Aa

Bất động sản 24h: Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Tư, 14/06/2023 - 09:35

Nghiên cứu mô hình "trong thành phố có rừng" ở trung tâm Hà Nội; Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Lực đẩy chính sách yếu khiến thị trường bất động sản chưa có diễn biến mới

Nhiều chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản được công bố thời gian qua, nhưng thị trường chỉ tốt lên về mặt thông tin còn động lực trên thực tế vẫn yếu ớt. 

Kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lao động...

chính sách phục hồi thị trường bất động sản

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đến cuối tháng 5/2023, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 đơn vị, giảm tới 61,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, cũng tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản

Việt Nam đang là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư ngoại. Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.

Dù không còn giữ vị trí thứ 2 trong việc thu hút vốn FDI như suốt quý I năm 2023 nhưng tính chung sau 5 tháng, ngành kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ 3 tổng vốn FDI đăng ký, đạt gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nhiều ý kiến đánh giá, nhà đầu tư ngoại tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Theo thông tin được công bố từ Tập đoàn Khang Điền, Keppel cùng Keppel Vietnam Fund (KVF) - gọi chung là Keppel, đã ký các thỏa thuận ràng buộc để mua lại 49% từ Tập đoàn Khang Điền (KDH) tại 2 dự án khu dân cư liền kề ở TP. Thủ Đức. Ước tính tổng số tiền nhà đầu tư đến từ Singapore này chi ra là hơn 3.100 tỷ đồng. Hai đối tác này sẽ cùng phát triển hơn 200 căn nhà liền thổ và trên 600 căn hộ cao tầng tại hai dự án, quy mô khoảng 11,8ha. Tổng chi phí phát triển hai dự án này khoảng 10.200 tỷ đồng.

Ông Joseph Low - Chủ tịch Keppel tại Việt Nam khẳng định, việc mua vốn tại 2 dự án của Khang Điền phù hợp với mô hình kinh doanh của Keppel, cho phép công ty khai thác quỹ đất của bên thứ 3 để tăng trưởng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đồng Tháp cần khoảng 32.000 tỷ phát triển nhà ở đến năm 2025

Theo Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Đồng Tháp, tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn đến năm 2025 khoảng 32.000 tỷ đồng.

Theo đó, Nghị quyết này nêu rõ, tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn đến năm 2025 khoảng 32.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 2.237 hộ nghèo khó khăn có nhu cầu hỗ trợ nhà ở; ngân sách tỉnh cân đối hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thành phố để hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng. Còn lại là vốn của doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở; vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, quỹ từ thiện và vốn của người dân tự bỏ ra hoặc huy động từ họ hàng, người thân để xây dựng nhà ở.

Nguồn vốn ngân sách dự kiến cần bố trí trong giai đoạn này là mức tối đa. Trong quá trình triển khai thực tế, căn cứ vào số liệu rà soát cụ thể sẽ điều chỉnh giảm nguồn vốn ngân sách cho phù hợp và cập nhật vào kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm.

Cũng theo Nghị quyết 65/NQ-HĐND, về mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 24,3 m2 sàn/người. Trong đó, tại đô thị là 26 m2 sàn/người và nông thôn là 23,6 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu là 12 m2 sàn/người (bằng với mục tiêu của chiến lược nhà ở Quốc gia).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chính sách tiền tệ đảo chiều và kỳ vọng cho thị trường bất động sản

Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái đảo chiều chính sách tiền tệ nhanh và rõ trong 3 tháng trở lại đây. Động thái này đem đến tin vui và kỳ vọng mới cho thị trường.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ do VNDirect vừa phát hành cho thấy, trong tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 3 cắt giảm lãi suất điều hành. Dựa trên tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, NHNN đã quyết định điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành kể từ ngày 25/5, như lãi suất tái cấp vốn (giảm 0,5 điểm %), trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tới dưới 6 tháng (giảm 0,5 điểm %)...

NHNN lần thứ 3 cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2023.
NHNN lần thứ 3 cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2023.

Như vậy, kể từ đầu năm 2023, NHNN đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 1 điểm % xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số hoạt động kinh tế giảm 1 điểm % xuống 5,0%/năm. NHNN cũng giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 1 tháng tới dưới 6 tháng lần lượt 0,5 điểm % và 1 điểm % xuống mức 0,5%/năm và 5,0%/năm.

Kể từ đầu tháng 5/2023, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt là 57 điểm cơ bản và 29 điểm cơ bản; trong khi lãi suất bình quân cùng kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm lần lượt 80 điểm cơ bản và 40 điểm cơ bản.

Trong biểu lãi suất mới nhất vừa áp dụng, Ngân hàng VPBank điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy đối với khoản tiền trên 10 tỷ đồng trở lên là 7,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng 7,6%/năm và khách gửi kỳ hạn 10 - 13 tháng lãi suất 7,3%/năm trong khi nếu gửi từ 15 tháng lãi suất giảm còn 6,5%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm 0,1 - 0,2 điểm % so với cuối tháng 5.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nghiên cứu mô hình "trong thành phố có rừng" ở trung tâm Hà Nội

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén, nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng ở trung tâm Hà Nội.

Chiều 13/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ông Hà đề nghị TP. Hà Nội hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín và chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển. Hà Nội sẽ ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

"Thành phố cần tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về quy hoạch Thủ đô, lấy ý kiến nhân dân", ông Hà gợi ý và nhấn mạnh quy hoạch cần đặc biệt quan tâm đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm; mở rộng không gian phát triển đô thị mới theo trục sông Hồng, Vành đai 4, 5 và trục hướng tâm.

Mạng lưới giao thông của Hà Nội sẽ đa dạng gồm đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy, đảm bảo kết nối và định hướng tuyến phát triển khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top