Chuyển động

Sức hút "Vịnh Hạ Long trên núi"

Chuyển động - 06:30, 04/09/2019 G9T+7 - Trần Ngọc Tiến

Không phải đến bây giờ, Hồ Hòa Bình mới được nhắc đến nhiều trong việc phát triển du lịch và là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong nước, quốc tế. Những năm qua, việc tập trung đầu tư, phát triển với mục tiêu trọng tâm thành Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình hứa hẹn sẽ đánh thức tiềm năng chốn sơn thủy hữu tình nơi đây.

Ấn tượng du lịch Hồ Hòa Bình

Ngày 01/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Đây là định hướng quan trọng để tỉnh Hòa Bình kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch, từng bước đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia, một trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình, một trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ.

Được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, Hồ Hòa Bình luôn tạo ấn tượng khó phai đối với du khách, bằng những giá trị du lịch độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Đến với khu du lịch Hồ Hòa Bình, chắc hẳn du khách sẽ bị “đốn tim” bởi vẻ đẹp có một không hai.

Được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, Hồ Hòa Bình chắc chắn sẽ vươn tầm quốc tế và thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: Ngọc Tiến)

Hồ Hòa Bình hình thành sau khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, là hồ lớn nhất Việt Nam có chiều dài hơn 100km, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m3 nước, trải rộng trên địa bàn các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình. Nơi đây có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó 11 đảo đá vôi có diện tích 116ha và 36 đảo núi đất có diện tích 157,5ha.

Những năm qua, nhiều đảo đã được đầu tư xây dựng thành các khu du lịch sinh thái hấp dẫn như: đảo Dừa, đảo Xanh, nhà nghỉ Cối Xay Gió... Trong đó, đảo Dừa là điểm đến đang thu hút đông đảo du khách bởi sự độc đáo của những ngôi nhà sàn theo kiến trúc cổ truyền người Mường cùng các hoạt động du lịch đặc sắc như câu cá, hái quả, bơi thuyền, đốt lửa trại,... và thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa và các loại cá đặc sản sông Đà.

Trước khi đến du lịch Hồ Hòa Bình, du khách đến tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình, một công trình thế kỷ được khởi công xây dựng từ năm 1979 và hoàn thành vào năm 1994, với 8 tổ máy có công suất 1.920MW. Đây là công trình công nghiệp quan trọng và cũng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Nhắc đến du lịch Hồ Hòa Bình cũng phải kể đến lễ hội đền Bờ, được khai hội từ ngày mùng 7 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch trên vùng hồ Hòa Bình. Ngoài việc tận hưởng phong cảnh sơn thủy hữu tình, du khách được chiêm ngưỡng và tham gia hoạt động văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo, linh thiêng, huyền bí. Đây là điểm du lịch văn hoá tâm linh được nhiều người biết đến và không thể bỏ qua khi bước chân đến khu du lịch Hồ Hòa Bình.

Nhiều du khách trong nước và quốc tế có ấn tượng khó phai khi đến với du lịch Hồ Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Tiến

Một trong những điểm nhấn khi đến với du lịch Hồ Hòa Bình đó là các hang động Karst nguyên sơ như: động Thác Bờ, động Hòa Tiên là những danh thắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Bước vào trong động, du khách bị ấn tượng mạnh bởi những khối thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ để du khách thoải mái ngắm nhìn. Ngoài cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa với những kiệt tác của thiên nhiên hòa quyện giữa mặt nước hồ trong xanh với cảnh núi non trùng điệp hùng vĩ.

Tại xóm Ngòi (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), một công viên nước bơm hơi lớn nhất Việt Nam với 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm các môn thể thao dưới nước như mô tô nước, thuyền bơm hơi, cano, thuyền Kayak, bè mảng, chèo thuyền tôm, câu cá... đáp ứng cho mọi lứa tuổi.

Gắn liền với việc phát triển du lịch Hồ Hòa Bình, các điểm du lịch cộng đồng của người Mường tại bản Ngòi (xã Ngòi Hoa), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia và xóm Mó Hẻm (xã Tiền Phong)... luôn là trải nghiệm thú vị đối với các du khách trong nước và quốc tế.

Cơ hội lớn, cần bước đi vững chắc!

Với những điểm nhấn ấn tượng về du lịch Hồ Hòa Bình như vậy, nhiều du khách không thể "cưỡng lại" và đều muốn có một lần trải nghiệm. Có nhiều du khách đã may mắn được đặt chân lên vùng đất “Vịnh Hạ Long trên cạn” ấy, họ phải thốt lên rằng đã bị “ám ảnh” bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ lại đầy thơ mộng và chắc chắn họ sẽ phải quay trở lại.

Với vẻ đẹp tiềm ẩn vốn có của Hồ Hòa Bình, thời gian qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng. Có thể nói, đây như một bước đà để du lịch Hồ Hòa Bình có những bước đi nhảy vọt, vững chắc. Du lịch Hồ Hòa Bình hứa hẹn sẽ ngày càng hấp dẫn hơn nữa và chắc chắn với những dự án quy mô lớn như vậy sẽ đánh thức mạnh mẽ tiềm năng du lịch nơi dòng Đà Giang chảy qua.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng. (Ảnh: Ngọc Tiến)

Tuy nhiên cũng phải nhắc thêm rằng, với việc Hồ Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để khai thác tốt thế mạnh đó. Đây là điều đòi hỏi ngành Du lịch Hòa Bình phải có những giải pháp dài hơi, chiến lược, cùng những đầu tư thỏa đáng phát triển cơ sở hạ tầng vệ tinh, cùng các trang thiết bị đủ chuẩn như tàu du lịch trên lòng hồ, cũng như mở rộng liên kết với các tỉnh thành trong khu vực và cả nước.

Và điều quan trọng hơn hết, việc phát triển kinh tế mà mũi nhọn là du lịch cũng cần phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường, hệ sinh thái Hồ Hòa Bình lên hàng đầu. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần phải có những bước đi cụ thể, để chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến với cuộc sống của người dân. Khi đó, du lịch Hồ Hòa Bình chắc chắn sẽ vươn tầm quốc tế và thu hút được nhiều du khách.

Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, xã Vầy Nưa đang thu hút 8 doanh nghiệp vào khảo sát hiện trạng và đang có 2 doanh nghiệp muốn đầu tư và phát triển. Đây vừa là cơ hội cũng như thách thức đối với địa phương. Đặc biệt, theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, xã Vầy Nưa (thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) nằm trong vùng lõi, thuộc phân khu Bình Thanh - Vầy Nưa. Nơi đây được quy hoạch tập trung phát triển du lịch thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng.


Bạn đang đọc bài viết Sức hút "Vịnh Hạ Long trên núi" tại chuyên mục Chuyển động của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục