Aa

Siết phân lô bán nền, “tay to” cũng mắc cạn

Thứ Bảy, 30/07/2022 - 16:30

Không ít trường hợp các nhà đầu tư “tay to” mua đất rộng với ý định tách thửa bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, một số địa phương vào cuộc kiểm soát việc phân lô tách thửa khiến những người này mắc kẹt lại.

Thời gian qua, đất nền phân lô trở thành món khoái khẩu của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực. Bởi, kinh doanh loại hình này dù bỏ ra số tiền lớn nhưng lợi nhuận thu về cũng rất khủng.

Sau thời gian thực hiện phân lô bán nền dễ dàng, khiến tình trạng này trở nên tràn lan, gây hệ lụy không nhỏ tới thị trường bất động sản và quy hoạch. Vài tháng trở lại đây, Hà Nội đã hạn chế phân lô tách thửa để kiểm soát ổn định thị trường bất động sản, theo đó, để kinh doanh loại đất này gần như đã hết cửa.

Kéo theo không ít nhà đầu tư “tay to” chậm chân cũng bị mắc kẹt lại khi không kịp phân lô bán. Anh N.X - một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội tiết lộ, hiện nay anh đang mắc kẹt một lô đất rộng 970m2 tại Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội).

Theo người này chia sẻ, cuối năm 2021, thị trường bất động sản vẫn còn sôi động, anh N.X đã xuống tiền mua mảnh đất này với mức giá 8 tỷ đồng. Dự định, mảnh này anh sẽ phân thành 13 lô đất với diện tích từ 60 - 80m2/lô, sau đó làm hạ tầng rồi bán kiếm lời với mức giá từ 16 - 20 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ, khi chỉ sau đó vài tháng TP. Hà Nội ra quyết định kiểm soát phân lô tách thửa. Theo đó, thương vụ đầu tư này của anh đứng hình đến nay.

Ảnh minh họa.

“Tôi tính chỉ trong mấy tháng phải xong hoàn tất thủ tục rồi bán ngay. Nhưng sau khi mua xong mất một thời gian nghỉ Tết, đến ra Tết mọi việc vẫn chưa được hoàn chỉnh đã phải tạm dừng. Đến nay đã 8 tháng kể ngày mua mảnh đất đó, tôi vẫn phải ôm nguyên cả mảnh. Số tiền mua trong đó một phần tôi cũng đi vay”, người này nói.

Trái ngang, thị trường trong thời gian này cũng chững lại. Theo đó, dù anh N.X rao bán cũng không có người hỏi mua. Một phần vì mảnh đất diện tích lớn, một phần do số tiền bỏ ra cũng khá cao và chưa biết việc tách thửa bán lại còn thuận lợi như trước không.

Anh Nguyễn Hiếu - môi giới lâu năm tại khu vực Thạch Thất (Hà Nội) tiết lộ, sau khi “lệnh” siết phân lô tách thửa được thực hiện, không còn cảnh xe nối đuôi nhau đi xem, mua bán đất nữa. Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng bán “cắt lỗ” đến từ các nhà đầu tư mua lại trước đó.

“Nếu trước kia, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm về mua mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại thì nay cũng không có người về mua nữa, do lệnh siết phân lô tách thửa đất nông nghiệp được thực hiện. Các giao dịch từ sau Tết Nguyên đán tới nay cũng trầm hẳn. Nếu có cũng chỉ là giao dịch đất của dân, còn đất tự phân lô này gần như mất thanh khoản. Cũng không ít trường hợp nhà đầu tư tay to mua đất rộng nhưng chưa kịp phân tách, đến nay vẫn mắc kẹt”, anh Hiếu nói.

Người môi giới này cho biết thêm, trước động thái của các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào bất động cũng đã ảnh hưởng tới tâm lý của đầu tư. “Mua đất rộng chắc chắn cần số tiền lớn thì không phải nhà đầu tư nào cũng có sẵn mà phải dùng tới đòn bẩy. Sau khi thực hiện tách thửa xong, đầu cơ tạo sóng để thoát hàng thì mới sôi động, thanh khoản mạnh. Hiện tại, đầu cơ cũng nằm im thì thị trường lình xình cũng là điều dễ hiểu. Nhà đầu tư mua lại mà cũng đi vay ngân hàng thì bây giờ buộc cắt lỗ để trang trải, cũng một phần lo lắng lãi suất ngân hàng sẽ tăng nên họ bán sớm”, anh Hiếu nói.

Theo Bộ Xây dựng cho biết, tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đắk Lắk… đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm để phân lô, tách thửa và chào bán tràn lan gây mất ổn định cho thị trường bất động sản. 

Trước tình hình đó, cơ quan quản lý tại các địa phương đã phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn như siết chặt, dừng việc phân lô bán nền đối với các giao dịch đất đai trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương phải thực hiện một số giải pháp như quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top