Aa

ĐBQH Phạm Đức Ấn nói về tình trạng “quân xanh, quân đỏ, cò mồi, cưỡng ép” trong hoạt động đấu giá

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 28/11/2023 - 15:39

Đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị cần khuyến khích và có lộ trình bắt buộc ứng dụng công nghệ thông tin, đấu giá trực tuyến để góp phần vào việc giảm tiêu cực.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật Đấu giá (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 28/11/2023, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cũng như đánh giá của Chính phủ cho thấy qua đấu giá cũng đạt được rất nhiều kết quả, nhiều tài sản qua đấu giá đạt những giá trị lớn, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công. 

Đại biểu Phạm Đức Ấn đề cập tới hành vi tiêu cực trong đấu giá tài sản, trong báo cáo của Bộ Tư pháp cũng đề cập tình trạng thông đồng dìm giá, quân xanh, quân đỏ, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện và chỉ có thể có sự vào cuộc của cơ quan công an bằng các biện pháp nghiệp vụ thì mới phát hiện ra.

“Đấy là việc rất đặc biệt, bởi vì ở đây nhất là khi đấu giá xuống và trong lĩnh vực về tín dụng chẳng hạn, khi có thông đồng cả với đấu giá viên cũng như đối với thi hành án viên thì nó càng phức tạp bởi vì ở đây có nhiều cách thức. Ngay cả khó khăn từ việc mua hồ sơ, việc xem tài sản, thời gian xem tài sản cũng rất gây khó khăn, vì vậy có nhiều cách, ngay cả thông tin đưa lên trang báo nào, vị trí nào hay thời gian thông báo như thế nào cũng là một cách để gây khó khăn cho tiếp việc cận của những người tham gia đấu giá.

Đặc biệt trong trường hợp ép giá xuống rất sâu, có một đối tượng nào khác tham gia vào quá trình đấu giá đó và trúng giá thì ngay lập tức có thể sẽ có một đơn kiến nghị việc đấu giá đấy và họ dừng lại. Có trường hợp có người trúng đấu giá nhưng 6 tháng đến 1 năm không thể nào hoàn thiện được thủ tục để mua tài sản để họ chán và bỏ cuộc. Đấy là những việc mà trên thực tế đang diễn ra, vì vậy cần có những giải pháp để xử lý vấn đề này. Có ý kiến của đại biểu đã nói thời gian để xem tài sản là 2 ngày, cần phải tăng thêm tối thiểu là 3 ngày”, ông Ấn phân tích. 

quốc hội khóa 15
Quốc hội thảo luật về Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng nêu ý kiến về vấn đề liên quan đến đặt cọc: “Nhiều đại biểu cũng ý kiến về vấn đề này, đa số ý kiến cho rằng cần phải tăng tỷ lệ đặt cọc để tránh việc tham gia và bỏ thầu. Ở Điều 39 quy định là 5-20%, tôi nghĩ không phải là nhỏ. Thực tế chúng ta phải nhìn thấu đáo cả hai khía cạnh, một là tham gia rồi bỏ cọc, gây khó khăn, gây nhiễu cho việc đấu giá. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng không ai bỏ ra để mất 5%, 10% để đi làm việc này, bởi vì đằng sau có nhiều người có giá thấp hơn nhưng vẫn cao hơn giá khởi điểm. Vì vậy Điều 51 về từ chối kết quả trúng giá những ai trúng giá mà sau đó không ký kết hợp đồng thì mất tiền. Theo nguyên tắc cần sửa Điều 51 này để những người tiếp theo phải được đàm phán để cho trúng giá, không phải dừng lại như khoản 1 Điều 51 là tôi thấy chúng ta đang giới hạn, vì vậy sẽ mất rất nhiều công để đấu giá lại. Nhưng một khía cạnh khác là chúng ta thấy có khả năng họ sẵn sàng mua với bất kỳ giá nào và sẵn sàng đặt giá cao với một tài sản. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, để làm lũng đoạn về giá, không hẳn chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh đấy là người ta bỏ cọc.

Ở đây có một khía cạnh nữa là sẵn sàng nâng mặt bằng giá và đấy chính là thủ đoạn để làm lũng đoạn về giá, nhất là trong bất động sản. Vì vậy đấy là vấn đề dụng rất lớn và ảnh hưởng rất nhiều. Ví dụ, một khu vực nào đó họ sẵn sàng đẩy giá bất động sản lên và như vậy còn khó khăn cho cả cơ quan định giá. Cơ quan định giá khi khu vực đánh giá theo kiểu đấu giá có kết quả mà bây giờ đưa ra một định giá thấp hơn sau này nguy cơ họ bị truy cứu trách nhiệm rất lớn nên dẫn đến chuyện rất lúng túng khi thẩm định giá và đưa ra kết quả để đấu giá. Đấy là khía cạnh thứ hai tôi nghĩ rằng cũng cần phải có những cách nhìn nhận một cách thấu đáo để chúng ta có một giải pháp để xử lý về vấn đề này.

Vì vậy trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của Luật Đấu giá cần có những hướng dẫn để thu thập, thống kê thông tin của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường và cùng đó phối hợp với Bộ Công an để có những việc điều tra, xử lý. Vì như báo cáo của Bộ Tư pháp từ đầu tôi đã đề cập, chúng rất tinh vi, rất khó và nếu chỉ kiểm tra đơn thuần, thanh tra đơn thuần của Bộ Tư pháp, của các cơ quan thẩm quyền thì rất khó để phát hiện ra những vấn đề này. Đấy là một trong những vấn đề tôi nghĩ rằng sẽ rất quan trọng.

Trường hợp liên quan đến Điều 16 về đấu giá trực tiếp và Điều 43 quy định trong trường hợp đấu giá cao khi lựa chọn người trúng giá nếu giá bằng nhau. Ở đấy tôi nghĩ rằng chúng ta nên có quy định trong trường hợp nếu những người trả giá cao nhất có thể chọn ra trúng đấu giá thì hình thức đấu giá tiếp của hai người đó, của những người đấu giá có giá ngang nhau nên có thủ tục đi đến cùng sẽ lựa chọn được người có trả giá cao nhất tiếp theo, không nên chỉ có giới hạn như trong dự thảo này”. 

Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng đề nghị cần khuyến khích và có lộ trình bắt buộc áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, đấu giá trực tuyến để góp phần vào việc giảm tiêu cực.  

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông): “Tôi thống nhất với đại biểu Phạm Đức Ấn đoàn Hà Nội đã nêu trước tôi. Hiện nay trong hoạt động đấu giá tài sản còn nhiều bất cập, tiêu cực như: tình trạng quân xanh, quân đỏ thông đồng khống chế giá, còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá. Quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập. Quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn một số chưa hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm. Việc định giá tài sản xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Còn một số trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm gây nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.

Do đó tôi đề nghị tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản lợi dụng để trục lợi. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên tổ chức đấu giá tài sản quy định cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm từ 500 triệu đồng trở lên thì nên quy định phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến”. 

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam): “Theo tôi, để ngăn chặn hiện tượng cò đấu giá, quân xanh, quân đỏ lộng hành, thông đồng dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hay đe dọa người tham gia đấu giá để dìm giá, bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường… Ngoài việc xử lý nghiêm việc để lộ, lọt thông tin như dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung điểm 2, điểm 3 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản quy định "Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính, nguồn vốn tham gia đấu giá". Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại Chương III, Điều 38 quy định đăng ký đấu giá tài sản tại điểm 4: "Những người không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản cần bổ sung quy định không đủ năng lực tài chính, nhằm xác định lý lịch tài chính người tham gia đấu giá vào hồ sơ, trong đó xác định rõ về ngành nghề, công việc, nguồn vốn lịch sử tham gia đấu giá, việc đóng thuế, vi phạm hành chính kinh tế,...”.

Những bổ sung này là rất cần thiết để người tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn, tài sản phi vật thể là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hay quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp là tài sản rất lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng lâu dài liên quan đến an ninh, kinh tế quốc phòng. Vì vậy, không phải ai cũng đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá”. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top