Aa

Quảng Nam: Tăng trưởng kinh tế giảm sâu trong quý I/2023

Thứ Tư, 05/04/2023 - 16:34

Ngày 4/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2023 và đề ra nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II/2023.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 13.710 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). So với cùng kỳ năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm sâu do một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm đạt thấp, đặc biệt là nguồn thu chủ lực từ Tập đoàn ô tô Trường Hải.

Điều đáng mừng là theo UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hỗ trợ cho sự sụt giảm của khu vực công nghiệp - xây dựng với tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%...

UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, hiện nay sản xuất công nghiệp trong tỉnh gặp khó do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút đáng kể, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô những tháng đầu năm có phần ảm đạm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 tiếp tục trượt dốc với mức giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

“Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cho thấy sự biến động của thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng cũng như quy mô ở cả trong và ngoài nước... Điều này đã khiến sản lượng tồn kho một số sản phẩm công nghiệp đang ở mức cao”, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam phụ thuộc quá nhiều vào Thaco Trường Hải Quảng Nam 

Được biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 6.487 tỷ đồng, đạt 25% dự toán và giảm 29% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa là 5.215 tỷ đồng, đạt 26% dự toán năm và giảm 18% so với cùng kỳ. Thu ngân sách chủ yếu ở khu vực công thương ngoài quốc doanh mà Tập đoàn ô tô Trường Hải là chủ lực là 3.415 tỷ đồng (chiếm 65,48% tổng thu nội địa), đạt 25% dự toán, giảm 30% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu là 1.268 tỷ đồng, đạt 22% dự toán, giảm 55% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 5.628 tỷ đồng, bằng 17% dự toán năm, đạt 100% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên hơn là 2.472 tỷ đồng và chi đầu tư phát triển với số tiền 3.154 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, quý I/2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định; đảm bảo kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân; hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng khởi sắc, đặc biệt là ngành du lịch phục hồi khá tốt.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Tăng trưởng trong sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn, giá vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

quảng Nam
UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam xác định, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của tỉnh, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quỹ đất, các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước... để tăng khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các dự án chậm tiến độ; khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công xây dựng các dự án, công trình theo kế hoạch, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn năm 2023 theo quy định.

Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án tồn đọng và thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án mới trên địa bàn tỉnh.

“Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng cơ bản, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản bảo vệ môi trường. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh”, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top