TTVH Online

Ga ngầm C9 Bờ Hồ – Bảo tồn không có nghĩa là đóng cửa di tích

Phong Cầm 30/09/2019 10:30 GMT+7

Giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị di sản… sẽ càng được bảo tồn và phát triển, phát huy khi nó lan tỏa, đến được với nhiều người. Một di sản đóng kín là một di sản chết.

Tuần trước, UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vị trí, quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế và thi công ga ngầm C9, tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sau một thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, tính toán, cân nhắc, UBND TP. Hà Nội khẳng định vị trí đặt ga ngầm C9 trong đề xuất là phương án tối ưu.

Vị trí đặt ga ngầm C9 là chủ đề được bàn cãi trong nhiều năm qua, thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn, nhà quản lý cũng như dư luận. Chỉ cần gõ vào từ khóa “ga ngầm C9” thì trong 0,42 giây đã cho ra 97.800 kết quả. Sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi đây là dự án đường sắt đô thị quan trọng kết nối nội đô với khu vực ngoại vi mà còn bởi chỉ vì tranh cãi về vị trí đặt ga ngầm C9 mà dự án đã kéo dài 11 năm nay vẫn chưa thể triển khai.

Giao thông Hà Nội ngày càng ùn tắc nghiêm trọng. Giao thông công cộng số lượng lớn, trong đó có tàu điện ngầm, được coi là một trong những lối thoát cho cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, dự án chậm trễ ngày nào thì vấn nạn ùn tắc càng trầm trọng thêm ngày ấy. Hơn thế, đây là dự án vay vốn ODA nên việc kéo dài dự án sẽ dẫn tới đội vốn do các yếu tố trượt giá, tăng chi phí nhân công, vật tư, máy móc, tăng lãi vay, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến hiệp định vay ODA và các cam kết vốn của nhà tài trợ.

Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức tọa đàm, phần lớn các ý kiến đều nhất trí với vị trí theo quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến phản đối và đặc biệt là chưa có sự thống nhất của cơ quan chức năng. Các ý kiến chưa đồng tình chủ yếu tập trung vào vấn đề vị trí đặt ga nằm trong khu vực tâm linh, nhạy cảm… Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng đặt ga ngầm ở gần hồ Hoàn Kiếm sẽ làm cho lượng người dồn đến đông, phá vỡ sự yên tĩnh của thắng cảnh này.

Vị trí đặt ga ngầm C9 cách bờ hồ Gươm 10m. Ảnh minh họa: Ngọc Thành (VnExpress)

Điều đầu tiên phải công nhận rằng, hồ Hoàn Kiếm là khu vực cực kỳ nhạy cảm, bất cứ việc làm nào động chạm đến khu vực này đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và vấp phải sự phản đối không nhiều thì ít, trong đó có vấn đề tranh cãi giữa bảo tồn và phát triển.

Những ý kiến chưa đồng tình với vị trí ga C9 không phải là không có lý. Tuy nhiên, đây là ga ngầm, phần nổi chỉ là cửa ga và đã điều chỉnh lược bỏ phần mái che ở cửa số 3 nên giảm thiểu sự ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh, đặc biệt ảnh hưởng rất ít đến các di tích mang tính tâm linh. Cửa ga “nhạy cảm” nhất có lẽ là cửa số 3 cũng là cửa gần hồ nhất. Nhưng cửa này lại sát ngay vị trí nhà vệ sinh công cộng hiện có. Như vậy, nếu gọi là ảnh hưởng đến khu vực tâm linh nhạy cảm thì cửa ga này còn xếp sau nhà vệ sinh nói trên.

Còn ý kiến cho rằng, đặt nhà ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ thu hút lượng lớn hành khách từ bên ngoài vào trung tâm Hà Nội, dẫn đến phá vỡ sự yên tĩnh của hồ Hoàn Kiếm và làm tăng nguy cơ tắc nghẽn giao thông… thì tôi xin đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại sợ nhiều người đến hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ? Chả lẽ cứ là di sản, di tích thì cần hạn chế người đến, và di sản, di tích càng quan trọng thì càng hạn chế?

Thực ra, giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị di sản và kể cả giá trị tôn giáo, sẽ càng được bảo tồn và phát triển, phát huy khi nó lan tỏa, đến được với nhiều người. Một di sản đóng kín là một di sản chết. Ngay cả ở châu Âu, nhà thờ là chốn tôn nghiêm đến thế cũng đều trở thành điểm đến của đông đảo du khách và nhiều nhà thờ vẫn được mở cửa để đón khách vào tham quan. Có thể có người đến chiêm ngưỡng về kiến trúc, nhưng từ việc tham quan kiến trúc sẽ lan tỏa những giá trị về tôn giáo và văn hóa. Thế thì tại sao chúng ta lại sợ khi có đông người đến với hồ Hoàn Kiếm, một không gian mở, một di sản sống???

Phối cảnh nhà ga ngầm C9 - Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: MRB

Bảo tồn không có nghĩa là hạn chế người đến với di sản, càng không phải là đóng cửa di tích. Tất nhiên, khi lượng du khách đến đông sẽ để lại nhưng hệ lụy mà sau mỗi kỳ lễ hội hoa, bắn pháo hoa ở Bờ Hồ… là một ví dụ với việc cây cỏ bị giẫm nát, rác xả ngập ngụa. Nhưng đó là do vấn đề quản lý và cần phải khắc phục, chứ không phải cứ không quản được thì cấm.

Hà Nội đang trên quá trình thử nghiệm xây dựng tuyến phố đi bộ mà tâm điểm là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Mới đây nhất, thành phố đã giao Sở GTVT xem xét thí điểm cấm phương tiện giao thông hoạt động quanh hồ Hoàn Kiếm trong 1 tháng để tìm giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện đi vào nội đô. Như vậy, việc đặt nhà ga C9 ở vị trí như phương án đề xuất càng trở nên quan trọng để đưa hành khách đến với khu vực đi bộ và giảm phương tiện giao thông vào nội đô.

Hiện nay, cứ đến dịp cuối tuần, khi phương tiện giao thông không được vào không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, người dân muốn đến đây buộc phải đi ô tô hoặc xe máy tới các phố xung quanh rồi gửi xe để đi bộ đến Bờ Hồ. Trong tình trạng diện tích giao thông tĩnh thiếu trầm trọng, đặc biệt khu vực quanh Bờ Hồ, thì việc tìm được chỗ gửi xe không phải dễ dàng và khách thường phải gửi ở các vỉa hè cách xa Bờ Hồ. Vì vậy, nếu tuyến đường sắt đô thị số 2 sớm được triển khai và đưa vào khai thác sẽ giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận khu vực Bờ Hồ và giải quyết được vấn nạn trên.

Vẫn biết cái gì cũng đều có hai mặt của nó và vị trí ga ngầm C9 ở Bờ Hồ không phải không có mặt trái của tấm huân chương. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội thì đây là phương án tối ưu, thuận tiện cho hành khách, dễ dàng cho thi công tuyến và ít tốn kém nhất. Vì vậy, người dân đang mong mỏi và hy vọng báo cáo được chấp thuận, dự án sớm được triển khai sau 11 năm bàn cãi, để người dân và du khách đến được với danh thắng hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thuận tiện hơn./.

Bui van doanh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN