Aa

TP.HCM: Tuyển chọn Tư vấn Luật cùng tham gia làm metro

Thứ Ba, 23/07/2019 - 05:00

Việc đàm phán, quản lý hợp đồng các dự án metro rất phức tạp, trường hợp phát sinh, tranh chấp sẽ có hậu quả lớn. Do đó, cần phải có Tư vấn Luật tham gia cùng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa thống nhất đề xuất của Ban Quản lý Đường sắt đô thị về tuyển chọn Tư vấn Luật chung cho các dự án đường sắt đô thị (metro). UBND TP cũng chấp thuận chủ trương bố trí sử dụng ngân sách TP hàng năm để thực hiện thuê Tư vấn Luật chung cho các dự án metro.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị đề xuất dự toán chi phí Tư vấn Luật trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Giao Sở Tài chính, Sở Tư pháp hướng dẫn Ban Quản lý Đường sắt đô thị để triển khai thực hiện.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, tùy trường hợp cụ thể, Ban Quản lý Đường sắt đô thị áp dụng Quyết định số 30/2016 của UBND TP về ban hành quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trên địa bàn TP, chủ động phối họp với các sở - ngành liên quan, kịp thời báo cáo đề xuất UBND TP.

Tuyến metro số 1 đi qua quận Thủ Đức

Tuyến metro số 1 đi qua quận Thủ Đức

Theo UBND TP, các dự án metro TP có quy mô rất lớn, liên quan đến các nhà thầu quốc tế nên việc ký hợp đồng để triển khai các gói thầu phải chặt chẽ, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, quy định của nhà tài trợ và thông lệ quốc tế.

Việc đàm phán, quản lý hợp đồng rất phức tạp, trường hợp phát sinh, tranh chấp sẽ có hậu quả lớn. Do đó, cần phải có Tư vấn Luật tham gia cùng Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong suốt quá trình triển khai dự án, từ thương thảo, đàm phán cho đến thanh quyết toán, kết thúc hợp đồng.

Theo quy hoạch được duyệt, TP.HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 220km. Tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Hiện tuyến số 1 và số 2 đã được triển khai đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi; tuyến số 5 giai đoạn 1 đã có cam kết tài trợ hoàn chỉnh thiết kế cơ sở và dự án đầu tư.

Trong đó, tuyến metro số 1 được phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng. Sau đó, tư vấn chung của dự án tính toán và xác định lại vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2018, song phải đến năm 2021 mới có thể vận hành.

Còn tuyến metro số 2 được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng nhưng giờ được điều chỉnh lên khoảng 48.000 tỷ đồng.

Hai dự án metro này đang phải chờ các bộ ngành trung ương thực hiện thủ tục điều chỉnh thiết kế và tổng mức đầu tư. Thời gian qua, tuyến metro số 1 liên tục "đói vốn" do vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top