Aa

Visa nào cho bún thang ngày Tết

Thứ Năm, 26/01/2023 - 06:30

Tết Việt là nỗi khát khao nhất của mỗi người muốn trở về. Về nhà thôi! Tết năm nay, niềm vui lớn là được tự do, nói cười và kể chuyện, được gần người thân và cái chính là được về nhà.

Tết năm ngoái, chị Nguyên Trần còn ngơ ngẩn không về Việt Nam được vì thất lạc giấy tờ, rồi khủng hoảng dịch Covid-19 và mắc trầm cảm nhẹ. Năm nay, chị xin lại hộ chiếu, xin visa để được về với quê nhà, để đi trong mưa phùn gió bấc; rồi đi lại vào cái ngõ nhỏ sập xệ, tới chung cư cũ rích ở phía sau nhà máy rượu Hà Nội, đó là chung cư của nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo xưa lắm rồi. Nhà máy Trần Hưng Đạo đã xóa đi, mọc lên một tòa nhà hoành tráng; một thế hệ sinh từ những năm hai ngàn trở đi không biết nơi đây từng là nhà máy Diêm Hà Nội nổi tiếng một thời, gắn bó thân thiết với nhiều kỷ niệm của bao người.

Rồi cuối cùng, chị cũng có visa về nhà trước Tết, cùng cô em dâu đi chợ mua gà quê, mua đầu tôm khô, mua miếng vải màn thưa khâu thành cái túi luộc đầu tôm làm nước dùng cho bún thang pha với nước luộc gà. Bún thang làm kỳ công mà mẹ dạy Nguyên Trần phải lụi hụi làm từ chiều 29 Tết. Riêng 30 làm cỗ Tết, mâm cỗ cổ truyền với 10 món, gồm 6 đĩa 4 bát. Cỗ truyền thống xưa ngoài 10 món, còn có xôi vò chè đường ăn tráng miệng. Bây giờ đơn giản hơn, người ta chỉ làm một bát măng khô hầm móng giò, bát bóng nấu tôm khô, nấm với xúp lơ xanh cũng đủ ngũ hành. Giờ đây dân tình cũng bỏ bớt món khoai tây nấu cari và bát miến nấu lòng gà chỉ để mâm ăn, chứ không dâng miến thờ cúng tổ tiên bởi quan niệm sẽ "rối ruột" các cụ.

Bún thang Hà Nội (Ảnh: HVH)

Tết nhất hình như chỉ có ngày 30 và mùng 1, sang đến mùng 2, mẹ chị Nguyên Trần bảo "thế là xong Tết, con đi làm bún thang ăn cho mát ruột". Mùng 2 Tết đã có chợ rồi, rau xanh chỉ có đắt hơn nhưng rau cỏ, bún tươi cũng ngon hơn. Rồi làm món ruốc tôm khô cho bún thang, trứng tráng thái mỏng nhỏ như sợi tóc, cùng giò và thịt gà, nấm hương. Trứng muối luộc cắt lát nửa non bày cho đẹp mắt. Những công đoạn làm món bún thang tùy lúc nào nhàn thì làm trước, như làm ruốc tôm khô chẳng hạn, cũng như việc muối trứng vịt cũng chuẩn bị trước cả tháng trời. Ngày mùng 1, gia đình sum họp ăn Tết cổ truyền. Sang mùng 2, con cháu chung tay làm bún thang cho vui cửa vui nhà. Nguyên Trần chỉ dành việc thái trứng tráng và giò lụa theo cách thái chỉ, riêng thịt gà thì xé phay nhỏ.

Chao ơi, những ngày này năm ngoái cứ sôi lên nỗi nhớ, nhớ Tết bún thang; rồi chầm chậm cũng có bún thang, việc lo liệu visa cũng vì bún thang. Đủ thứ nông nỗi nhớ Tết Việt. Nhớ cái ngọn đèn tiết kiệm điện, tù mù ở hành lang chung cư cũ, nhớ khói quạt bếp mùn cưa năm nào, hay nhớ mùi dầu hỏa xộc lên khi tắt bếp. Ở Bắc Âu, đầy tuyết trắng xóa, trắng xóa cả tháng trời mà chỉ ngồi nhớ vơ vẩn cái bếp mùn cưa và tiếng ho sặc sụa của bà hàng xóm tên Tuất. Bà chỉ nghe tiếng bước chân mà nhận ra từng đứa trẻ nhà bên cạnh, dù ở trong nhà một mình. Bà Tuất đã mất rồi, nhưng món chả rươi băm với vỏ quýt hôi của vùng trời Bắc Cạn thì ngon và thơm còn đến giờ. Nhớ bà Tuất dành cả đĩa chả rươi cho Nguyên Trần ăn trước khi chia tay sang Na Uy cùng chồng. Người đã khuất mà vị còn trong cảm giác xót xa, vì nhớ tình láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau.

Trong hương khói ấm nồng ngày Tết, món bún thang vẫn dậy mùi nếp nhà truyền thống, gọn gàng, sạch và đạm bạc. Nhà chả có đồ đạc nên thoáng rộng, càng rộng. Bây giờ tính cô em dâu thì thích nhiều đồ cứ bầy chất ngất chật nhà, nhưng chồng nó bảo: “Không lay nổi hòn đá tảng mua sắm đâu”, thôi thì trời chả chịu đất thì đất chịu trời vậy. Tuy vậy, Nguyên Trần cũng chấp nhận sự thích mua sắm của em, nhà cửa vẫn đâu ra đấy, còn có nguyên một phòng cho cô ấy bầy bừa, không ảnh hưởng đến ai. Thế là ổn thỏa.

Bữa bún thang mùng 2 Tết không có mắm tôm, ăn kiêng dè đầu năm, còn hôm khác Nguyên Trần sẽ ăn bún thang có mắm tôm cho đủ vị nỗi nhớ nhà. Làm bún thang mà cậu em giai phải ngồi kèm để xé phay thịt gà; vợ nó thái lá chanh, nhỏ hơn sợi tóc; rồi bóc trứng muối, trò chuyện ríu rít suốt lúc làm. Sự quây quần, làm ấm lên không gian bếp Việt.

Chao ơi, những ngày này năm ngoái cứ sôi lên nỗi nhớ, nhớ Tết bún thang; việc lo liệu visa cũng vì bún thang, rồi chầm chậm cũng có bún thang... (Ảnh: IT)

Nhớ lại ngày bé, em con phải quạt bếp mùn cưa, quạt nan cho khói um lên mà bà Tuất suốt ngày kêu than hơi khói hắt vào nhà. Chiếc cầu thang của thời bao cấp thiếu ánh sáng, vậy mà chị sang Na Uy chỉ ngồi nhớ cái cầu thang tồi tàn sứt sẹo bậc xi măng mà chẳng có ai vá víu. Hồi đó nhà ai cũng nghèo. Xếp hàng mua được vài lạng thịt, mua con gà cũng giấu giấu diếm diếm kẻo hàng xóm để ý kêu ăn tiêu hoang, tiền ở đâu mà gà qué lắm thế?

Một thời, miếng ngon còn là giấc mơ, là ao ước, chỉ mơ ăn cơm gạo trắng thôi đã là sung sướng lắm. Thế mà giờ đây, cơm tám Điện Biên, Lào Cai, Sín Chải, rồi mọi thứ ngon nhất ở núi cao đổ về Hà Nội, chả thiếu thứ gì, khiến giấc mơ thèm ăn không còn. Cũng là một thứ mất đi cảm giác ngon, cũng là mất đi một cảm giác thưởng thức nghệ thuật ẩm thực. Bao nhiêu người Việt vẫn giữ món ngon ở nơi xa xứ, vì nó ngon không giống món Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu, và vị của nó cũng khác vị của xứ tuyết ít nắng. Chả thế mà khách Âu, cứ bỏ tiền ra "mua nắng" ở cửa biển Phú Quốc, Cát Dứa, Cát Cò ở vùng Kiên Giang, Hải Phòng, rồi Cô Tô Quảng Ninh. Họ mua vé, chi tiền đô la chỉ để nằm nhìn nắng. Ở Việt Nam đây, nắng cho trái dứa, chuối thơm thì lại không quý hoa quả như ở nước ngoài. Ngay cả nhãn, thanh long, vải thiều khi xuất khẩu sang Nhật, Mỹ với giá cả đắt cắt cổ, mà có thấy mấy người Việt quý hóa hương hoa quả của nước mình? 

Trong lúc gia đình ở bên nhau, Nguyên Trần kể về nỗi thèm nước mắm ngon ở Việt Nam. Bên kia cũng có, nhưng đào đâu ra nước mắm rút nõ Thanh Hóa hay nước mắm ông già ở Phú Quốc, có nằm mơ cũng không có nhé. Rồi hay như củ gừng tím ở Sơn La cũng vậy, cay nhức răng thơm nhức mũi. Nguyên Trần là dân ngụ cư ở Bắc Âu, ăn theo chồng mà chồng chị không muốn về nước, còn vợ thì muốn lắm mà không bỏ được vì phận gái theo chồng. Sáu tháng mùa đông đầy tuyết âm âm u u, thèm một tiếng thở dài của mẹ hỏi thăm bao giờ con về, thèm bát bún riêu cua đồng, bún thang 19 năm mới có cơ hội bay về để ăn.

Có khi còn thèm cả tiếng Việt ở nơi ít người Việt. Chồng Nguyên Trần ít nói, đi làm về là đọc sách nghiên cứu nên không mấy khi trò chuyện cùng vợ, Nguyên Trần toàn nói chuyện với cây hoa trồng trước cửa. Đôi khi nghĩ giá như được sống ở Đan Mạch, ở đó có "thư viện người", đến đó người được gặp người để hàn huyên cho hết nỗi buồn. Người của "thư viện người" sẽ ngồi im lắng nghe ta hết thảy câu chuyện mà ta cần để giải tỏa căng thẳng. Người nói sẽ dễ chịu hơn, không vấp bệnh trầm cảm, không stress. "Thư viện người" ấy thật là cứu tinh cho bao người cô đơn, lạc lõng, bao nhiêu tâm trạng u uẩn chưa được nói ra tiếng người và được người nghe thấu hiểu. Giống như sum vầy của Tết Việt, nó nâng đỡ bao nhiêu sự mất mát, được sẻ chia, vỗ về, an ủi.

Rồi chưa hết Tết, cô em dâu đã đi chợ mua cho chị chồng những thứ mà chị thích hoặc bên xứ người không có; là sự quan tâm, muốn chìa tay chia sẻ, muốn bao bọc những năm tháng cách xa mà chị không ở gần. Nguyên Trần thấy hết và nhìn ra cách chạy vạy để làm visa về quê ăn Tết của nhiều người Việt đều có một mong mỏi đoàn tụ. Rồi chị hẹn cô em dâu, đi mua những thứ để về quê nội chùa Thầy, để về thăm họ hàng, ngoảnh lại tuổi thơ ở làng những ngày sơ tán. Biết đâu đó rồi Nguyên Trần khó có thể trở về, vì chẳng ai nói trước được điều gì, khi bay trên trời mười mấy giờ bay, rồi những vướng víu khác ở xứ người đi lại xa lắc xa lơ.

Tết Việt là nỗi khát khao nhất của mỗi người muốn trở về. Về nhà thôi! Cũng may là dịp trở về này không phải đi cách ly, không còn lo bà con xa lánh vì đủ lý do có lý và vô lý khác. Tết năm này, niềm vui lớn là được tự do, không phải về quê nhà bị dân làng lảng tránh, xua đuổi. Tổn thương cũng hay để lại nhiều vết sẹo khó lành trong lòng người khi gặp thời gian đại dịch. Tết năm nay vui hơn hẳn năm trước, được tự do nói cười và kể chuyện, được gần người thân và cái chính là được về nhà. Về nhà - lý do chỉ đơn giản ấy, dù bao cung đường cách xa cách ly, nay còn được về bên nhau sau đại dịch, cũng đủ để mỗi gia đình được đoàn tụ, hân hoan đón năm mới, xuân sang./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top