Aa

Thay đổi tư duy về đầu tư nước ngoài

Thứ Tư, 30/01/2019 - 19:00

Khi làm việc với TP. Hà Nội về thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định phải thay đổi tư duy từ tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang hợp tác về đầu tư, phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 29/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của các bộ, ngành đã làm việc với TP. Hà Nội về việc thu hút và sử dụng vốn FDI trên địa bàn.

Đây là buổi làm việc thứ 4 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới lĩnh vực này sau các địa phương Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh để xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị đầu năm nay.

Qua các lần khảo sát trước, Phó Thủ tướng cho biết FDI là thành phần kinh tế có đóng góp quan trọng tới sự phát triển kinh tế-xã hội, việc làm của các địa phương trong thời gian qua. Hiện nay, các dự án FDI đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Với vai trò là địa phương thu hút FDI lớn nhất của cả nước trong năm qua và cũng là một trọng điểm thu hút FDI, Phó Thủ tướng mong muốn TP. Hà Nội báo cáo những thuận lợi, bất cập trong lĩnh vực này, góp phần giúp Bộ Chính trị, Trung ương vạch ra hướng kêu gọi và sử dụng vốn FDI của đất nước trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Trọng tâm của định hướng thu hút, sử dụng hiệu quả vốn FDI của chúng ta là về thể chế, chính sách trên tinh thần coi trọng ngoại lực nhưng nội lực là quyết định. FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, góp phần tăng cường sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước”.

Hà Nội có tình trạng đầu tư FDI "chui"

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, tính đến hết ngày 31/12/2018, Hà Nội có gần 4.500 dự án FDI còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Vốn FDI thực hiện đã giải ngân lũy kế trên địa bàn thành phố đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất của Hà Nội là bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Nhật Bản đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.

Trong giai đoạn đầu (1989-2005), khi nguồn vốn đầu tư trong nước hạn chế thì FDI là kênh thu hút vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội của Hà Nội, trung bình chiếm đến 25,3%; giai đoạn 2006-2015 là 12,3% và hiện nay khoảng 9,9% (trung bình toàn quốc là 20%), góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của thành phố, thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực ô tô, hoá chất, quản lý khách sạn, y tế, giáo dục.

Các DN FDI tạo việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng khoảng 295.000 người; thu nhập bình quân khoảng 11,6 triệu đồng/người/tháng, cao hon thu nhập trung bình của người lao động trong các khu vực doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thu hút và sử dụng vốn FDI khi thiếu chiến lược/quy hoạch từ phía các bộ, ngành Trung ương; quy mô vốn đầu tư các dự án FDI nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài thấp, chưa phát huy được tiềm năng của nguồn vốn FDI. Hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá; đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” vẫn tồn tại. Dự án công nghệ cao và hoạt động chuyển giao công nghệ chưa nhiều, chưa thể hiện các hiệu ứng, kết quả rõ nét. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chúng ta mong muốn thu hút được nguồn vốn FDI dài hạn nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư sử dụng chiến lược "vốn mỏng", sau đó vay ở trong nước hoặc huy động ở nước ngoài tác động đến nợ nước ngoài của Việt Nam. Dư nợ vay nợ nước ngoài vốn FDI của Hà Nội là 1,82 tỷ USD, chiếm 7,4% dư nợ của cả nước.

Trong Luật Đầu tư không quy định nhóm, vốn đầu tư nên trong thực tế nhiều dự án được cấp phép không rõ bao nhiêu nguồn vốn của DN, bao nhiêu vốn vay, gây khó cho Ngân hàng Nhà nước trong xem xét các khoản vay nợ nước ngoài của khu vực FDI. Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư để quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN, trong đó có DN FDI, dự tính đưa ra quy định vốn vay trên vốn thực tế ở mức độ nhất định.

Nói về việc chuyển giao công nghệ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng cần có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sau một thời gian đầu tư nhất định. Đây là vấn đề từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm. Đi liền với thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, ông Chung cho biết sẽ phải tăng cường đào tạo nguồn nhận lực, bởi "lao động của mình kém thì họ cũng không thể đầu tư công nghệ cao được”.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chuyển từ "thu hút, sử dụng" sang "hợp tác, phát triển"

Gom lại các vấn đề sau buổi khảo sát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, TP. Hà Nội đã thành công trong thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ huy động vốn FDI của thành phố tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng lại theo xu hướng giảm xuống, ngược chiều với các địa phương khác.

Theo Phó Thủ tướng: “Việc giảm này cần phân tích, đánh giá kỹ, đôi khi là tốt, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước mạnh lên, tránh lệ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI”.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một số quốc gia GDP tăng trưởng cao, tỷ trọng khu vực FDI rất lớn nhưng lợi ích của quốc gia rất thấp, nhất là vấn đề đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lợi ích khi vào Việt Nam thì cũng cần phải bảo đảm lợi ích cho đất nước và cho người lao động.

“Tổng thể vẫn là lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường, chất lượng cuộc sống và thu nhập của người lao động. Phân tích, đánh giá vấn đề này là quan trọng, chứ không phải số lượng bao nhiêu, giải ngân được bao nhiêu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập đề án lưu tâm đề án phải phù hợp với chiến lược kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong bối cảnh, yêu cầu, điều kiện mới, cơ hội lớn và thách thức cũng không nhỏ, cần có đổi mới tư duy về chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến thu hút và sử dụng vốn FDI.

“Nếu vẫn tư duy cũ, thu hút bằng mọi cách là rất khó, phải chuyển sang từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác về đầu tư, phát triển, coi nhà đầu tư như đối tác hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, có thái độ cầu thị, trân trọng, văn hóa”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề, khi cho rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài không muốn về nước, muốn ở lại Việt Nam.

Để giữ chân nhà đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề tạo lập môi trường đáng sống, đáng đầu tư, giữ nét văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

“Ngay khi đàm phán hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, chúng ta phấn đấu có thời gian để bảo lưu, nhưng quan điểm của Chính phủ và chủ trương của Đảng là thời gian bảo lưu này cần thiết vừa đủ để chúng ta thay đổi hệ thống thể chế trong nước. Nếu kéo dài thời gian bảo lưu là chúng ta trì trệ. Phải tạo ra áp lực để có cải cách. Các tiêu chí cũng vậy, thu hút đầu tư phải có tiêu chí để thu hút”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tư duy về xúc tiến đầu tư phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển trọng điểm thu hút từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, hướng tới xây dựng mô hình khu công nghiệp gắn kết với đô thị, nhà đầu tư làm việc và sống tại chỗ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top