TTVH Online

Nguyên nhân dẫn đến việc tiến độ Sân bay Long Thành chậm trễ

Phong Cầm 12/11/2018 23:30 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi thảo luận về quy định liên quan đến Luật Đầu tư công tại QH ngày 12-11 đã bày tỏ sự “bất an” vì quy trình quá dài, gây đội vốn và đề nghị giao thẳng cho bộ, địa phương để tạo sự chủ động.

Sân bay Long Thành chậm trễ do quy trình quá nhiều giai đoạn

Sân bay Long Thành chậm trễ do quy trình quá nhiều giai đoạn

Ngày 12/11, thảo luận về án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, người đứng đầu cơ quan làm chủ đầu tư rất nhiều dụ án, bày tỏ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai dự án. Trong đó, vấn đề lớn nhất là quy trình thực hiện dự án.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, yêu cầu của QH và Chính phủ là phải thực hiện nhanh, bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhưng hiện nay, không được phép làm nhanh mà không đảm bảo đúng thủ tục, quy định. Thực tế, có công trình bỏ qua khâu mang tính "thủ tục", không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình nhưng khi thanh tra, kiểm toán thấy chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu là không đúng quy định.

Bày tỏ sự "bất an", Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng nếu tất cả các dự án phải trình lên QH biểu quyết thì chắc chắn sẽ rất chậm. Bởi vì, để trình lên tới QH thì các bộ, ngành phải chuẩn bị nội dung và trình lần lượt qua Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ QH và QH. Sau đó, QH hội thảo luận 1 kỳ họp để thông qua danh mục dự án. Tổng thời gian cho quy trình này mất 6-12 tháng. Tiếp đến, dự án được đưa quay lại cho Chính phủ để có các bước yêu cầu bộ, ngành chuẩn bị.

Dẫn chứng dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2015, sau khi QH thống nhất chủ trương xây dựng, Bộ GTVT mới làm lại thủ tục lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và trình lại cho các bộ, ngành. Sau khi thống nhất, dự án lại được trình lần lượt lên Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ QH và QH… "Một vòng đi lên để duyệt danh mục mất 6-12 tháng, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa. Xong rồi mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt… mất thêm 5-9 tháng, chưa kể đến công tác giải phóng mặt bằng. Tôi thấy quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn rồi cuối cùng rất chậm" - Bộ trưởng Bộ GTVT tỏ ý lo ngại về việc kéo dài thời gian.

Ông Nguyễn Văn Thể cũng đặt thêm câu hỏi: "Công trình lớn, công trình nhỏ đều phải qua quy trình rất dài nhưng có chặt chẽ hay không?".

Câu hỏi được vị "tư lệnh" ngành GTVT tự trả lời: "Thời 6-12 tháng mới được ghi vào danh mục dự án, hoàn toàn chưa có kinh phí, chưa có nghiên cứu nào cụ thể mà chỉ khi được bố trí rồi mới được nghiên cứu kỹ, chọn tư vấn…. Rõ ràng chúng ta tự tạo khó cho chúng ta và quy trình này nếu không thay đổi thì chắc chắn dự án đầu tư công có thể chậm gấp 2-3 lần so với dự án tư nhân".

Lý do khiến vị Bộ trưởng GTVT tâm tư nhất là dù quy trình qua nhiều giai đoạn, nhiều ngành nhưng khi làm dự án chậm thì bộ, địa phương chịu trách nhiệm. "Nếu quy trình không ngắn gọn hơn để nhanh hơn thì cuối cùng chúng ta mất thời gian, rồi đội giá, trượt giá. Khi chuẩn bị danh mục đơn giá thế này, nhưng sau khoảng thời gian dài chờ QH phê duyệt thì giá đã khác, biến động thị trường không ai biết được" - ông chỉ rõ các bất cập.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Vị "tư lệnh" ngành GTVT đề nghị với những dự án lớn thì thống nhất trình lên QH nhưng phải quy định rõ quy mô lớn thế nào. Còn với những dự án nhỏ, QH nên quản lý theo mục tiêu và theo tỉ lệ phần trăm, từ đó phân bổ cho từng lĩnh vực. Mỗi kỳ họp QH, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tổng hợp lên QH để QH nắm được "miếng bánh ngân sách" đã được bố trí cho từng lĩnh vực ra sao.

"Tại sao không tin tưởng anh em? Giao cho Bộ GTVT, nếu tôi làm sai thì tôi chịu trách nhiệm, xử ngay tức khắc. Như vậy, sẽ chủ động hơn rất nhiều" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói thêm.

Luật sư - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) lưu ý cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư công vì đây là biện pháp chống đầu tư dàn trải, không có hiệu quả. Ông cho rằng cần đầu tư thích đáng vào nơi nào có tiềm năng và tạo hiệu quả cao. "Với tư cách là người quan sát, tôi xin báo động ở TP HCM, lĩnh vực đầu tư công không được quan tâm thoả đáng, đặc biệt là vấn đề hạ tầng. Đang đi xe hơi chạy êm ru, đến đoạn đường xấu, xóc là biết đã về đến TP HCM" - vị đại biểu TP HCM bày tỏ.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị phân nguồn vốn đầu tư công vào đầu năm, tránh tình trạng dồn dập vào cuối năm dẫn đến kém hiệu quả. "12 giờ đêm 30 Tết vẫn còn kéo ra kho bạc để chờ nguồn vốn. Tại sao lãnh đạo nhìn thấy, địa phương nhìn thấy, Trung ương nhìn thấy nhưng vẫn cứ đến thời điểm đó mới phân bổ vốn? Thuê nhân công làm vội thì chất lượng không thể đảm bảo được…" - vị nữ đại biểu Hà Nam tâm tư.

Theo Phương Nhung - Văn Duẩn / Người lao động
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN