Aa

Bất động sản 24h: Sự thật ngã ngửa ít người biết sau những phiên "chợ đất"

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Tư, 13/04/2022 - 10:30

Sự thật ngã ngửa ít người biết sau những phiên "chợ đất"; Thị trường bất động sản có biến, giá đất nhảy múa run tay xuống tiền… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Sự thật ngã ngửa ít người biết sau những phiên "chợ đất"

Lên cơn sốt tại nhiều nơi khiến đất trở thành con cá, mớ rau được người người tranh nhau mua, nhưng sự thật tất cả đều được dàn dựng theo kịch bản có sẵn.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những cơn sốt đất tại nhiều địa phương. Mỗi lần đất sốt ở đâu là lại thấy cảnh người người đông đúc, chen lấn, thậm chí giành giật nhau những lô đất có vị trí đẹp. Họ hỏi han, trả giá, mặc cả và xuống tiền như mua mớ rau, con cá.

Tuy nhiên, bên cạnh số ít những khách có nhu cầu thật và mua thật, đa số những người còn lại đến dự phiên “chợ đất” này đều là môi giới, người thân, người nhà của môi giới và chủ đất được kéo đến để làm diễn viên quần chúng, tạo bầu khí đông đúc, nhộn nhịp, khiến nhiều người lầm tưởng đất đai khu vực này đang sốt vì được nhiều người quan tâm.

Theo lời kể của chị Nguyễn Thu Trang, một "cò đất" lâu năm ở  Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội), chủ đất mỗi khi có khách quan tâm đều sẽ gọi 2-3 người thân nhảy vào dàn dựng cảnh giành giật nhau mua lô đất. Thậm chí, họ liên tiếp trả giá lên mức cao để người mua thật đua giá theo họ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cơ hội nào cho bất động sản chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam?

Du lịch kết hợp với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã ghi nhận nhiều mô hình thành công trên thế giới. Việt Nam cũng một quốc gia sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển dòng sản phẩm.

Dịch vụ sức khỏe là một ngành lớn, bao gồm y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng hay dưỡng lão. Bất cứ tiện ích nào dành cho sức khoẻ của một dự án bất động sản đều có lợi, góp phần thu hút một lượng khách hàng nhất định.

Bất cứ tiện ích nào dành cho sức khoẻ của một dự án bất động sản đều có lợi, góp phần thu hút một lượng khách hàng nhất định. (Ảnh minh họa)

Tại châu Á, Thái Lan là nước tiên phong trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ, với sự hiện diện của nhiều thương hiệu cung cấp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng trị liệu, spa và yoga. Bali, Indonesia cũng là điểm đến hấp dẫn nhờ tập trung đầu tư vào khía cạnh tinh thần con người. Việt Nam đang trở thành điểm sáng với sự gia nhập của những thương hiệu cung cấp dự án khách sạn nghỉ dưỡng, tập trung vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo báo cáo tháng 12/2021 của Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI), ngành du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất giai đoạn 2020 - 2050, đạt mức 20,9%. Trong đó, nguồn khách du lịch ngoại quốc là một trong những nhóm đối tượng chính thúc đẩy sự phát triển của ngành. Với quyết định mở cửa du lịch, Việt Nam sẽ chào đón lượng khách quốc tế quay trở lại. Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu và sở thích đặc biệt. Từ đó, những kỳ vọng về sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là phân khúc chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã được đặt ra.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thanh Hóa: Cảnh báo hiện tượng "cò đất" lừa nhà đầu tư

"Cò đất" gây nên hiện tượng sốt đất bằng cách tự đưa ra bảng hàng, huy động vốn bằng các phiếu đặt cọc, hợp đồng góp vốn, dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán đang khiến thị trường Thanh Hóa rối loạn.

Hiện tượng sốt đất ảo đang diễn ra khá mạnh tại một số địa phương trên cả nước. Thời gian gần đây, giới đầu tư khắp các tỉnh liên tục đổ về Thanh Hóa sau thông tin quy hoạch các dự án khu đô thị, du lịch... của các doanh nghiệp lớn, khiến giá đất tại địa phương này bị thổi lên gấp nhiều lần. 

Lướt trên các trang mạng xã hội hiện nay, không khó để bắt gặp các thông tin quảng cáo dự án đất nền, kể cả thông tin các dự án chưa đủ pháp lý cũng được nhiều sàn giao dịch bất động sản và giới cò đất đua nhau chào bán và thổi giá. Một tình trạng chung hiện nay là hiện tượng "cò đất" đi đến đâu, cơn sốt đất xảy ra ở đó.

Hiện nay không chỉ tại TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn trở thành “chảo lửa" của thị trường bất động sản, mà tại nhiều huyện, thị của tỉnh Thanh Hóa như: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Triệu Sơn… hiện tượng sốt đất cũng xảy ra liên tục và kéo dài trong thời gian gần đây. Hiện tượng đó khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi tâm lý “giá ảo” và nguy cơ bong bóng thị trường bất động sản ở những khu vực này rất cao.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải pháp nào để “kìm hãm” tốc độ tăng giá bất động sản?

Theo các chuyên gia, việc khan hiếm nguồn cung chính là nhân tố ban đầu tác động làm tăng giá bất động sản như hiện nay. Nếu chúng ta cân bằng được cung - cầu sẽ tự khắc bình ổn được giá, thị trường bất động sản.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đi đến đâu cũng thấy thị trường bất động sản đang rất “sục sôi”, giá nhà đất khắp nơi không ngừng đi lên do nhu cầu tăng cao và hầu hết các chi phí đầu vào như chi phí tạo lập quỹ đất, tiền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng… đồng loạt leo thang, dẫn đến giá thành bị đội lên.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 chịu nhiều áp lực tăng giá, do đó khó có thể giảm giá nhà ở. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng dân số là quá trình phát triển tự nhiên khi con người có xu hướng di cư, sinh sống và làm việc ở những nơi thuận tiện cho việc đi làm, đi lại, môi trường sống. Từ đó dẫn tới việc, nguồn cung không đuổi theo kịp được nguồn cầu.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, 92% người được hỏi đang có ý định mua nhà, hơn 75% chủ sở hữu bất động sản muốn mua thêm một tài sản khác trong khi vẫn giữ bất động sản hiện tại. 

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán khá cao (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên), hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp. Đối với đất nền, theo khảo sát của phóng viên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, có những khu vực giá đất tăng 50% so với cách đây 5 tháng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản có biến, giá đất nhảy múa run tay xuống tiền

Nhiều tỉnh thành siết phân lô, bán nền, ngân hàng có động thái siết tín dụng bất động sản, lạm phát. Mới đây, hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị khởi tố đã tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư.

Vợ chồng chị Huyền (29 tuổi, Hà Nội) có 1,5 tỷ đồng nhàn rỗi, lâu nay vẫn gửi ngân hàng. Mấy tháng gần đây, thấy “sốt đất” khắp nơi, có người chỉ sang tay mảnh đất đã lãi đậm nên chị Huyền sốt ruột bàn tính với chồng rút tiền ra để đầu tư bất động sản. 

Theo tính toán của chị, lãi suất ngân hàng hiện nay nhỉnh 5%/năm, tức khoản tiết kiệm 1,5 tỷ chỉ sinh lãi khoảng 80 triệu đồng/năm. Trong khi đó, cũng với số vốn như trên, có người bạn của chị đầu tư một miếng đất ở Hòa Bình, chỉ sau vài tháng đã lãi 200 triệu. Rõ ràng, đầu tư vào đất có tốc độ sinh lời cao hơn hẳn.

Vợ chồng chị đã rút tiền từ ngân hàng về để đầu tư đất. Thế nhưng mọi chuyện sau đó không “ngon ăn” như chị Huyền tưởng tượng. Đi khảo sát vài nơi, chị nhận thấy trong vòng 1 năm qua, giá đất một số chỗ đã tăng tới 30% - 50%. Ngay như mảnh đất mà bạn chị Huyền đầu tư có lãi ở Hòa Bình, sau vài lần sang tay, giá cũng đã tăng thêm vài trăm triệu. Dù đã đi xem nhiều mảnh đất nhưng hiện chị Huyền chưa dám xuống tiền vì e ngại giá nhà đất hiện nay đã là “đỉnh sóng”, mua thời điểm này dễ “đu đỉnh”. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top