Aa

Bài 9: TP.HCM: Sai phạm xây dựng nhỏ lẻ giảm, sai phạm lớn kéo dài nhiều năm

Thứ Tư, 23/06/2021 - 12:48

Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, tình trạng VPXD tại TP.HCM đã có chuyển biến tích cực, số lần vi phạm giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều công trình sai phạm lớn vẫn "dai dẳng".

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Sai phạm nhỏ lẻ giảm dần

Sở xây dựng TP.HCM vừa có văn bản số 6619/BC - SXD-VP báo cáo công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng và tình hình hoạt động của thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố trong 5 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, Sở Xây dựng cho biết thời gian qua bằng việc tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của UBND Thành phố về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, tình trạng vi phạm xây dựng nhỏ lẻ đã có những chuyển biến tích cực, số công trình vi phạm giảm dần theo năm.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Sở đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, Ban quản lý các khu đô thị mới, khu chế xuất - khu công nghiệp thực hiện công tác kiểm tra với 45.108 lượt (tăng 1.883 lượt so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ tăng 4,4%).

Có 288 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có 133 công trình xây dựng sai phép, chiếm 46,2%. Cụ thể, qua kiểm tra, phát hiện tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 288 trường hợp, giảm 176 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020 là 464 trường hợp (tỷ lệ giảm 37,9%).

Dù sai phạm nhỏ lẻ đã giảm dần nhưng nhiều sai phạm lớn vẫn kéo dài dai dẳng
Tại TP.HCM, dù sai phạm nhỏ lẻ đã giảm dần nhưng nhiều sai phạm lớn vẫn kéo dài dai dẳng

Trong đó, 133 trường hợp là công trình sai phép (chiếm tỷ lệ 46,2% tổng số vi phạm), giảm 54 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020 là 187 trường hợp (giảm 28,9%). Công trình không phép là 92 trường hợp (chiếm tỷ lệ 31,9% tổng số vi phạm), giảm 37 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. 63 trường hợp vi phạm khác, giảm 85 trường hợp, chủ yếu là các công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng…

Ngoài ra, báo cáo về công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình, Sở Xây dựng cho biết đã tổ chức kiểm tra 110 lượt công trình xây dựng; thông báo kết quả kiểm tra 143 công trình.

Sở Xây dựng cũng kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng, tổ chức kiểm tra 39 lượt công trình xây dựng; thông báo kết quả kiểm tra 35 công trình, chuyển Thanh tra Sở xử lý 3 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Sở Xây dựng cũng đã thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ 11 công trình vi phạm trật tự xây dựng; hướng dẫn lập phương án phá dỡ 16 công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Theo Sở Xây dựng, thời gian qua thành phố đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn, đảm bảo đúng quy định. Thành phố đang thực hiện kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác quản lý, phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Thủ Đức giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức. Hiện tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình này vẫn chưa dứt điểm, kéo dài, dẫn đến các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm hành chính.

Sai phạm lớn vẫn ngang nhiên tồn tại?

Dù có chuyển biến tích cực, nhưng nhiều điểm nóng về vi phạm xây dựng tại TP.HCM vẫn chưa bị xử lý. Theo ghi nhận, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình này còn chưa dứt điểm, kéo dài. Đặc biệt, các địa bàn nóng như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi vẫn còn nhiều vụ việc chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận.

Điển hình, tại huyện Bình Chánh, Thanh tra TP.HCM kết luận, nhiều trường hợp vi phạm TTXD vẫn chưa bị xử lý dứt điểm, tình hình vi phạm còn nhiều phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ mua bán đất. Việc này dẫn tới hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép chưa được UBND huyện phê duyệt. Điểm nóng tập trung tại xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Quý Tây, Tân Nhựt…

Nổi bật trong số đó là vụ "làng ẩm thực" Bình Xuyên rộng 2,5ha, hoạt động gần 20 năm mới bị phát hiện hàng loạt sai phạm. Sau khi có kết luận của Thanh tra TP.HCM, chính quyền huyện Bình Chánh đã đến kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và buộc chủ nhà hàng khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất lấn chiếm. Sai phạm và hình thức xử lý đã rõ ràng, nhưng vụ việc "làng ẩm thực" Bình Xuyên lại tiếp tục kéo dài, đến nay vẫn chưa có hồi kết vì chủ nhà hàng xin… “cứu xét”.

Bên cạnh trường hợp này, theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, địa phương này còn xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng phức tạp tại một số dự án kinh doanh bất động sản, như vi phạm trong tổ chức thi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện về pháp lý đầu tư, xây dựng sai quy hoạch, sai mẫu nhà được duyệt. Đơn cử là các dự án khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhựt, khu dân cư An Hạ, khu dân cư Phi Long 5, khu nhà ở Vĩnh Lộc, khu dân cư Trung Sơn… Ngoài ra, nhóm “dự án tự xưng” không có giấy tờ pháp lý công nhận thực hiện dự án phân lô, bán nền, nhưng vẫn tổ chức hội nghị khách hàng, rao bán bất động sản.

Dự án khu D Khu đô thị An Phú - An Khánh kéo dài sai phạm 2 năm nay vẫn chưa bị cưỡng chế
Dự án khu D Khu đô thị An Phú - An Khánh kéo dài sai phạm 2 năm nay vẫn chưa bị cưỡng chế

Không riêng gì huyện Bình Chánh, tại thành phố Thủ Đức, một công trình sai phạm khủng khác cũng làm nóng dư luận là Dự án Khu D, Khu đô thị An Phú - An Khánh (Tên thương mại là Laimian City). Laimian City được quảng cáo là dự án tỷ USD với quy mô hàng chục ngàn căn hộ cao cấp, nhưng đã xây dựng không có giấy phép.

Được biết, ngày 14/5/2019, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà. Ông Khiết hiện đã chuyển công tác lên vị trí Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM. Nhưng công trình sai phạm khủng sau gần 2 năm vẫn dai dẳng không bị cưỡng chế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top