Aa

Quy hoạch chạy theo dự án "bám" sông Cổ Cò?

Thứ Ba, 26/01/2021 - 06:00

Năm 1999, quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) được Thủ tướng phê duyệt, nhằm hình thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, du lịch và nghỉ dưỡng...

Lời tòa soạn: 

Ban quản lý các dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức khởi công dự án Nạo vét sông Cổ Cò tại P.Điện Nam Trung (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) nhằm thực hiện mục tiêu khai thông sông Cổ Cò nối TP. Hội An - TX. Điện Bàn với TP. Đà Nẵng bằng tuyến đường sông tuyệt đẹp vốn đã tồn tại hàng trăm năm trước với tên gọi Lộ Cảnh giang.

Dự án tại Quảng Nam tổng từ hai nguồn vốn chính là 850 tỷ đồng từ dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 381 tỷ đồng. Tại TP. Đà Nẵng, con số này cũng đến 486 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 340 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 146 tỷ đồng).

Tuy đầu tư một số tiền khá lớn như vậy, nhưng hiệu quả từ sự khơi thông con sông Cổ Cò mang lại đang đặt ra nhiều dấu hỏi: câu chuyện nguồn lực tài chính; tình trạng dự án mọc lên như nấm nhưng còn hoang hóa; tình trạng cát cứ bờ sông, biến bờ sông thành của riêng đối với từng dự án đầu tư đô thị, hay câu chuyện quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông không thống nhất giữa Quảng Nam, Đà Nẵng, biến con sông thơ mộng, trữ tình thành dòng kênh giữa lòng đô thị…

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Khơi thông sông Cổ Cò: Dòng sông cổ tích hay dòng sông lợi ích? 

Bài 3: Quy hoạch chạy theo dự án "bám" sông Cổ Cò? 

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Năm 1999, quy hoạch Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) được Thủ tướng phê duyệt, nhằm hình thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, du lịch và nghỉ dưỡng...

Tuy nhiên, từ đó đến nay, hầu hết các dự án trong khu đô thị này vẫn chưa hoàn thành, thi công dang dở, nhất là tại các khu đô thị bám dọc theo hai bờ sông Cổ Cò.

Trên thực tế, nhiều khu đô thị đã bán hết đất cho nhà đầu tư, nhưng vẫn chưa bàn giao sổ đỏ, kéo theo hàng loạt vụ việc kiện tụng, tranh chấp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Một dự án đầu tư đô thị bám sông Cổ Cò đoạn qua phường Điện Dương, TX. Điện Bàn (Ảnh: Hữu Trà)

Để thực hiện dự án Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc), từ năm 2003 đến nay đã có 1.123ha đất được giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khu tái định cư, trường học… với tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương giao Ban quản lý phát triển ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc về cho UBND TX. Điện Bàn quản lý, qua kiểm tra thực tế hơn 70 dự án đã giao cho các nhà đầu tư, hiện mới có 2 dự án hoàn thành, 7 dự án cơ bản hoàn thành đang chờ nghiệm thu và hàng chục dự án khác chủ yếu… thi công trên giấy, hoặc chỉ mới bước vào giai đoạn đền bù. Đáng lo nhất, qua giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam, tại ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc có rất nhiều dự án đầu tư làm khu đô thị nhưng diện tích được cấp quá nhỏ, manh mún, xé lẻ, phá vỡ quy hoạch chung.

Dự án nạo vét khai thông sông Cổ Cò đang triển khai tại Quảng Nam

Đặc biệt, những dự án đầu tư đô thị ở ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc chỉ chú trọng vào phân lô bán nền mà thiếu quy hoạch đất dành cho thiết chế văn hóa cơ sở, trường học, bệnh viện… Không chỉ vậy, tại đây có rất nhiều chủ đầu tư được giao 5 - 10 dự án xây dựng hạ tầng đô thị, nhưng oái oăm thay, hầu hết các chủ đầu tư mới nhận chỗ để đấy là chính. 

ĐÃ TỪNG CÓ DỰ ÁN NẠO VÉT SÔNG CỔ CÒ

Theo tìm hiểu của Reatimes, trong số các dự án đầu tư đô thị được giao đất ở ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, có hàng chục khu đô thị bám dọc hai bên bờ sông Cổ Cò “ăn nên làm ra” do có một thời giá đất tăng cao chóng mặt. Trước đó, vào năm 2015, tỉnh Quảng Nam cũng giao cho Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng tham gia dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn từ Km16+000 - Km18+900.

Vào năm 2016, tỉnh Quảng Nam cũng từng giao cho một số doanh nghiệp có dự án nằm ven sông Cổ Cò tham gia nạo vét sông Cổ Cò. Các doanh nghiệp này hăng hái tham gia vì họ chỉ cần vét cát dưới sông lên để san lấp nền, như tại dự án khơi thông sông Cổ Cò (Km14+000 - Km 16+000) do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư. Dự án này đến nay vẫn còn để lại hệ quả khi chủ đầu tư chi trả bồi thường cho 77 hộ dân trong khi phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một công trình vươn ra bờ sông Cổ Cò

Những dự án nạo vét sông Cổ Cò nhỏ lẻ như trên, chủ yếu là “trợ giúp” cho việc san lấp nền của các doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án ven sông. Bởi vào thời điểm đó, mới chỉ có quy hoạch 1/500 đối với các dự án đầu tư tại ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc. Mãi đến ngày 26/4/2019, UBND tỉnh Quảng Nam mới phê duyệt hồ sơ khớp nối, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các giai đoạn 1, 2, 3 tại dự án đô thị mới này.

Và đến thời điểm hiện tại (tháng 1/2021), tỉnh Quảng Nam vẫn chưa phê duyệt quy hoạch, thiết kế cảnh quan dọc hai bờ sông Cổ Cò, cho dù đã triển khai dự án Nạo vét khai thông sông Cổ Cò với số tiền đầu tư tại Quảng Nam gần 1.200 tỷ đồng.

QUY HOẠCH CHẠY THEO... CHỦ ĐẦU TƯ?

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, Sở này đang rà soát, khớp nối, định hướng quy hoạch cảnh quan ven sông Cổ Cò. Theo đó, khi hoàn thành công tác nạo vét, ngoài phạm vi 90m mặt sông, hai bên còn khoảng không gian được quản lý thống nhất như cảnh quan hai bên sông Cổ Cò với bề rộng mỗi bên trung bình khoảng 130m. Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, ý tưởng thiết kế đô thị tổng thể, định hình toàn bộ tuyến ven sông Cổ Cò từ TX. Điện Bàn đến TP. Hội An là “chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam” được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích khoảng 408ha, bao gồm: công viên di sản, làng nghề; công viên thiên đường xanh; công viên làng rau Trà Quế; công viên hoa và công viên rừng dừa Bảy Mẫu. Bên cạnh đó, tuyến ven biển Cổ Cò từ TX. Điện Bàn đến TP. Hội An cũng tổ chức 12 không gian công viên cây xanh hướng biển với tổng diện tích 128ha (bãi tắm Viêm Đông, bãi tắm Hà My và cụm công viên biển Hội An).

Hai bờ sông Cổ Cò, một bên TP. Đà Nẵng đã nạo vét, xây dựng công trình; một bên phía Quảng Nam đang chờ quy hoạch cảnh quan

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho rằng, tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ TX. Điện Bàn đến TP. Hội An là trục không gian trọng tâm, là "lá phổi" của tỉnh Quảng Nam với hình ảnh tương lai “mở ra dòng sông” và “tràn đầy sức sống”, đảm bảo kết nối không gian Đà Nẵng - Quảng Nam; kết nối không gian hai bờ sông; tạo cảnh quan hai bờ sông, đảm bảo không gian công cộng phục vụ đô thị và trực tiếp cho cộng đồng dân cư, du khách; thu hút và định hướng quản lý không gian cảnh quan các dự án đầu tư phát triển hai bên bờ…

Sông Cổ Cò đoạn qua TP. Đà Nẵng phần lớn đã được doanh nghiệp bất động sản nạo vét, khai thông

Bàn về câu chuyện quy hoạch đất ven sông Cổ Cò, đại diện DKRA Việt Nam cho rằng cần sự đồng bộ, tránh tình trạng manh mún, cát cứ mỗi công ty một dự án bám sát bên sông, dự án nào cũng có phân lô bán nền/nhà xây sẵn, thương mại, bến du thuyền… mà thiếu bản sắc riêng. Đại diện DKRA Việt Nam cũng đề xuất: “Xem xét rà soát vấn đề quy hoạch những khu đất dự án có vị trí đẹp (sau khi cải tạo/mở rộng đường sá, sông kênh…), có thể đấu giá để tái đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Tuy nhiên, thực tế là dọc hai bên bờ sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam hiện đã “hết đất sạch” để có thể đấu giá, bởi từ những năm trước, Ban quản lý phát triển ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc đã phân chia dự án vô tội vạ cho các nhà đầu tư, băm nát quy hoạch chung ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc. Khi triển khai dự án nạo vét khai thông sông Cổ Cò, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, sẽ tiến hành đấu giá cát sau nạo vét, thu tiền nộp vào ngân sách, nhưng rõ ràng việc nạo vét sông vô hình trung càng giúp các chủ đầu tư dự án ven sông hưởng lợi từ những tiện ích do dòng sông mang lại!

Quy hoạch chung ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc theo quyết định số 124/1999/QĐ-TTg ban hành ngày 18/5/1999, nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, hỗ trợ cho việc phát triển TP. Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng (400ha), Khu công nghiệp tập trung Điện Nam - Điện Ngọc (420ha) và Khu du lịch nghỉ ngơi giải trí (hơn 300ha)… Khu đất lựa chọn phát triển đô thị nằm trong vùng đồng bằng Đà Nẵng - Hội An, diện tích có thể khai thác khoảng 2.700ha thuộc một phần đất đai của 3 xã Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương (hiện là các phường: Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung và Điện Dương).

Về hướng phát triển của đô thị mới, phía Bắc tới ranh giới TP. Đà Nẵng, phía Nam giáp tới TX. Hội An, phía Đông ôm lấy đoạn sông Cổ Cò và sát ra tận bãi biển, phía Tây tới giáp đường liên tỉnh TP. Đà Nẵng - TX. Hội An (hiện nay là TP. Hội An).

(Theo Quyết định số 124/1999/QĐ-TTg ban hành ngày 18/5/1999)

Phú Yên: Doanh nghiệp tài trợ 100 tỷ đồng làm 2 con đường tại TP. Tuy Hòa

Công ty CP Việt Thành - một doanh nghiệp chuyên bất động sản tại tỉnh Phú Yên, đề nghị tài trợ vốn để làm 2 con đường thuộc Đồ án quy hoạch phân khu dọc hai bên đường Độc Lập - Lê Duẩn nối dài tại TP. Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Xuân Châu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Thành cho biết, vào ngày 27/5/2020, UBND tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ cho Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường QH-N2 (đoạn từ đường Độc Lập và Lê Duẩn nối dài xuống biển Tuy Hòa) bằng vốn ngân sách, dự kiến thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

“Biết được thông tin trên, Công ty CP Việt Thành với tâm huyết mong muốn đóng góp một phần nhỏ để xây dựng phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương Phú Yên, góp phần thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về lãnh đạo xây dựng, phát triển TP. Tuy Hòa thành đô thị xanh - sạch - đẹp và từng bước hiện đại, nên chúng tôi đề xuất được tài trợ vốn (không hoàn lại) để xây dựng 2 tuyến đường trục Đông - Tây song song nhau là QH-N2 và QH-N3”, ông Nguyễn Xuân Châu cho hay.

Theo đề xuất của Công ty CP Việt Thành, đường QH-N2 rộng 52m, dài 1.116m, nối từ đường Hùng Vương đến bãi biển Tuy Hòa; đường QH-N3 rộng 16m, chiều dài khoảng 500m nối đường Hùng Vương với đường Lê Duẩn. Công ty này cũng đề xuất dự án được đầu tư theo hình thức UBND tỉnh Phú Yên chịu kinh phí giải phóng mặt bằng, giám sát chất lượng công trình theo quy chuẩn; doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng đến khi hoàn thành và trao tặng lại cho tỉnh Phú Yên. Ông Nguyễn Xuân Châu cho Reatimes biết, vốn đầu tư dự kiến phần xây dựng cho 2 tuyến đường trên khoảng 100 tỷ đồng.

Công ty CP Việt Thành là đơn vị đại diện cho Liên danh Việt Thành - An Phú (gồm Công ty CP Việt Thành, Công ty CP Việt Long Sài Gòn, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt) vừa được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt là đơn vị duy nhất trúng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị hỗn hợp DL-2 (xã An Phú, TP. Tuy Hòa). Hai con đường QH-N2 và QH-N3 nằm ở ranh phía Nam và phía Bắc của Khu đô thị hỗn hợp DL-2 An Phú.

Quyền Khanh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top