Aa

TS. Lương Hoài Nam: Xe máy là “kẻ thù” của giao thông đô thị

Thứ Sáu, 23/09/2016 - 00:21

Theo chuyên gia kinh tế hàng không, TS. Lương Hoài Nam, khi chuyển từ xe máy sang giao thông công cộng, khá nhiều thói quen của người Việt phải thay đổi, nhiều thói quen trong đó là thói quen xấu đối với một xã hội văn minh, thói quen gây hại cho sức khỏe.

Người dân hiện đã quá quen với việc sử dụng xe máy trong lưu thông và với bản tính "tiện đâu đi đấy", xe máy vốn phù hợp với tâm sinh lý và cách ứng xử với giao thông của người việt. Do đó, đề xuất hạn chế xe máy tiến đến cấm phương tiên giao thông này vấc phải phản đối của nhiều người.

TS. Lương Hoài Nam không phủ nhận những tiện lợi của xe máy mà giao thông công cộng không thể có được. Nhưng ông cho rằng, vì xe máy mà nhiều người Việt đã mất thói quen đi bộ, ban đầu sẽ khó chịu khi chuyển sang giao thông công cộng. Khi đi lại bằng giao thông công cộng, việc đi mua hàng ở "chợ cóc", ăn uống ở "quán cóc" cũng bất tiện hơn. Bất chợt gọi điện cho nhau gọi đi uống nước hay đi nhậu cũng khó khăn hơn, thường phải hẹn nhau trước.

“Nói chung là khi chuyển từ xe máy sang giao thông công cộng, khá nhiều thói quen của người Việt phải thay đổi, nhiều thói quen trong đó là thói quen xấu đối với một xã hội văn minh, thói quen gây hại cho sức khỏe”, TS. Lương Hoài Nam nhận định.

Ông Lương Hoài Nam, nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific - Ảnh: NGỌC DƯƠNG.

TS. Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific. Nguồn: Tuổi trẻ.

Ngoài ra, TS. Nam cũng đánh giá: Xe máy không phải là "tội đồ" duy nhất trong những nguồn gốc gây ung thư nhưng có liên quan đến một số nguyên do tạo nên "cuộc sống bẩn", "môi trường bẩn".

Cụ thể, khí thải xe máy không được xử lý theo các tiêu chuẩn môi trường cao như khí thải ô-tô. 45 triệu xe máy gây ô nhiễm không khí nhiều hơn nhiều so với 2,2 triệu chiếc ô-tô hiện đang lưu thông ở Việt Nam.

“Cũng không thể quên 9.000 đồng bào ta bị chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, trong đó khoảng 70% là người đang đi xe máy. Cứ mỗi giờ trôi qua, ở đâu đó, trong một gia đình nào đó, một người Việt Nam đã bị chết vì tai nạn giao thông và điều đó rất nhức nhối” – TS. Nam dẫn chứng.

Tiến sĩ này còn cho rằng đi xe máy rất tiện cho việc ăn cắp giờ công, làm một tí rồi lấy xe máy “phắn” đi mua sắm, đi công việc riêng, hết sức tiện.

TS Lương Hoài Nam ví von xe máy là phương tiện “nhanh như ôtô, thô sơ như xe đạp”, rồi tự đặt câu hỏi: “Người Việt Nam đi xe máy có phải vì yêu thích, sung sướng không? Hoàn toàn không phải như vậy. Người Việt đi xe máy bởi sự thất bại trong việc phát triển giao thông công cộng”.

Đồng thời, TS. Lương Hoài Nam đã chỉ ra một thực trạng rằng, tình trạng giao thông ở hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã và đang xấu đi một cách rõ rệt, tắc nghẽn giao thông ngày càng ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Không thể không có những giải pháp mang tính triệt để hơn. Chính quyền Hà Nội đang đi đúng hướng. Việc Hà Nội đưa ra chủ trương trên cho thấy tình hình thực sự đã trở nên cấp bách, không thể né tránh những giải pháp mạnh hơn.

Hà Nội ngày 20/9 chứng kiến cảnh tắc đường kinh hoàng 4 tiếng đồng hồ tại ngã tư đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội).

Hà Nội ngày 20/9 chứng kiến cảnh tắc đường kinh hoàng 4 tiếng đồng hồ tại ngã tư đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội). Nguồn: Dân trí.

Khi đánh giá về đề án hạn chế xe máy của Hà Nội, TS. Nam đã dẫn ra câu chuyện thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) cấm phương tiện giao thông này từ năm 2007 và cho rằng đây là một cuộc "lột da", một cuộc cách mạng về giao thông, thay đổi toàn diện thành phố và nếp sống, cách đi lại của người dân Quảng Châu.

“Khi đặt ra lộ trình cấm xe máy, họ nêu ra 8 "tội" của xe máy là: (1) Tai nạn giao thông, (2) Rối loạn giao thông, (3) Ô nhiễm khí thải, (4) Ô nhiễm tiếng ồn, (5) Gây mất an ninh đô thị (cướp giật, tội phạm), (6) Tác động tiêu cực đến lối sống, sức khoẻ của người dân, (7) Tác hại cho sự phát triển của giao thông công cộng, (8) Làm xấu mặt đô thị, giảm chất lượng môi trường sống. Tôi thấy 8 điểm này cũng hoàn toàn phù hợp đối với nền giao thông xe máy ở nước ta, và mừng với cơ hội có một cuộc cách mạng giao thông đô thị tại thủ đô Hà Nội - bộ mặt của cả nước” – TS. Nam kỳ vọng.

Để bảo đảm cho mọi người dân tham gia giao thông thuận tiện, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, cần đặt trọng tâm phát triển loại hình xe buýt bởi đây là loại phương tiện duy nhất có khả năng phủ kín đô thị, với số tiền đầu tư thấp hơn nhiều và thời gian triển khai nhanh hơn nhiều so với MRT.

Nguồn: Tuổi trẻ.

Nguồn: Tuổi trẻ.

"Theo tính toán của tôi, Hà Nội và TP.HCM mỗi nơi cần khoảng 30.000 xe buýt kết hợp cả xe buýt lớn chạy trên các tuyến đường phố lớn, hết khoảng 3 tỉ USD. Như vậy, chỉ nhiều hơn một chút số tiền làm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Còn để có 200 - 300km tàu điện như ở Singapore cần tới khoảng 25 - 30 tỉ USD, đó là điều hết sức khó khăn đối với nước ta" – TS. Nam cho phân tích.

Cũng theo ông Nam, lộ trình này bắt đầu bằng việc thay thế xe máy bằng xe buýt, sau đó từng bước thay thế xe buýt bằng MRT trên các tuyến trục (khi khả năng tài chính cho phép). Yangon (Myanmar) và một số thành phố ở Trung Quốc đã cấm xe máy trong khi hoàn toàn chưa có MRT và xe buýt là giải pháp.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top