Aa

Vốn FDI vào bất động sản giảm, thị trường có đáng lo?

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 10/08/2019 - 06:30

Dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Liệu việc giảm nguồn vốn FDI có khiến thị trường bất động sản Việt Nam lo lắng?

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm, tương đương 90,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với con số 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018.

Được biết, lượng vốn FDI đăng kí cấp mới giảm do trong cùng kỳ năm trước đã có nhiều dự án lớn như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội - Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất Poplypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng - Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu...

Theo JLL Việt Nam, thời gian gần đây, những dự án bất động sản chưa được phát triển hiệu quả hoặc những dự án được giao dịch với giá thấp hơn mức giá thị trường hoặc không thông qua đấu thầu chính thức đang phải qua những bước kiểm soát chặt chẽ từ các nhà chức trách tại Việt Nam.

Việc các cơ quan có thẩm quyền hành động để ngăn chặn tham nhũng có thể sẽ có một số tác động đến lợi nhuận kinh doanh trong ngắn hạn, vì một số dự án bất động sản đang phải giảm tốc độ nhằm phục vụ cho quá trình điều tra, điều này có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những nhà đầu tư đang sẵn sang chờ rót vốn vào thị trường.

Dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại sẽ thúc đẩy tính minh bạch được cải thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và thu hút nhiều hơn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam.

Những quỹ đất “sạch” và đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm, khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư bất động sản chất lượng cũng ngày càng khó khăn, một số nhà đầu tư và nhà phát triển đang chuyển hướng mở rộng dấu chân của họ tới các tỉnh lân cận TP.HCM.

Nhiều chủ đầu tư nổi bật như tập đoàn Novaland đang phát triển khu đô thị Aqua City tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai. Tập đoàn Nam Long với dự án Đồng Nai Waterfront, và khu đô thị Đại Phước Paragon rộng 45 ha thuộc đảo Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai, được công ty thâu tóm từ năm ngoái.

Mặc dù có nhiều nhà nhà đầu tư mới đang xem xét các khu vực mới nổi này, nhưng phần lớn các dự án vẫn được dẫn dắt bởi các nhà phát triển nội địa hoặc quốc tế đã thành lập lâu đời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm các bất động sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động.

Trong hai quý cuối năm, dù hoạt động M&A có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn do thiếu các dự án “sạch” và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu tư, nhưng các biện pháp hiện tại của Chính phủ sẽ tác động đến việc cải thiện tính minh bạch trên thị trường, đồng thời sẽ đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top