TTVH Online

Đắk Lắk phải làm gì để trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu?

Phong Cầm 11/03/2019 23:30 GMT+7

Đó là vấn đề được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đặt ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk, ngày 10/3, trong bối cảnh tỉnh này đang còn khó khăn trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư…

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao việc Đắk Lắk đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức Hội nghị quan trọng, rất có ý nghĩa và cho rằng, đây là cơ hội để cùng đánh giá thực trạng tình hình, nhận diện cơ hội và thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới.

Theo Phó Thủ tướng, Đắk Lắk là tỉnh có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích đứng thứ 4 cả nước, với hơn 370 nghìn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu; là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tỉnh có một lực lượng lao động dồi dào, khoảng 1,1 triệu lao động; có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 47 dân tộc anh em và nguồn tài nguyên du lịch đa dạng (23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh). Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.

Trong phát triển kinh tế, Đắk Lắk cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo đó, vượt qua những khó khăn, hạn chế, từ năm 2014 đến nay, tỉnh thu hút được 294 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, những dự án đầu tư tập trung đúng định hướng vào phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế. Tăng trưởng bình quân các năm gần đây của Đắk Lắk đạt khoảng 8,5-9%.

Tuy nhiên, câu hỏi được Phó Thủ tướng nêu ra với các đại biểu tại Hội nghị là: Đắk Lắk cần phải làm gì để thu hút đầu tư, hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên? Làm sao để có những giải pháp hấp dẫn thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững.

“Mọi quý vị đại biểu đều biết, Đắk Lắk là thủ phủ của cà phê vùng Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển cây công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ,… Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, hiện nay Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư,... Đặc biệt, Đắk Lắk cũng đang đứng trước thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, trong khi, nguồn lực cho phát triển lại rất hạn chế”, Phó Thủ tướng nêu thách thức.

Chỉ ra khó khăn, nhưng đồng thời, Phó Thủ tướng cũng gợi ý giải pháp cho Đắk Lắk. Theo đó, tỉnh cần tiếp tục đổi mới tư duy, cùng với một tầm nhìn mới và trên hết là khát vọng vươn lên phải được lan tỏa trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tạo luồng sinh khí mới, bứt phá, tạo xung lực thúc đẩy phát triển, dứt khoát không để tụt hậu so với cả nước.

Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đắk Lắk phải khẳng định lại mình, với tâm thế là một tỉnh lớn của cả nước, thủ phủ của cây cà phê nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà ở trên thế giới. Do đó, phải nỗ lực, vươn lên, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của cả nước; nhưng phải đảm bảo bền vững, không quên vấn đề quan trọng đó là an sinh xã hội. Và để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, Đắk Lắk cần phải có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa, về các mặt kinh tế - xã hội, không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai..., gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia.

Với một số lĩnh vực thế mạnh, như cây cà phê, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phát triển sản xuất cà phê - một báu vật thiên nhiên dành cho Đắk Lắk theo chuỗi giá trị, để cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm mang tầm thế giới; cùng với đó, tập trung khai thác nguồn tài nguyên vô giá là năng lượng mặt trời để phát triển công nghiệp điện, nhưng kiên quyết không phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên đất rừng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử, lễ hội, du lịch mạo hiểm để khai thác lợi thế; cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm các thủ tục, chi phí để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường...; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng; tính toán căn cơ và bước đi thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ biên giới hòa bình, hữu nghị…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không có một kế hoạch chiến lược nào thành công nếu thiếu đi khát vọng và nỗ lực hành động của lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp. Chính vì vậy, Đắk Lắk cần rà soát lại định hướng, tầm nhìn, những chỉ đạo, công việc cụ thể, chính sách và hành động phát triển cần đồng bộ, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2021, Đắk Lắk trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.330 tỷ đồng. Trao bản ghi nhớ cho 19 nhà đầu tư đăng ký 27 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 57.289 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam đã kí kết dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch với tổng vốn dự kiến hơn 1.700 tỉ đồng.

Được biết, năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Đắk Lắk đạt 7,82%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện trên 51 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 600 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo Mạnh Hùng/Báo Chính phủ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN