Vùng đất sông Lục núi Huyền và hành trình trở thành “vùng trũng“ hút vốn đầu tư

Vùng đất sông Lục núi Huyền và hành trình trở thành “vùng trũng“ hút vốn đầu tư

Thứ Tư, 21/04/2021 - 06:30

Sông Lục, núi Huyền là những địa danh gắn với huyện Lục Nam, một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang - vùng đất mang trong mình nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ đang chờ được khai phá. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Dung, Lục Nam có đầy đủ các lợi thế phát triển để được trở thành “Bắc Giang thu nhỏ” trong tương lai.

Huyện Lục Nam là khu vực liên kết với các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương và Quảng Ninh của tỉnh Bắc Giang, đồng thời có vai trò quan trọng về quốc phòng an ninh của Vùng thủ đô và là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy của tỉnh Bắc Giang.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/25.000 đã được phê duyệt vào cuối năm 2020. Theo ranh giới quy hoạch, vùng huyện Lục Nam có quy mô khoảng 608,6km2, phía Bắc vùng huyện Lục Nam giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương và TX. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; phía Đông giáp huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động; phía Tây giáp huyện Lạng Giang và huyện Yên Dũng.

Vùng quy hoạch mang tính chất là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, dịch vụ du lịch sinh thái - văn hóa, lễ hội, là một trong các trung tâm phát triển dịch vụ vận tải, công nghiệp, nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao và đô thị thuộc tiểu vùng trung tâm của tỉnh Bắc Giang.

Xây dựng vùng huyện Lục Nam nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, từ đó đưa ra những dự báo và định hướng chiến lược nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh và những đặc thù của huyện.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Lục Nam đã quy hoạch mới 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.601ha, 7 cụm công nghiệp với diện tích 401ha; thu hút 48 dự án gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, duy trì sản xuất 33 cánh đồng mẫu, 41 mô hình công nghệ cao. Xây dựng và hoàn thành 3 xã về đích nông thôn, 6 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.

Phát triển công nghiệp huyện Lục Nam, Bắc Giang

Năm 2020, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 457,5 tỷ đồng, bằng 118,3% dự toán; trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 115,69 tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán. Hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các khu đô thị, khu dân cư tập trung đã và đang được hoàn thiện.

Trong thời gian tới, Lục Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang, huyện cần quan tâm xây dựng phát triển cả 3 lĩnh vực: Khu, cụm công nghiệp; nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó phát triển công nghiệp sẽ tạo động lực lớn cho huyện phát triển; phát triển nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế về trồng trọt, chăn nuôi và phát triển rừng; phát triển dịch vụ cần đa dạng.

Để rõ hơn về những lợi thế, tiềm năng, định hướng phát triển, cơ hội đầu tư của địa phương này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện cởi mở với bà Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư huyện ủy Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Trong suốt cuộc trò chuyện, nữ Bí thư huyện ủy trẻ tuổi luôn thể hiện một quyết tâm mãnh liệt trong việc đưa ra các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển bền vững để huyện Lục Nam có thể vươn mình trỗi dậy, bứt phá những tiềm năng, trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ và du lịch, vùng trũng thu hút đầu tư trong tương lai gần.

PV: Thưa bà, huyện Lục Nam có những lợi thế, tiềm năng gì để có thể nuôi giấc mơ trở thành một trung tâm về công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch trong tương lai?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Lục Nam được đánh giá là một "Bắc Giang thu nhỏ" với rất nhiều tiềm năng phát triển, trong tương lai có thể là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư.

Về vị trí, huyện Lục Nam nằm ở cửa ngõ vùng đông bắc, là đầu mối giao thông của tỉnh Bắc Giang. Mạng lưới giao thông của Lục Nam hiện có cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, thuận tiện cho kết nối giao thông giữa miền núi với miền xuôi. Trung tâm huyện cách TP. Bắc Giang 22km và cách thủ đô Hà Nội chưa đến 70km.

Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 37 (từ Thị tứ Bảo Sơn - kết nối với Lạng Sơn, đi qua thị trấn Đồi Ngô, Khám Lạng, Bắc Lũng, Cẩm Lý về Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh); tuyến quốc lộ 31 (từ TP. Bắc Giang đi qua thị tứ Sàn - TT Đồi Ngô lên Chũ, Sơn Động); tuyến  đường tâm linh (từ TP. Bắc Giang qua khu di tích chùa Vĩnh Nghiêm của Yên Dũng, qua xã Khám Lạng, thị trấn Đồi Ngô, Cương Sơn, Nghĩa Phương qua khu vực Tứ Sơn về Tây Yên Tử)… và đi qua nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Ngoài ra, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bổ hợp lý, thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện. Riêng tỉnh lộ 293 đã mở ra cho Lục Nam một không gian phát triển rất lớn, đặc biệt là công nghiệp. Hệ thống giao thông của Lục Nam cũng có tính kết nối khá tốt với cửa khẩu, cảng biển. Giao thương rất thuận lợi.

Tiềm năng phát triển của huyện Lục Nam

Bên cạnh lợi thế về kết nối giao thông, vị trí địa lý cũng mang đến cho Lục Nam nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi non, sông suối giao hòa, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng. Nổi trội trong quần thể thắng cảnh tự nhiên của Lục Nam phải kể đến khu di tích thắng cảnh Suối Mỡ được du khách đánh giá là điểm hẹn du lịch tương lai. Ngoài danh thắng Suối Mỡ, huyện Lục Nam còn nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khác như Suối Nước Vàng nằm giữa vùng Tây Yên Tử, thác Rêu hay công trình hồ nhân tạo Hồ Suối Nứa và những đồi rừng, vườn cây ăn quả, kết hợp rừng Tây Yên Tử bạt ngàn.

Ngoài ra, Lục Nam còn là mảnh đất ghi dấu nhiều thời kỳ lịch sử từ thuở xa xưa. Nay còn nhiều di tích là những thành quách, đền đài, những địa danh một thuở chống quân xâm lược từ phương Bắc hay đền thờ những công chúa thời Lý rời lầu son gác tía vì mục tiêu theo chồng bảo vệ phên dậu của Tổ quốc và cả những âm vang của dòng Minh Đức từ thuở kháng chiến chống Nguyên Mông vọng về…

Trên địa bàn huyện hiện còn 263 di tích lớn nhỏ, trong đó có 85 di tích đã được xếp hạng gồm: 16 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh. Hàng năm các di tích đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Năm 1988 di tích danh thắng Đền Suối Mỡ được xếp hạng Quốc gia. Lịch sử di tích kể lại rằng Đền Suối Mỡ là nơi thờ công chúa Mỵ Nương, con gái vua Hùng, được người dân suy tôn là Thánh mẫu thượng ngàn.

tiềm năng du lịch Lục Nam
Tiềm năng du lịch Lục Nam
Tiềm năng du lịch Lục Nam
Tiềm năng du lịch Lục Nam

Tài nguyên thiên nhiên và lịch sử, văn hóa là những lợi thế lớn giúp Lục Nam có thể thu hút đầu tư và phát triển.

Cũng trong hành trình du lịch của Lục Nam, tiềm năng được mở ra với nhiều di tích với những hiện vật cổ quý báu. Tuyến đường tâm linh chạy dài mấy chục cây số từ TP. Bắc Giang qua các thôn xóm hiền hòa của huyện sẽ đưa du khách về thăm hương án đá cổ của chùa Khám Lạng, xuôi về Côn Sơn Kiếp Bạc du khách có thể đến thăm, thắp nén nhang thơm cầu may mắn trên đền thờ Thần Nông của xã Cẩm Lý. Ngược lên chùa Bảo An, đền Suối là những cảnh đẹp nguyên sơ và những giá hát văn thờ Mẫu âm vang suốt 4 mùa.

Đi về phía Tây Yên Tử là nơi còn lưu dấu tích của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài ra, những ngôi đình làng mấy trăm năm tuổi với kiến trúc hoa văn tinh xảo từ thời Lê như đình Vải - xã Bảo Sơn, Đình Sàn - Xã Phương Sơn, đình Hà Mỹ - xã Chu Điện… cũng làm nên những đặc trưng có một không hai của Lục Nam.

Du khách đến với Lục Nam không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên của núi rừng hùng vỹ, sơn thuỷ hữu tình mà còn có cơ hội đến thăm các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, lắng nghe những làn điệu dân ca vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ và thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng đã được xây dựng thành thương hiệu như na dai Huyền Sơn, hạt dẻ Tứ Sơn, dứa mật Bảo Sơn… cùng nhiều sản vật, dược liệu quý và nhiều món ẩm thực phong phú như chả giã tay, gà đồi, xôi ngũ sắc cùng nhiều loại bánh của đồng bào dân tộc vẫn duy trì.

Đó là những lợi thế về tự nhiên và lịch sử văn hóa của Lục Nam chưa được khai phá hết, trong tương lai, với những định hướng phát triển đặt ra của tỉnh và của huyện, nơi đây sẽ là khu vực phát triển đồng bộ về công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị gắn với du lịch.

Huyện Lục Nam

PV: Vậy bà có thể chia sẻ những chiến lược nhằm hiện thực hóa những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm lực của địa phương trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Sau khi cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 21, Ban Thường vụ Huyện ủy đã bắt tay nhanh vào thực hiện Nghị quyết của Đại hội, đó là triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể của UBND huyện.

Trong quan điểm của Huyện ủy và tập thể lãnh đạo, việc đầu tiên cần làm đó là làm tốt công tác quy hoạch của huyện. Khu vực nào phát triển công nghiệp, khu vực nào phát triển nông nghiệp và khu vực nào tập trung phát triển dịch vụ. Khi đã có quy hoạch thì trong quá trình thực hiện phải quản lý quy hoạch thật tốt, đảm bảo các mục tiêu, lộ trình đã đặt ra. Đẩy mạnh việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là thị trấn Đồi Ngô, phấn đấu sớm phủ kín 100% quy hoạch chi tiết để quản lý. Đổi mới tư duy về công tác lập quy hoạch, đặc biệt chú trọng tính đồng bộ, hiện đại, tầm nhìn dài hạn và những công trình tạo điểm nhấn, cảnh quan, kiến trúc đô thị.

Trong kế hoạch, chúng tôi ưu tiên đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là đầu tư cho giao thông. Giao thông phải đi trước một bước để tạo ra được hạ tầng kết nối thuận tiện, mở ra không gian cho phát triển công nghiệp.

Vừa rồi trong cuộc họp với thường trực tỉnh ủy, chúng tôi đã đề xuất 3 vấn đề và được đánh giá là đề xuất có tầm, có chiến lược.

Thứ nhất, tiếp tục làm quy hoạch chi tiết của huyện Lục Nam để quản lý quy hoạch tốt hơn với định hướng phát triển về công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nông nghiệp.

Thứ hai, chúng tôi đề xuất mở rộng, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 293 từ TP. Bắc Giang về Lục Nam để giải quyết vấn đề giao thông và làm tăng lên giá trị của khu vực này để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn trong việc phát triển công nghiệp và dịch vụ.  

Thứ ba, đề xuất tỉnh hỗ trợ kéo dài đường 293 đi từ ngã ba Khám Lạng vào đến Nghĩa Phương với chiều dài khoảng 9,9km, trong đó bao gồm một cây cầu bắc qua sông Lục Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Con đường này không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, mở rộng không gian phát triển về công nghiệp, dịch vụ mà còn là một con đường phát triển du lịch.

Cây cầu bắc qua sông Lục Nam cũng vậy, không chỉ có mục đích sử dụng về mặt giao thông mà còn phải có điểm nhấn về văn hóa. Đó là tuyến đường du lịch tâm linh. Đi từ Khám Lạng đến Nghĩa Phương, tỉnh đang đầu tư xây dựng hệ thống chùa Bát Nhã có quy mô khoảng hơn 200ha, tổng mức đầu tư khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng.

Huyện Lục Nam
Huyện Lục Nam
Huyện Lục Nam

Huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang trên đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và đô thị.

Chiến lược tiếp theo là tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển về công nghiệp và đô thị trên địa bàn. Để thu hút đầu tư, bên cạnh việc tạo cơ sở hạ tầng, quy hoạch tốt thì việc tiếp theo của cấp ủy chính quyền đó là giải phóng mặt bằng, tạo ra thật nhiều quỹ đất sạch, phát huy khả năng tạo vốn của đất đai. Đây là nhiệm vụ, giải pháp chính để tạo đột phá phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án lớn trên địa bàn.

Thời gian để kêu gọi nhà đầu tư, phát triển các dự án hiện nay phải gọi là thời gian vật chất. Nếu thời gian triển khai một dự án nếu kéo dài quá lâu thì không thể thu hút đầu tư và cũng không thể có nguồn lực để đầu tư trở lại. Cho nên, giải phóng mặt bằng càng nhanh, càng sớm, càng tốt bao nhiêu thì sẽ đưa dự án vào triển khai sớm bấy nhiêu. Ngược lại, nếu công tác này chậm trễ thì sẽ là “chốt chặn” khiến dự án bị ngưng trệ, mất cơ hội đầu tư, ngân sách cũng mất đi một nguồn thu.

Công tác giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư

Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai đồng thời các dự án nhưng dành ưu tiên cho những dự án trọng tâm, trọng điểm. Để làm được điều này, trong năm nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lựa chọn ra 15 dự án trọng điểm, trong đó có 8 công trình đầu tư công, còn lại có 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tiến độ triển khai quy hoạch sẽ được kiểm tra hàng tuần, hàng tháng. Thường trực huyện ủy giao ban sẽ báo cáo tiến độ của từng dự án để làm sao đốc thúc các dự án triển khai đúng với lộ trình đã đặt ra với chất lượng tốt nhất.

Mặt khác, muốn thu hút đầu tư, tạo môi trường hấp dẫn nhà đầu tư mà cải cách hành chính không được quan tâm thì sẽ tạo ra ách tắc, đình trệ rất lớn trong việc triển khai các dự án theo đúng quy hoạch và làm nản lòng các nhà đầu tư. Do đó, hiện đại hóa nền hành chính công, tăng chỉ số cạnh tranh cấp huyện cũng là nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Cải cách hành chính của huyện Lục Nam

PV: Bà có thể phân tích rõ hơn về chiến lược cải cách hành chính của huyện?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Để chú trọng xây dựng bộ máy hành chính tốt, yếu tố đặc biệt cần quan tâm là con người. Những người tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp bắt buộc phải chuyên nghiệp để hướng tới một nền hành chính phục vụ chứ không phải mang tính chất xin - cho.

Những năm qua, Lục Nam cũng đã nỗ lực, cố gắng trong việc cải cách hành chính, tạo môi trường thân thiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân. Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ xây dựng trung tâm hành chính công của huyện với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa. Đó là nơi tiếp công dân, giải quyết các vấn đề, thủ tục của doanh nghiệp, người dân. Cán bộ, công chức khi làm việc ở bộ phận này phải thực sự chuyên nghiệp, có kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Vừa rồi, tỉnh có làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, Bắc Giang cũng sẽ thí điểm các mô hình chuyển đổi số để phục vụ cho hành chính công. Huyện Lục Nam cũng đã đăng ký làm thí điểm và cũng quyết tâm đi đầu trong lĩnh vực này.

Như vậy, muốn là một huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh thì từ công tác lập quy hoạch, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch phải được triển khai thực hiện đồng bộ từ cấp ủy chính quyền tới nhân dân. Những thông điệp đó phải được chuyển tải, lan tỏa đến mọi cán bộ, công chức, Đảng viên và nhân dân. Còn nếu chỉ dừng lại ở tư tưởng của đội ngũ lãnh đạo thì không đủ sức làm.

Thu hút đầu tư huyện Lục Nam

PV: Với những lợi thế, tiềm năng và tư duy cởi mở của chính quyền trong việc thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển, đặc biệt là khi công tác quy hoạch được triển khai hoàn chỉnh, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư muốn rót vốn vào địa phương. Bà có thể chia sẻ quan điểm của huyện trong việc lựa chọn nhà đầu tư?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Ngân sách địa phương không thể đủ để triển khai một cách đồng bộ các chiến lược phát triển về công nghiệp, đô thị, du lịch và thực thi các quy hoạch… nên đòi hỏi phải kêu gọi đầu tư tư nhân. Và như đã nói, quan điểm của chúng tôi là đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nếu không có lợi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không làm, đó là điều hiển nhiên. Nhưng phải làm sao để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, trong đó lợi ích của người dân phải đặt lên hàng đầu. Do đó, trước hết phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thứ hai là cải cách hành chính, nếu vẫn gò bó, “hành là chính” thì không thể thu hút đầu tư. Chúng tôi tạo ra cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dựa trên khuôn khổ pháp luật.

Thu hút đầu tư vào huyện Lục Nam

Tuy nhiên, để có thể đảm bảo việc thực thi quy hoạch một cách hiệu quả, đúng hướng và đảm bảo tiến độ cán đích các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt về phát triển công nghiệp và đô thị cũng như du lịch nhưng không phải nhà đầu tư nào đến cũng tiếp nhận hết mà tất yếu sẽ có sự chọn lọc nhất định.

Quan điểm lựa chọn nhà đầu tư của huyện, trước hết là họ phải có thế mạnh, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tiềm lực tài chính, hoặc có khả năng huy động vốn, có những dự án hấp dẫn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể đi đường dài và cùng địa phương hiện thực hóa các mục tiêu. Ngoài ra, thay vì ngồi chờ các doanh nghiệp đến, chúng tôi cũng chủ động mời gọi các nhà đầu tư mà mình biết là họ có tiềm lực tốt để sớm thực thi các quy hoạch một cách hiệu quả.

Ngoài ra, giải pháp quan trọng khác là cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư, minh bạch thông tin quy hoạch, thông tin bản đồ hiện trạng đất đai và thủ tục về chủ trương đầu tư trên cổng thông tin điện tử của huyện và của tỉnh. Huyện khuyến khích, định hướng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch.

Cùng với đó, huyện sẽ thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như thực hiện dự án.

Phát triển công nghiệp huyện Lục Nam, Bắc Giang

PV: Dù định hướng phát triển là một trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ nhưng lĩnh vực trọng tâm, động lực tăng trưởng của huyện Lục Nam trong thời gian tới là công nghiệp. Bà có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển ngành này của huyện khi đặt trong mối tương quan với đô thị và dịch vụ. Hay nói cách khác, để công nghiệp hóa kéo theo đô thị hóa thì cần có những giải pháp ra sao?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung:  Phát triển công nghiệp là xu hướng tất yếu của cả nước để trở thành một nước công nghiệp năm 2030 và tỉnh Bắc Giang, trong đó có huyện Lục Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Lục Nam có 22 vạn dân, nguồn lao động rất dồi dào. Nếu chỉ làm nông nghiệp, thu nhập của người dân rất thấp, còn nếu đẩy mạnh công nghiệp, có thể sử dụng lao động dôi dư tại chỗ của địa phương. Chỉ cần 1 người đi làm ở khu và cụm công nghiệp thì đã giúp 1 hộ nghèo có thể thoát nghèo. Nếu cả hai vợ chồng cùng làm thì từ hộ nghèo sẽ thành hộ khá.

Mặt khác, khi thu hút các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, kinh doanh, ngân sách địa phương có thể thu được nguồn thu từ các loại thuế, có thêm nguồn lực để phát triển đô thị, dịch vụ một cách đồng bộ.

Đối với giải pháp để công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa, bên cạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi… huyện Lục Nam sẽ quan tâm đến quy hoạch các khu dân cư, nhà ở cho chuyên gia, công nhân và các dịch vụ, tiện ích đi kèm để công nhân có môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh và được tận hưởng đầy đủ các nhu cầu sống cùng gia đình, con cái. Có như vậy công nhân mới có cuộc sống ổn định, tái sản xuất sức lao động.

Chúng tôi đã nhìn thấy bài học ở một số khu đô thị khác, ngân sách không thu được gì ngoài tiền thuế. Các chuyên gia đến khu công nghiệp làm việc xong họ lại quay sang Bắc Ninh tiêu tiền chứ không ở Bắc Giang. Để tránh đi vào lối mòn đó, song song với việc phát triển các khu, cụm công nghiệp thì phải phát triển ngay các hạ tầng tương ứng là đô thị, dịch vụ để giữ chân nhà đầu tư, chuyên gia, đáp ứng các nhu cầu của họ. Theo đó, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ hậu cần cho các khu công nghiệp, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, du lịch tâm linh, sinh thái… đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động cả trong và ngoài nước.

Về lâu dài, huyện sẽ kêu gọi đầu tư phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nâng cao chất lượng các khu nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf. Với hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, việc các chuyên gia ở các khu công nghiệp di chuyển đến “tiêu tiền” ở những khu nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa vùng miền ở Lục Nam sẽ rất hiệu quả. Đó là giải pháp tốt để đánh thức các tiềm năng có một không hai của huyện.

Tiềm năng phát triển của huyện Lục Nam

PV: Nhiều doanh nghiệp phản ánh, pháp luật về đất đai hiện nay đang có nhiều bất cập, chồng chéo khiến họ khó tiếp cận quỹ đất để đầu tư, phát triển, đồng thời nhiều dự án cũng vì vướng mắc pháp lý mà bị trì trệ kéo dài, gây lãng phí đất đai và nguồn lực của nhà đầu tư. Huyện sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ cho doanh nghiệp tham gia đầu tư tại địa phương

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Tinh thần của huyện ủy Lục Nam là chủ động tháo gỡ các khó khăn, bất cập, đặt lợi ích chung lên hàng đầu khi đưa ra mọi quyết định. Khi cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều bất cập thì không nên thực thi pháp luật một cách quá cứng nhắc, gây khó cho doanh nghiệp mà sẽ là sự lãnh đạo linh hoạt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

PV: Bà có kiến nghị, đề xuất gì để mục tiêu đưa Lục Nam trở thành một trung tâm công nghiệp - dịch vụ, một “thỏi nam châm” thu hút đầu sớm thành hiện thực?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm cải tạo nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 31, Quốc lộ 37 để đồng bộ hệ thống giao thông tiến ra cảng. Vành đai 4, vành đai 5, cầu Cẩm Lý đã có quy hoạch, lộ trình, cũng mong sớm được triển khai.

Giao thông, giao thông và giao thông, đó là yếu tố quan trọng nhất. Phải đồng bộ giao thông thì mới có thể đánh thức được các tiềm năng và hướng tới sự phát triển bền vững./.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

21/04/2021 06:30
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top