Củng cố lòng tin cho thị trường bất động sản

Củng cố lòng tin cho thị trường bất động sản

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Thứ Tư, 14/02/2024 - 06:01

Tác động tiêu cực của bong bóng bất động sản đến nền kinh tế là vô cùng lớn. Ngay cả đóng băng bất động sản có vẻ cũng sẽ gần như vậy. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện nay đang là mối lo ngại của không chỉ nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngân hàng mà còn của cả nhiều nhà kinh tế. Để dễ cảm nhận, thu thuế từ tiền sử dụng đất năm 2023 của nhiều địa phương chưa đạt như dự toán.

Nếu ở Trung Quốc bất động sản chiếm đến gần 30% nền kinh tế, thì ở Việt Nam, bất động sản cũng chiếm tới gần 20% - vẫn là một tỷ lệ rất lớn. Thiếu vắng một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, rõ ràng chúng ta sẽ rất khó lòng đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%/năm mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra cho nhiệm kỳ này. Dưới đây là góc nhìn cận cảnh về vai trò của thị trường bất động sản.

Thứ nhất, thị trường bất động sản tạo ra của cải và sự giàu có. Nhờ có thị trường bất động sản mà đất đai và các không gian vật lý trở nên có giá trị. Khi những thứ này tạo ra tiền bạc thì nhiều người sẽ trở nên khá giả và giàu có. Những người này lại hào hứng đầu tư, mua sắm làm cho cả nền kinh tế được kích hoạt và tăng trưởng nhanh.

Thứ hai, thị trường bất động sản tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Đó là những việc làm trong hàng trăm ngành nghề có liên quan trực tiếp và gián tiếp. Để dễ cảm nhận, những người trồng cây cảnh, những người chế tác các đồ vật trang trí sân vườn sẽ mất việc làm ngay, nếu không có thị trường bất động sản. Chính sách kinh tế quan trọng nhất của mọi quốc gia là tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Vậy thì vận hành thị trường bất động sản là một phần trong chính sách kinh tế của mọi quốc gia...

Thứ ba, thị trường bất động sản thúc đẩy thị trường đầu tư và tài chính phát triển. Chúng ta thấy rất rõ, khi thị trường bất động sản trầm lắng thì thị trường đầu tư, thị trường tài chính cũng rất khó khăn.

Thứ tư, thị trường bất động sản hỗ trợ ngành công nghiệp xây dựng và các ngành có liên quan phát triển. Như đã nói ở trên, bất động sản liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hàng trăm ngành nghề khác như: Xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết kế, thi công, điện, nước, nội thất… kể mãi không hết. Tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi cũng là tạo điều kiện cho các ngành nghề nói trên phát triển.

Củng cố lòng tin cho thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thứ năm, bất động sản là một nguồn thu quan trọng của Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, thu ngân sách từ tiền sử dụng đất và các nguồn thu khác liên quan đến bất động sản thường chiếm đến trên dưới 1/3 ngân sách của nhiều địa phương. Thị trường bất động sản trầm lắng thì nguồn thu này sẽ bị sụt giảm rất nghiêm trọng. Ví dụ, theo Cục Thuế TP. Hà Nội, ước hết năm 2023, toàn thành phố thu được 14.650 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, dự toán thu của năm 2023 là 17.000 tỷ đồng.

Thứ sáu, thị trường bất động sản khởi sắc sẽ góp phần cải thiện điều kiện ăn ở của người dân.

Với vai trò quan trọng như trên, phục hồi và bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản phải là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Để phục hồi và phát triển bền vững thị trường bất động sản, một loạt phản ứng chính sách cần phải được triển khai đồng bộ và kịp thời.

Phản ứng đầu tiên là tháo gỡ những vướng mắc, những sự không rõ ràng về mặt thể chế. Cần chuẩn bị ngay các điều kiện đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống; sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) với quy định rõ ràng, mạch lạc và bền lâu là rất quan trọng.

Phản ứng thứ hai là thúc đẩy cả cung và cầu, đồng thời có cơ chế để bảo đảm sự cân đối giữa cung và cầu của thị trường bất động sản.

Củng cố lòng tin cho thị trường bất động sản- Ảnh 2.

Để phục hồi và phát triển bền vững thị trường bất động sản, một loạt phản ứng chính sách cần phải được triển khai đồng bộ và kịp thời. Ảnh minh họa

Về phía cung, ngoài việc cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế, cần bảo đảm nguồn tín dụng bền vững cho bất động sản. Cần khắc phục những phản ứng chính sách mang tính "giật cục": Từ nóng sang lạnh, từ nới lỏng sang thắt chặt… mà không hề có giai đoạn chuyển giao và không thể dự đoán trước được.

Về phía cầu, cần nhanh chóng thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc đánh thuế cao những người có nhiều nhà đất. Khi chủ trương này chưa được thể chế hóa rõ ràng thì cầu đầu tư vào bất động sản và cầu cất giữ tài sản bằng bất động sản về cơ bản vẫn bị đóng băng. Cầu đối với bất động sản giá rẻ tuy có ở trên thị trường, nhưng đây về cơ bản là thứ cầu ít có khả năng thanh toán. Mà như vậy, thì các giải pháp tài chính giúp những người có thu nhập thấp có thể mua hoặc thuê nhà ở phải là một phần của giải pháp kích cầu ở đây.

Cuối cùng, thị trường bất động sản chỉ có thể trở nên sôi động khi lòng tin được củng cố trở lại. Lòng tin chỉ có thể được củng cố trở lại khi tính minh bạch của thị trường được đảm bảo. Xây dựng hệ thống thông tin chất lượng cao về thị trường bất động sản phải là một phần của phản ứng chính sách. Các báo cáo kiểm toán về bất động sản đóng vai trò rất quan trọng cho hệ thống thông tin này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top