Aa

1.200 dự án bất động sản đang vướng mắc, vướng nào sẽ được gỡ sau cuộc gặp của Chính phủ với doanh nghiệp?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 11/03/2024 - 14:30

Năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết trong cả nước đã có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Cả thị trường kỳ vọng sau cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng sáng 11/3, các nút thắt sẽ được tháo gỡ.

Sáng 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản).

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại đang bị vướng mắc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng; trong đó, chủ yếu là các vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, nhờ hoạt động tích cực của các Tổ công tác của Trung ương và địa phương nên đến nay cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở.

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành, nhất là các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu... Qua đó, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

1.200 dự án bất động sản đang vướng mắc, vướng nào sẽ được gỡ sau cuộc gặp của Chính phủ với doanh nghiệp?- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Về phía các ic địa phương, đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành giao, đôn đốc, hướng dẫn; đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản, cho các dự án bất động sản trên địa bàn.

Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.

Một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn (việc giải quyết tại nhiều địa phương chủ yếu dùng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên xem xét) chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để; một số địa phương, Tổ công tác đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc nhưng vẫn chưa có kết quả giải quyết cụ thể báo cáo về Tổ công tác.

Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật, như: Tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định; chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất...; chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về thực trạng, khó khăn và đề xuất các giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung đề xuất xử lý các nhóm vướng mắc như: về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển nhượng dự án; về giao, thuê đất, định giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về một số bất cập của các văn bản dưới Luật...

1.200 dự án bất động sản đang vướng mắc, vướng nào sẽ được gỡ sau cuộc gặp của Chính phủ với doanh nghiệp?- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: IT

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bất động sản là một ngành kinh tế quan trọng, có tác động lớn và là động lực của nhiều ngành kinh tế khác, nhất là lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, ngân hàng, tín dụng... Khi hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển sôi động, sẽ kéo theo hệ sinh thái với hàng trăm lĩnh vực tham gia, phát triển. Vì vậy, cần sự vào cuộc cởi mở, chia sẻ, quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản nói riêng, thị trường bất động sản nói chung.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện phân khúc bất động sản dành cho người có thu nhập cao đang thừa, trong khi phân khúc bất động sản dành cho người thu nhập trung bình và thấp lại thiếu là những bất cập lớn cần điều chỉnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ nguyên nhân các vướng mắc; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương, các chủ đầu tư cùng tập trung nghiên cứu, tháo gỡ; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến tín dụng về bất động sản; thúc đẩy cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát; tích cực chủ động tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, nhất là các dự án lớn để lắng nghe khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền.

Trong văn bản góp ý gửi đến cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì sáng 11-3 tại Hà Nội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu quý III/2022 đến hết năm 2023.

Nhờ có hoạt động tích cực của Tổ công tác của Chính phủ, đến nay cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản. Riêng TP HCM, có khoảng 30% số dự án được tháo gỡ khó khăn trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc pháp lý.

Tuy vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, vẫn còn một số bất cập, vướng mắc trong việc xử lý vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở do một số quy định của luật, như bất cập do quy định doanh nghiệp chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở, hoặc đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại... Do vậy, ông đề xuất Chính phủ và Tổ công tác sớm có giải pháp khắc phục những bất cập này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top