Aa

"Bội thực" đấu giá đất, sẵn sàng "bỏ cọc chạy lấy người"

Thứ Bảy, 05/03/2022 - 14:15

Theo nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhiều địa phương đang có hiện tượng "bội thực" đấu giá đất.

2021 được xem là năm bùng nổ của hàng loạt các cuộc đấu giá đất với kết quả trúng giá cao, nhưng song hành với đó là hàng loạt các trường hợp nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người", khiến kết quả các cuộc đấu giá bị hủy bỏ. Điều này gây ra hệ lụy không nhỏ cho thị trường. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần xem xét lại tần suất, mục đích của các cuộc đấu giá đất từ các địa phương.

Năm 2021, riêng huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã diễn ra 11 cuộc đấu giá đất, thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Nhiều lô đất đã trúng giá gấp đôi so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, tại một số khu vực, tỷ lệ bỏ cọc lại quá cao, có thể lên tới 33%, tức 1/3 số người đấu giá đã bỏ cọc.

"Nguyên nhân chính ở đây do trong năm 2021, trong khung thời gian 6 tháng đầu năm không tổ chức được nên dồn vào cuối năm, mật độ tương đối dày, ảnh hưởng tới khách hàng bỏ cọc", ông Nguyễn Văn Thuần - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho hay.

Nhiều địa phương đang có hiện tượng "bội thực" đấu giá đất. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhiều địa phương đang có hiện tượng "bội thực" đấu giá đất. Vì có nhiều lựa chọn, nhà đầu tư nảy sinh tâm lý "đứng núi này trông núi nọ", sẵn sàng bỏ cọc, nếu nhìn thấy mảnh đất nào sinh lời tốt hơn mảnh đất vừa trúng đấu giá.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: "Có nhiều vùng lượng tần suất dự án và số lượng sản phẩm đấu giá rất lớn mà chúng tôi suy tính là nguồn cung vượt nhu cầu sử dụng. Chúng tôi khẳng định sẽ có nhiều dự án đấu giá đất xong bỏ đó, cả khu cỏ mọc xanh um".

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều lô trúng đấu giá được rao bán trên thị trường nhưng tình hình giao dịch rất ảm đạm dù đôi khi mức rao bán chênh chỉ 20 - 50 triệu đồng cho 1 lô đất trúng đấu giá.

Rõ ràng, việc tổ chức các cuộc đấu giá đất đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách các địa phương. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ càng giữa nguồn cung và nhu cầu thực tế, để đất đấu giá đạt được mục tiêu là tạo ra chỗ ở cho người có nhu cầu thực bởi thực tế tại nhiều nơi đất đấu giá trở thành mặt hàng béo bở cho giới đầu cơ, ít người tham gia đấu giá đất sau đó xây dựng nhà cửa để sinh sống./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top