Aa

Vượt qua “sốt ảo”, bất động sản ven đô vẫn là phân khúc hút đầu tư

Thứ Sáu, 17/09/2021 - 06:00

Không phải bây giờ, bất động sản ven đô mới trở thành cụm từ hot mà nhu cầu sở hữu loại hình bất động sản này đã nhen nhóm từ 3-4 năm trước và càng hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại sau những ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 và những hệ lụy của nó được ví như một phép thử cho “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam nhất là trong lĩnh vực bất động sản, vượt lên bối cảnh chung lao đao vì dịch thì vẫn có những sản phẩm mang về lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư. Trong điều kiện dịch Covid tiếp tục bùng phát tại nhiều tỉnh thành thì ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư an toàn, nhà đầu tư cũng cần đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Một dự án vừa đủ gần để tiết kiệm thời gian di chuyển, vừa là chốn ở ẩn để phòng dịch, vừa đáp ứng được nhu cầu đầu tư đang là tiêu chí chung được nhiều khách hàng cân nhắc, lựa chọn.

Không phải ngẫu nhiên bất động sản ven đô trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản ven đô, nhà đầu tư tìm về dự án gần bởi thực tế hệ thống giao thông liên vùng của Hà Nội ngày càng được hoàn thiện, các dự án ven đô cũng được quy hoạch bài bản, pháp lý minh bạch. Do đó những dự án có sổ đỏ luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Hơn nữa, xu hướng dịch chuyển nguồn cầu, nguồn cung ra ngoại ô đang ngày càng tăng. Chủ đầu tư quan tâm nhiều đến những quỹ đất vùng ven nhờ các lợi thế giá thấp, quỹ đất còn nhiều và hướng tới nhu cầu thực của nhà đầu tư. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản trung tâm thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM ngày càng khan hiếm, giá bán cao và khó mua.

Sự khan hiếm quỹ đất tại trung tâm Hà Nội đã dẫn đến sự dịch chuyển đầu tư bất động sản sang các khu vực ven đô như huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai… 

Cùng với tốc độ phát triển cũng như sự đầu tư của giới địa ốc như hiện nay, loại hình bất động sản này trong ngắn hạn chưa thể tăng và phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng đồng nghĩa giá bán của các sản phẩm ven đô cũng sẽ ở mức hợp lý. Khách hàng đầu tư thời điểm này chính là “đi tắt đón đầu”, vừa tránh những cơn sốt ảo sau này, vừa đảm bảo mua được với giá tốt.

Chắc chắn trong tương lai, các sản phẩm bất động sản ở ven đô sẽ tăng giá. Khi quỹ đất trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm, hạn hẹp, đắt đỏ và ồn ào thì các sản phẩm ven đô lại đáp ứng được cả về không gian, chi phí lẫn lựa chọn cho nhà đầu tư.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đất nền ven đô, nhất là đất có sổ đỏ, đất nền đầy đủ pháp lý vẫn sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường bất động sản. Bởi ở thời điểm hiện tại, 2 phân khúc đáng để đầu tư nhất chính là căn hộ chung cư bình dân và đất nền ven đô, đất nền có sổ đỏ. Tuy nhiên, trong năm 2021, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn sẽ duy trì trạng thái khan hiếm. Do đó, đất nền ven đô, nhất là các mảnh đất có sổ đỏ sẽ hút dòng vốn rất mạnh. Thêm vào đó, sau biến động sốt đất mạnh và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giao dịch các sản phẩm trên thị trường đã có sự dịch chuyển rõ rệt.

Thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng trong quý II/2021, mức độ quan tâm tới bất động sản nói chung tăng đến 37% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhu cầu tìm hiểu thông tin tăng mạnh sau các đợt dịch bùng phát. Ví dụ, sau làn sóng Covid-19 lần 3, mức độ quan tâm tới bất động sản tăng đột biến 378%, đạt gần 7 triệu lượt tìm kiếm/tuần, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường vùng ven, chẳng hạn như Ba Vì (Hà Nội) là 33%; Quốc Oai (Hà Nội) và Hưng Yên là 32%; Bắc Ninh là 28%; Hải Dương là 19%... Ở các khu vực nói trên, mức độ tăng giá cũng tỷ lệ thuận với mức độ quan tâm của thị trường, nhiều nơi có mức tăng vài chục phần trăm như Ba Vì tăng 76%; Quốc Oai là 20%; thậm chí Hòa Bình có mức tăng giá lên tới 102%.

mặt bằng giá đất nền của các khu vực ven đô đều có xu hướng tăng.

Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng kiến làn sóng dịch chuyển dòng tiền mạnh mẽ sang phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Đây sẽ là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng xuống thấp kỷ lục, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại các thị trường truyền thống bất động, giá bất động sản nội đô quá cao và khó còn tiềm năng tăng giá, phân khúc shophouse tại các trung tâm thành phố gặp khó khi cho thuê...

Hiện tại, mặt bằng giá đất nền tại huyện Gia Lâm tăng từ mức 25 - 30 triệu đồng/m2 lên mức 45-80 triệu đồng/m2. Đơn cử, Dự án đấu giá Hải Phát (thị trấn Trâu Quỳ) giá bán đạt ngưỡng 82 triệu đồng/m2; Dự án Oasis Cổ Bi (xã Cổ Bi) được chào bán mức 50 - 60 triệu đồng/m2; Dự án đất nền Euro Window giá khoảng 82 - 120 triệu đồng/m2...

Tương tự, tại một số quận, huyện vùng ven ngoại thành Hà Nội, nhiều dự án có giá khá cao, đơn cử như Dự án The Phoenix Garden (Đan Phượng) khoảng 32,2 triệu đồng/m2, Khu đô thị Inoha City Phú Xuyên (Phú Xuyên) giá khoảng 24,7 triệu đồng/m2, Orange Garden (Hoài Đức) giá khoảng 39,1 triệu đồng/m2, The Spring Town Xuân Mai (Chương Mỹ) giá khoảng 14,5 triệu đồng/m2, Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giá khoảng 13,9 triệu đồng/m2…

Trong làn sóng đầu tư bất động sản vùng ven gần đây, việc nhiều nhà đầu tư chạy đua với những cơn sốt đất ảo, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về một kịch bản đầu tư không an toàn. Trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư phải nếm quả đắng do vướng phải các dự án ma, thiếu pháp lý minh bạch. Bởi vậy, việc tìm đến những dự án đã thành hình để kiểm chứng được chất lượng và pháp lý minh bạch là lời khuyên cần thiết dành cho nhiều nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top