Aa

Phát triển đô thị biển hiệu quả và bền vững: Cần nhất là tầm nhìn trong quy hoạch

Thứ Hai, 08/08/2022 - 06:12

Theo các chuyên gia, quy hoạch là công tác cần được chú trọng hàng đầu khi tạo lập chuỗi đô thị biển. Khi quy hoạch hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn, đô thị biển Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Tại Hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” diễn ra ngày 3/8 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, các chuyên gia nhận định, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có đô thị sông biển, nhất là các đô thị biển đúng nghĩa. Việc phát triển đô thị biển ở nước ta hiện nay gần như là bắt đầu từ đầu, xây dựng đô thị hoàn toàn mới. Đây được coi là yếu tố thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là trong công tác quy hoạch. 

Vì vậy, theo các chuyên gia, khi tiến hành lập quy hoạch đô thị biển, cả tổng thể và chi tiết đều cần được tính toán dài hơi, phải hài hòa giữa bài toán kinh tế và môi trường, đảm bảo tính liên kết, đồng thời cần gìn giữ và gắn liền với bản sắc địa phương. 

Hài hòa lợi ích trong bài toán quy hoạch đô thị biển

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới hiện nay không chỉ xây dựng đô thị ven biển mà còn đang hướng tới xây dựng thành phố nổi trên biển để khắc phục tình trạng đất đai trên bờ đã khai thác cạn kiệt và trở nên chật chội, đồng thời nhằm khai thác tối đa nguồn năng lượng tái tạo như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, dòng chảy… Bên cạnh khai thác, có những quốc gia còn canh tác trên biển, trong lòng biển để cung cấp lương thực, thực phẩm cho trước mắt và trong tương lai lâu dài; quan tâm đến phát triển kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả khai thác sông biển và hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là với đô thị biển.

Bởi vậy, theo ông Doanh, quy hoạch đô thị biển Việt Nam cần bao quát toàn diện, xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố, các ngành, giữa các lợi ích… Đặc biệt, quy hoạch cần dự báo được những thay đổi trong tương lai, nhất là sự biến đổi của khí hậu, môi trường cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu của con người.

“Quy hoạch cần có tính khoa học cao, tránh việc quy hoạch không khả thi hay quy hoạch bất cập phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung. Nhất là cần tránh tình trạng công trình sau chắn công trình trước, giai đoạn sau hạn chế hoặc triệt tiêu động lực, điều kiện, lợi thế của giai đoạn trước”, ông Bùi Văn Doanh nhận định. 

Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, phát triển đô thị sông biển phụ thuộc vào nguồn lực, thực lực nên cần phải có tầm nhìn và tính tổng thể trong quy hoạch. Cần tính đến việc phát triển từng bước, từng dự án, từng khu vực và theo từng thời kỳ. Đặc biệt, vì nguồn lực có hạn nên cần có giải pháp để kêu gọi đầu tư và xã hội hóa quy hoạch. Tuy nhiên, khi để doanh nghiệp làm quy hoạch sẽ khó có thể tránh khỏi tình trạng manh mún, hướng đến lợi ích của doanh nghiệp, nên quy hoạch tổng thể dễ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái… “Chính vì vậy, càng cần phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch phân khu hết sức khách quan, khoa học và có tầm nhìn xa trông rộng; đồng thời phải quản lý theo quy hoạch hết sức chặt chẽ”, ông Doanh nhấn mạnh. 

Lý giải thêm, chuyên gia cho biết, nếu chỉ chú ý và coi trọng lợi ích trước mắt sẽ dễ ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả của việc khai thác tài nguyên sông biển, đồng thời cản trở sự phát triển lâu dài và lãng phí tài nguyên, đặc biệt là phát triển thiếu tính bền vững. Nhưng nếu chỉ coi trọng đến tính lâu dài mà coi nhẹ trước mắt thì sẽ không thu hút được đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân địa phương và như thế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu của dự án. 

Quy hoạch đô thị biển cần gắn với 3 chữ “đa”

Cũng nhìn nhận về công tác quy hoạch đô thị biển, TS. KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, đô thị biển có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đô thị Việt Nam cơ bản gắn với nước, song qua quá trình phát triển, các đô thị dường như đang quay mặt lại với mặt sông, mặt biển, nhiều nơi bị lấn chiếm, thậm chí trở thành nơi chứa rác thải, gây ô nhiễm. 

Từ thực tế đó, cách tiếp cận với đô thị sông nước, biển tại Việt Nam giờ đây cần phải cân bằng giữa nước và đất, tức là “âm - dương hài hòa” để không còn cảnh ngập lụt, suy giảm nước ngầm…

Ông Ngô Trung Hải đưa ra dẫn chứng: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam có khoảng trên 70 đô thị gắn được với chữ “sông” và “biển”, trong đó phía Bắc và Nam có thể nhận thấy rõ xu hướng này.

Ngày xưa, để tránh ngập lụt, một thành phố sẽ cần phải làm đê. Còn ngày nay, theo kinh nghiệm nước ngoài, điển hình ở Hà Lan, họ nghiên cứu xây dựng để đô thị có thể chứa được nước, từ đó nước có thể được lưu trữ phục vụ nhiều công trình. Đó là bài học cho cách làm quy hoạch thành phố ven sông Sài Gòn, sông Hồng…”.

Để giải bài toán quy hoạch đô thị nước nói chung, đô thị biển nói riêng thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Hải đưa ra một số giải pháp xoay quanh 3 chữ “đa”.

Thứ nhất là đa ngành, bao gồm tài chính, không gian, khu kinh tế ven biển.

Thứ hai  đa chiều. Một không gian nước không chỉ được hiểu theo nghĩa ở sông hồ mà còn là nước trên không, nước dưới ngầm. 

Thứ ba là đa giai đoạn và tương tác với nhau. Suốt chiều dài lịch sử, sự phát triển của đô thị biển, nước sẽ theo từng giai đoạn và có sự kế thừa, phát triển các yếu tố tích cực nhất.

TS. KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam

Cùng với đó, TS. KTS. Ngô Trung Hải cũng đề cập đến những giải pháp cụ thể để xây dựng một đô thị nước trong bối cảnh nguồn nước đang bị sử dụng một cách hoang phí, thậm chí đe dọa đến sự phát triển của đô thị.

Đầu tiên, cần cân bằng được vấn đề đào lấp. Mỗi mét vuông đắp hay xây dựng bằng vật liệu cứng cần phải đi đôi với một mét vuông mở và có khả năng thấm nước. 

Thứ hai, lưu trữ được nước tức là thiết lập không gian cho nước, dành chỗ cho nước như một chức năng thiết yếu trong đô thị.

Thứ ba, tăng hệ số thấm của nước trong đô thị bằng các công viên, không gian mở; tăng cường giao thông thuỷ, giảm diện tích giao thông đường bộ, sử dụng vật liệu thấm tại vỉa hè…

Thứ tư, sử dụng phương án đê mềm, đê đa chức năng không chỉ chống lũ lụt mà còn có thể thấm nước.

Thứ năm, quản lý nước tích hợp gồm lượng nước (ngập lụt, giữ nước mưa, thoát nước mặt, thuỷ lợi) và chất lượng nước (nước thải, làm sạch nước…)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top