Aa

Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài

Thứ Năm, 22/08/2019 - 17:40

Nghị quyết nêu rõ: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác".

Ngày 20/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo đó, Bộ Chính trị nhận định, qua hơn 30 năm đổi mới với nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành nhằm thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất;…

Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết nêu rõ: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.”

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, “việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế… Hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các thiết chế văn hóa, xã hội thiết yếu…

Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.

Đặc biệt, “các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui," đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế”.

Từ những nhận định, đánh giá nêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu cần hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng," chuyển giá, đầu tư "chui," đầu tư "núp bóng".

Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Nghị quyết cũng nêu ra những mục tiêu cụ thể như sau: 

Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm).

Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm). 

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Ngoài ra, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cần "phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có tính đến các yếu tố đặc thù; có hướng dẫn và chỉ đạo rõ về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nội dung sinh hoạt,... cho các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tăng cường gắn kết tổ chức đảng và đảng viên với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua mối quan tâm, mục tiêu phát triển và lợi ích chung".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top