Aa

Thấy gì từ "cơn sốt" đất nền Đà Nẵng?

Thứ Tư, 20/03/2019 - 14:01

Cơn sốt đất nền ở huyện xa trung tâm Đà Nẵng vừa hạ nhiệt sau khi chính quyền địa phương xác thực các thông tin đồn thổi và nhận diện chiêu trò của cò đất, dân đầu cơ.

Dữ liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn trong 2 tháng đầu năm cho thấy, lượng người dùng tìm kiếm thông tin bất động sản tại Đà Nẵng tăng vọt, trùng khớp với diễn biến của đợt sốt đất vừa qua.

Cụ thể, lượt tìm kiếm đất thổ cư tại Đà Nẵng trong tháng 2 tăng 14% so với tháng 1, đất nền dự án cũng tăng 21%, nhà riêng tăng tới 48%… Điều đó cho thấy, người mua, nhà đầu tư luôn quan sát, chực chờ nhào vào các điểm nóng với hi vọng kiếm lợi.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ lượt tìm kiếm bất động sản Đà Nẵng tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ lượt tìm kiếm bất động sản Đà Nẵng tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Đất nền dự án, đất thổ cư sốt ảo

Theo khảo sát của phóng viên, chỉ trong vài tháng, giá đất một số xã thuộc huyện Hòa Vang tăng chóng mặt. Cò đất (môi giới tự phát) tụ tập khắp các ngõ nhỏ trong xóm lùng mua đất vườn của người dân, không ít người san lấp cả ao hồ để bán.

Tại các xã Hoà Tiến, Hoà Châu, giá đất tăng cao bất thường. Cụ thể, giá đất Hòa Tiến tại thời điểm tháng 11/2018 chỉ mới ở mức 1,5-3 triệu/m2 đột nhiên tăng lên 8-10 triệu/m2 vẫn được dân đầu tư tranh nhau đặt chỗ. Đất thổ cư khu vực xã Hòa Châu cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước Tết nguyên đán.

Không chỉ đất trong dân, đất một số dự án cũng tăng rất mạnh, từ 2,5-2,7 tỷ đồng/lô có thể lên đến 3,5 tỷ đồng/lô… Khu vực đường Trần Tử Bình, Phan Văn Đáng, Kha Vạn Cân, Trịnh Quang Xuân… nhiều dự án rao bán giá từ 26-35 triệu/m2, tăng từ 20-40% so với giá bán cuối năm 2018.

Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu sốt ảo thấy rõ khi đối tượng tham gia chủ yếu là giới đầu cơ, cò đất. Theo ông Hà Nghiệm - Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của Batdongsan.com.vn, lượng người tham gia thực chỉ chiếm dưới 20% các giao dịch.

Cũng theo ông Nghiệm, sau khi có các văn bản đính chính thông tin, khuyến cáo của chính quyền địa phương, sốt đất đã tạm lắng. Mặc dù thị trường hiện giờ không có giao dịch nhưng thực tế giá đất tại các điểm sốt vẫn khá cao, khó quay về mốc ban đầu. Đây là một hệ lụy rất lớn, bởi để có được quyền sử dụng đất, người dân sẽ phải trả mức giá cao hơn trước. Trong khi những cò đất ôm tiền tỉ đã cao chạy xa bay cũng không thể xử lý, chỉ những người mua ở đỉnh sóng “ôm hận”.

Trước đó, Đà Nẵng và một số địa phương khác cũng từng xảy ra các đợt sốt tương tự. Hệ lụy từ các đợt sốt đất đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng vì đâu cò đất vẫn lộng hành, người dân vẫn chạy theo các tin đồn?

Cò đất có nhiều cơ sở để lộng hành

Thông thường, giới đầu nậu, cò đất luôn “chớp” các thông tin sớm về quy hoạch, hạ tầng (dù chưa chính thức) để thừa cơ thổi giá, tạo sốt. Tuy nhiên, với một thị trường bất động sản vốn không quá non trẻ như Đà Nẵng, “bài” của đầu nậu, cò đất cũng cao tay hơn bằng cách tạo các thông tin ảo bên cạnh cơ sở thực để dễ bề chiêu dụ lòng tin của người dân và nhà đầu tư.

Có 3 cơ sở để nhóm đối tượng này viện dẫn làm căn cứ thổi phồng giá bất động sản Đà Nẵng thời gian qua, gồm:

Thứ nhất, chủ trương của thành phố đưa Đà Nẵng trở thành đô thị hạt nhân, đầu tàu phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Trong đó, tiêu điểm là Hội nghị mùa xuân vừa tổ chức đầu tháng 3 vừa qua. Tại đây, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng công bố trao Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn gần 490 triệu USD cho 8 dự án. Nguồn vốn khổng lồ rót vào Đà Nẵng là tiềm năng cực lớn với thị trường bất động sản, mảnh đất màu mỡ để giới đầu nậu tạo sốt.

Thứ hai, các thông tin ảo do môi giới tự “vẽ” ra mà sau này chính quyền địa phương đã có văn bản khẳng định đây đều là thông tin bịa đặt, như: dự án khu tái định cư, trường đua ngựa tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang; thành lập quận mới tên Hiếu Đức…

Thứ ba, hàng loạt dự án tại Đà Nẵng đang trong thời gian dừng triển khai, chờ thanh/kiểm tra, khiến nguồn cung trên thị trường khan hiếm, kích thích tâm lý mua vào.

Đúng như nhận định của ông Lê Xuân Trường - CEO Batdongsan.com.vn: “Người dân rất thiếu các kênh đầu tư nên khi có tiền đa số đều nghĩ đến mua nhà đất. Kiếm tiền từ đất nhiều khi lại rất dễ (thậm chí có những chỗ sau 2-3 năm giá tăng một vài chục lần) nên mọi người lại càng lao vào. Hệ luỵ là gây tác hại khổng lồ cho nền kinh tế khi thị trường của một công cụ sản xuất, một tài sản rất quan trọng bị bóp méo, bị thổi phồng. Bao nhiêu tiền của, nhân lực bị “găm” vào đất, dân đã nghèo lại càng khó khăn hơn để kiếm được chỗ ở, chỗ sản xuất...”

Thực tế các đợt sốt đất thời gian qua chỉ được dập tắt khi có sự vào cuộc của cơ quan quản lý. Tuy nhiên việc cắt cơn sốt chỉ là tạm thời, chưa triệt để, các đợt sốt đất vẫn có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top