết luận.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.

Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top