TTVH Online

Vật liệu xanh, thân thiện môi trường: Xu hướng tất yếu trong xây dựng

Phong Cầm 02/01/2019 23:30 GMT+7

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM và Ban quản lý Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường".

Gạch không nung được xác định sẽ là vật liệu thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống trong tương lai

Gạch không nung được xác định sẽ là vật liệu thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống trong tương lai

Đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) thời gian qua, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2018, ngành sản xuất VLXD tiếp tục có sự phát triển, tất cả các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước. Cụ thể, VLXD ước tiêu thụ cả nước năm 2018: xi măng là 95 triệu tấn, gạch ốp lát trên 705 triệu m2, kính xây dựng 295 triệu m2, gạch không nung 7,1 tỷ viên. Đáng chú ý, có những sản phẩm, sản lượng xuất khẩu đạt 30% công suất.

Tuy nhiên, theo ông Bắc, việc tiêu thụ tốt các sản phẩm VLXD chủ yếu tại những cơ sở đầu tư dây chuyền, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại cho ra những sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Ngược lại, những dây chuyền thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp khó cạnh tranh trên thị trường.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia ngành xây dựng cũng cho rằng các vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường sẽ được sử dụng ngày càng phổ biến trong các công trình xây dựng và là xu hướng tất yếu.

Để khuyến khích các DN, theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND của TP.HCM, các DN trên địa bàn thành phố khi đầu tư trang thiết bị sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sẽ được xem xét, hỗ trợ toàn bộ lãi suất (tối đa) trong vòng 7 năm.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD (có hiêu lực từ đầu tháng 2/2018) về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ tại TP.HCM là 100%. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Hiện nay, các DN TP.HCM đã sản xuất được một số chủng loại sản phẩm VLXD chất lượng cao, khối lượng lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn mà còn cung ứng cho thị trường cả nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết, với nhiệm vụ hỗ trợ các DN ngành xây dựng trên địa bàn TP.HCM phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, thời gian tới, ITPC sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm ngành vật liệu xây dựng, tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm chuyên ngành trong nước và khu vực, đi khảo sát thị trường, tham quan công nghệ và sản phẩm mới tại một số nước, khuyến khích DN đầu tư công nghệ mới để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.

Theo Lê Anh / Cổng thông tin TP.HCM
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN