TTVH Online

Côn Đảo đến năm 2030 sẽ có quy hoạch ra sao?

Phong Cầm 03/07/2019 23:30 GMT+7

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Cảng hàng không Côn Đảo được xác định tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cảng hàng không Côn Đảo là cảng hàng không nội địa, quy mô sử dụng đất dự kiến là 141 ha, được định hướng đến năm 2020 là cảng hàng không cấp 3C, đạt 0,5 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là cảng hàng không cấp 4C, đạt 2 triệu hành khách/năm.

Việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 5/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh cục bộ tại Quyết định 2737/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng hoàn thiện, nâng cấp Sân bay Cỏ Ống (nay có tên Cảng hàng không Côn Đảo), quy mô sử dụng đất khoảng 111ha.

Theo hồ sơ Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức lập, để đáp ứng yêu cầu nâng cấp cảng hàng không đạt cấp 4C vào năm 2030, dự kiến quy mô sử dụng đất cần khoảng 181,75ha, tăng thêm khoảng 70,75ha so với quy mô đã xác định tại Quy hoạch chung Côn Đảo.

Điều chỉnh

Điều chỉnh mở rộng sân bay tại Côn Đảo

Trong đó, diện tích mở rộng đường cất hạ cánh lấn ra biển chiếm khoảng 30,59ha không làm thay đổi định hướng phát triển không gian; diện tích mở rộng về phía Tây Nam khoảng 40,16ha sẽ làm thay đổi định hướng phát triển không gian và sử dụng đất tại khu đô thị Cỏ Ống đã được xác định trong Quy hoạch chung Côn Đảo.

Đây là một trong những dự án trọng điểm được ưu tiên nâng cấp, mở rộng tại tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có ảnh hưởng đến sử dụng đất, môi trường và bố cục không gian chung của Côn Đảo do đó việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo là cần thiết.

Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết cảng hàng không Côn Đảo đảm bảo đáp ứng các yêu cầu: Nâng cấp cảng hàng không theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg; thực hiện theo đúng Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 02/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả…

Giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cập nhật nội dung Quy hoạch chi tiết CHK Côn Đảo được phê duyệt vào đồ án Quy hoạch chung Côn Đảo; rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung Côn Đảo được duyệt từ năm 2011 đến nay làm cơ sở để lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển và đầu tư xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch; thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo theo quy định pháp luật.

Trả lời báo chí, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) đang nghiên cứu phương án kéo dài đường cất - hạ cánh (CHC) của sân bay Côn Đảo từ 1.830m lên 2.400m với chiều rộng đường băng là 45m. Đường băng dài hơn có thể khai thác tất các loại tàu bay A320, A321 thay vì chỉ có thể khai thác tàu bay ATR72 như hiện nay.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng tối thiểu 8 vị trí đỗ trong thời điểm xây dựng nhà ga hành khách mới, đảm bảo công suất 2 triệu khách/năm và có dự trữ đất để mở rộng khi có nhu cầu.

Tổng kinh phí nâng cấp sân bay Côn Đảo dự kiến là hơn 11.700 tỉ đồng trong đó, hơn 5.300 tỉ đồng được dành để nâng cấp kéo dài đường băng, vận chuyển đất, đá từ đất liền ra để đắp lấn biển. Nếu có thể khai thác đất lấp biển tại chỗ, chi phí sẽ giảm đi được gần 2.000 tỉ đồng.

Hiện nay, sân bay Côn Đảo chỉ duy nhất có máy bay ATR72 của Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO-thành viên của Vietnam Airlines) có đường bay đến đây. Được biết, Vietjet, Bamboo Airways cũng đã bày tỏ ý định khai thác đường bay Côn Đảo.

An Yên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN