Aa

TP.HCM: Lại bàn xây đô thị dưới lòng đất

Thứ Bảy, 06/11/2021 - 06:30

Kế hoạch xây đô thị ngầm của TP.HCM được đưa ra từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy và một lần nữa kế hoạch này được nhắc đến trong Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị Thành phố.

Khai phá không gian ngầm

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đang lấy ý kiến chuyên gia và người dân về “Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM”, trong đó có đề cập đến không gian ngầm trong khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) với định hướng sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ (quận 1) với nhiều tầng.

Cụ thể, tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát Thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và các kios diện tích tối đa 60m2 cùng hệ thống cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini... phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba của không gian ngầm này sẽ được sử dụng làm bãi giữ xe.

Cách đó khoảng 1km, khu vực công trường Mê Linh sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ.... Vườn trũng kết nối với bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng, sức chứa hơn 300 ô tô ở hai tầng hầm, đây cũng là nơi kết nối các công trình ngầm các tòa nhà xung quanh trong tương lai...

Thực tế, ý tưởng phát triển không gian ngầm ở TP.HCM đã được đặt ra từ hơn 10 năm về trước, chẳng hạn như quy hoạch các bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, nhà hát Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư kết hợp với các trung tâm thương mại ngầm theo phương thức đối tác công tư… nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.

Đến năm 2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM có đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị TP.HCM, nhưng vì là nội dung mới nên trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt mới chỉ đưa ra nghiên cứu sơ bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư theo định hướng giao thông công cộng. Các công trình dưới lòng đất mở ra không gian cho các phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại. Điều này giúp giảm áp lực giao thông và đáp ứng tốc độ phát triển đô thị ngày càng nhanh của thành phố.

TP.HCM đã có các tầng hầm ở tuyến metro số 1 thì cần sớm quy hoạch tổng thể để kết nối với các không gian ngầm khác xung quanh (Trong ảnh: Tầng hầm metro trạm Ba Son). Ảnh: Lê Toàn

Cần một kế hoạch tổng thể

Theo các chuyên gia quy hoạch, những không gian ngầm ở một số nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có giá trị rất lớn đối với các khu vực xung quanh, là động lực để phát triển kinh tế. Vấn đề là, nếu TP.HCM muốn sớm hiện thực hóa giấc mơ đô thị ngầm thì cần đẩy nhanh kế hoạch triển khai chi tiết, bởi nhu cầu xây dựng không gian ngầm là cấp bách. Đặc biệt, ngoài hỗ trợ dịch vụ, các không gian ngầm còn giúp giải quyết nhiều vấn đề khác như chống ngập, chỗ đậu xe, đường đi lại cho người dân, tăng thêm giá trị gia tăng của tất cả dịch vụ khu trung tâm…

Trao đổi về kế hoạch phát triển không gian ngầm của TP.HCM, ông Yeo Choon Chong - Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Đông Nam Á, Công ty Tư vấn phát triển đô thị toàn cầu Surbana Jurong cho rằng, chính quyền thành phố cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, vì một khi không gian ngầm đã được xây dựng thì sẽ rất khó để chỉnh sửa hay thay đổi thiết kế, hạng mục. Quy hoạch phải được thực hiện một cách bền vững và các không gian phải được thiết kế phục vụ mục đích lâu dài, hoặc có mức độ linh hoạt cao để có thể thay đổi công năng.

Bên cạnh đó, để phát triển không gian ngầm của một thành phố hay một vùng nhất định, cần phải xây dựng quy hoạch tổng thể bao gồm tất cả các thông tin, bản đồ về cấu trúc địa chất, mức độ chịu lực của từng tầng ngầm. Kế hoạch tổng thể này sẽ giúp cho chúng ta có được một chiến lược phát triển không gian ngầm hiệu quả và giảm thiểu chi phí.

“Khi lựa chọn các địa điểm tiềm năng để phát triển không gian ngầm, cần phải xây dựng một báo cáo nghiên cứu về các khả năng tiếp cận không gian này như thế nào, mức độ sử dụng phần không gian hiện tại ra sao và quan trọng hơn là các không gian này phải được quy hoạch bài bản, kết nối với các công trình liên quan. Thêm vào đó, yếu tố về cảnh quan môi trường trong khu vực cũng phải được tính đến. Việc phân bổ không gian cho các dự án trong tương lai, chẳng hạn như đường hầm giao thông và các lối dẫn tiện ích, sẽ phải được xác định rõ và nằm trong kế hoạch phát triển không gian ngầm sau này”, ông Yeo Choon Chong nói.

Sau nhiều năm “nung nấu”, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc TP.HCM cần có quy hoạch tổng thể và chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào dự án đô thị ngầm của thành phố, đặc biệt sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia quy hoạch một số không gian ngầm tại TP. Montreal (Canada) cho hay, thành phố này được xây dựng thành công là nhờ kết nối được hầu hết các công trình trọng điểm ở trung tâm thành phố, tức là các công trình ở trung tâm có tầng ngầm đa số đều kết nối với không gian ngầm này.

“Với TP.HCM, cả chục năm qua đã mọc lên rất nhiều công trình cao tầng, nhưng đều không có sự chuẩn bị để nối không gian ngầm của tòa nhà vào không gian ngầm công cộng của thành phố, chẳng hạn tòa nhà Saigon Centre hay cao ốc đôi đối diện chợ Bến Thành cần phải có định hướng quy hoạch để kết nối vào không gian ngầm trong tương lai...

Vì thế, rất cần một chính sách với những dự án sắp phê duyệt, thậm chí dự án đã phê duyệt nhưng chưa xây thì cũng nên rà soát lại và yêu cầu những tòa nhà này phải có cửa sẵn sàng kết nối vào không gian ngầm của thành phố”, ông Sơn nói, đồng thời nhấn mạnh, đây là vấn đề cốt lõi bởi không gian ngầm không đơn thuần chỉ là một khối bê tông nằm dưới mặt đất, mà nó phải đi xuyên được từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, có như vậy mới tạo ra được giá trị cao cho khu vực trung tâm thành phố.

Ngoài ra, ông Sơn cũng lưu ý khung pháp lý cho không gian ngầm ở Việt Nam chưa có tiền lệ, ví dụ đầu tư không gian ngầm thì quyền sử dụng không gian dưới đó thuộc về ai? Bởi nếu là các tòa nhà của các doanh nghiệp thì chắc chắn thuộc về họ, nhưng ở các không gian công cộng cần quản lý ra sao phải được làm rõ.

“Đặc biệt là vấn đề về tài chính, Nhà nước chắc chắn không đủ tiền làm, nên cần có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư tham gia với các chính sách ưu đãi, chẳng hạn 5 năm đầu kết nối vào không gian ngầm sẽ không phải thu thuế…”, ông Sơn nói và cho rằng, không gian ngầm nhiều hơn, tương tác nhiều hơn thì cơ hội phát triển dịch vụ thương mại ở khu vực này sẽ lớn, từ đó đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top