Aa

Áp lực dư cung bất động sản nghỉ dưỡng đang lớn dần

Thứ Năm, 30/11/2023 - 16:58

Việc xây dựng dự án ồ ạt, quá chú trọng đến quy mô thay vì chất lượng đã khiến nhiều điểm đến du lịch trong nước đang tồn kho hàng loạt sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.

Một doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở TP Hồ Chí Minh tiết lộ, hiện doanh nghiệp này có hơn 200 căn nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse ven biển đang nằm “đắp chiếu” vì vướng pháp lý. Còn những dự án đang mở bán cũng đang trong tình trạng ế ẩm, dù đã giảm giá bán nhưng vẫn không có khách mua.

Lượng hàng tồn kho lớn khiến doanh nghiệp này đang rất chật vật trong việc xoay sở dòng tiền để chi trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động của công ty. Hiện tại, doanh nghiệp này đang thúc đẩy các chương trình ưu đãi, khuyến mãi để tăng khả năng bán hàng dịp cuối năm.

Tương tự, một doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cũng cho biết, các sản phẩm nhà phố ven biển đang mở bán có sức tiêu thụ rất chậm. Đặc biệt, những sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng có giá trị cao nên lượng tồn kho của họ lên đến 95% rổ hàng.

Phát biểu tại hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch”, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại, cả nước có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 căn villa biệt thự, 15.000 căn khách sạn mới. Tuy nhiên, có hơn 1 nửa số dự án đó đang nằm đắp chiếu chờ sự tháo gỡ của pháp luật. 

Theo ông Đính, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra sẽ không khuyến khích việc đầu tư vào ngành du lịch, làm nản lòng các nhà đầu tư, ngay cả chính quyền địa phương muốn thúc đẩy đầu tư cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một khu biệt thự nghỉ dưỡng ven biển ở TP Đà Nẵng. Ảnh: RETI

Bộ phận R&D DKRA Group cảnh báo tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam. 

Những dự án có đủ điều kiện mở bán thì tỷ lệ tiêu thụ rất yếu ớt. Đơn cử như ở phân khúc nhà phố, shophouse biển, trong tháng 10/2023 có 50 căn mở bán những chỉ tiêu thụ được 5 căn, chỉ bằng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng phân khúc biệt thự ven biển, trong tháng 10 chỉ bán được duy nhất 1 căn, thanh khoản chỉ bằng 1% so với cùng kỳ.

Theo bà Ngân Phạm - Quản lý Tư vấn, Savills Hotels tình trạng dư cung trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là do hiện nay các chủ đầu tư dự án quá chú trọng đến quy mô nên đã tiến hành xây dựng với mật độ dày đặc và tập trung quá nhiều vào các sản phẩm bán. Nhiều chủ đầu tư chạy đua phát triển các sản phẩm “luxury” và “wellness” nhưng chưa thật sự hiểu đúng các khái niệm này cũng như thiếu sự cân nhắc đến các yếu tố cộng hưởng xung quanh dẫn đến tình trạng dư thừa, ế ẩm.

Đồng quan điểm, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định, tình trạng dư cung bất động sản nghỉ dưỡng bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với điều kiện thị trường. Một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến. Bên cạnh đó, ở một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn xuất hiện tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng.

“Việc thiếu cân nhắc đến các yếu tố đặc điểm thị trường, xu hướng trong ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các dự án được phát triển nhưng không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, đặc biệt khi giờ đây ngoài các điểm đến trong nước, du khách Việt Nam đã có thể du lịch nước ngoài thuận tiện, dễ dàng hơn”, ông Mauro Gasparotti nói.

Những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang bàn giao nhưng chưa được đi vào vận hành là “điểm đau” của không chỉ các chủ sở hữu mà còn của chính chủ đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án đã bàn giao nhưng không tiêu thụ được cũng khiến thị trường khó phục hồi trở lại.

Theo bà Ngân Phạm, để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng một cách bền vững, các chủ đầu tư cần nắm bắt tốt các xu hướng trên thị trường và nghiên cứu cẩn trọng trong giai đoạn hoạch định, nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhóm du khách.

Bên cạnh đó, các đơn vị phát triển, chính quyền địa phương cần hiểu được rằng cốt lõi của ngành du lịch xoay quanh việc tạo ra trải nghiệm cho khách hàng từ lúc họ lên kế hoạch cho điểm đến cho đến hành trình du lịch tại điểm đến. “Cá nhân tôi cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành nghỉ dưỡng mà mỗi cá nhân đều đóng vai trò quan trọng trong việc đem đến những trải nghiệm tích cực cho du khách thông qua việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cũng như giữ gìn môi trường cảnh quan, bảo tồn truyền thống văn hóa địa phương”, bà Ngân Phạm chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top