Aa

Để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu: Cần tư duy mới đột phá và dài hạn

Thứ Tư, 06/12/2023 - 07:07

Theo chuyên gia, vẫn còn rất nhiều rào cản để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực và tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Do đó, cần thay đổi tư duy tiếp cận; có các giải pháp hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn.

Nguồn vốn FDI dồi dào chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia điển hình về hội nhập và có nền kinh tế với độ mở vào hàng cao nhất trên thế giới. Với độ mở như vậy, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong suốt hơn 30 năm, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Tính lũy kế trong 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút gần 438,7 tỷ USD vốn FDI, tăng vốn FDI hàng năm từ 1,3 tỷ USD năm 1991 lên đến 29 tỷ USD năm 2022; trong số đó, có tới 274 tỷ USD đã được giải ngân và thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là nơi tập trung nhiều nhất với 15.960 dự án FDI hiệu lực, chiếm 43,91% trên tổng số dự án cấp phép. Tổng vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này lên tới 261,4 tỷ USD, chiếm 59,34% tống vốn đăng ký của Việt Nam.

Đứng thứ hai trong cơ cấu FDI là ngành bất động sản, với tổng vốn đăng ký là 66,4 tỷ USD, chiếm 15,07% trên tổng số. Mặc dù có sự tăng trưởng trong số lượng dự án, ngành bất động sản vẫn đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo…

Khu vực FDI là nguồn lực quan trọng đóng góp chung vào tăng trưởng của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Thời báo Ngân hàng)

Tại Tọa đàm “Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu” ngày 5/12, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) đánh giá, thời gian qua, khu vực FDI là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đóng góp chung tăng trưởng của nền kinh tế; góp phần đặc biệt quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó cũng thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ở một góc độ nhất định, khu vực FDI tạo tác động lan tỏa trong chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá tại Việt Nam; tạo việc làm, thu nhập, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Các Hiệp hội đại diện và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn…

Đáng chú ý, khu vực FDI đã trở thành đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm lớn hơn 70% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước, và cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI có thặng dư lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều “cơn gió ngược”, khả năng khủng hoảng toàn cầu về nhiều khía cạnh và xu thế dịch chuyển các dòng vốn đầu tư và thương mại, Việt Nam cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ cả môi trường quốc tế lẫn nội tại nền kinh tế.

TS. Nguyễn Quốc Việt đánh giá: “Nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn”.

Báo cáo “Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu” được công bố tại Tọa đàm chỉ ra, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDl và doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu… Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn Iớn.

Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60% (WB, 2017). Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Lý giải về điều này, TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết, đặc điểm của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến chủ yếu từ các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á. Các doanh nghiệp này tận dụng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng và tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động rẻ và trẻ của Việt Nam.

Do vậy, 10 năm trở lại đây, dù Việt Nam đã huy động được dòng vốn FDI rất đáng kể và đóng góp lớn vào việc xuất khẩu, tạo ra thặng dư thương mại, nhưng chúng ta cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất điện thoại, thiết bị máy móc, điện tử viễn thông… Có thể thấy, tỷ lệ nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp FDI là rất lớn.

Từ đó dẫn đến giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam vào trong giá trị xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo là thấp, kém hơn khá nhiều so với các quốc gia khu vực Đông Á, Đông Nam Á.

TS. Nguyễn Quốc Việt cũng cho hay, xuất hiện một sự chuyển dịch nhất định khi có doanh nghiệp FDI có nhu cầu tận dụng những thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, nghiên cứu đánh giá của VEPR chỉ ra rằng, để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, vẫn còn rất nhiều rào cản, từ năng lực cạnh tranh vĩ mô cho tới năng lực vi mô của doanh nghiệp, đặc biệt là sự chưa hiệu quả, chưa đồng bộ của các chính sách.

Nhìn từ góc độ năng lực cạnh tranh vĩ mô, xét trên bình diện riêng ở các nước khu vực ASEAN, năng lực liên quan đến chỉ số đổi mới sáng tạo, đầu tư và năng lực về nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp nội địa tư nhân Việt Nam còn rất thấp. Điều này dẫn đến, ở mặt bằng chung, Việt Nam vẫn ở mức độ trung bình thấp.

Một rào cản khác là chất lượng nguồn nhân lực. Đánh giá từ chất lượng đào tạo nghề đến nhân lực bậc cao của Việt Nam vẫn còn thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam vừa thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng về công nghệ, vừa yếu kém về năng lực quản lý.

Vẫn còn rất nhiều rào cản để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trong bối cảnh các đòi hỏi ngày càng cao, để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng cần nâng cấp chất lượng công nghệ, khả năng thích ứng nhanh chóng vào những ngành mới, công nghệ cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn một cách bền vững.

“Tất cả những yếu tố này cần được tích hợp trong chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ. Cần có sự thay đổi để đáp ứng bối cảnh, hoàn cảnh mới trong điều kiện một mặt xu thế toàn cầu hóa cũng gặp phải thách thức, mặt khác những điều kiện kỹ thuật khiến dòng chảy thương mại đầu tư không đơn giản như giai đoạn trước; thêm nữa là Việt Nam cũng đã phải thay đổi “luật chơi” để đáp ứng quy định về thuế tối thiểu toàn cầu”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Do đó, trong bối cảnh mới, VEPR cho rằng đây là cơ hội thay đổi các biện pháp hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nói chung, FDI nói riêng bằng hoàn thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp lý thu hút, ưu đãi đầu tư khi Việt Nam sẽ phải giải bài toán hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư; sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư; chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, đây sẽ là động lực và yêu cầu để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh trong đó chú trọng khuôn khổ pháp luật minh bạch, bền vững, dễ dự đoán; đảm bảo các quyền tài sản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách.

Để thúc đẩy mối liên kết mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nghiên cứu của VEPR đã đưa ra 4 nhóm giải pháp bao gồm: Thiết lập liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến; Các chính sách "ngoại giao đơn hàng", thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài và Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

“Phải làm vì ta, để nước ta không phụ thuộc vào bên ngoài”

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, bối cảnh hiện nay không phải lần đầu tiên, chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng Việt Nam phải đối mặt với khó khăn.

“Trong 30 năm qua, Việt Nam đã trải qua khủng hoảng năm 1997 - 1998, 10 năm sau đối diện một cuộc khủng hoảng khác, và đến nay lại là một cuộc khủng hoảng. Mấy chục năm cải cách phát triển, tôi cho rằng lần này nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với khó khăn lớn nhất, bởi cơ hội bên ngoài suy giảm rất mạnh và tác động đến chúng ta - một nền kinh tế có độ mở đã lớn hơn rất nhiều.

Suy giảm về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chưa bao giờ mạnh và kéo dài suốt cả một năm như thời kỳ này. Kèm theo đó, chưa bao giờ thị trường nội địa đứt gãy, thị trường trái phiếu đứt gãy, tín dụng suy giảm và thị trường bất động sản “đóng băng” cùng một lúc như vậy.

Tôi cho rằng cái khó hiện nay xuất phát từ nội tại của Việt Nam, đây là điều mà tôi lo lắng nhất; còn bên ngoài chúng ta không kiểm soát được. Do đó, phải chấp nhận nó và vượt qua nó”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh về bối cảnh thách thức lúc này.

Ông Cung cho rằng, khi doanh nghiệp sẽ còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trong ngắn hạn, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nên kéo dài đến hết tháng 12/2025, thay vì chỉ kéo dài đến tháng 6/2024.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Đưa ra góc nhìn rộng hơn, chuyên gia cho rằng, hiện nay những vấn đề như quan hệ với Hoa Kỳ, những mô hình kinh tế mới, sản xuất chip, thiết bị bán dẫn, chuyển đổi xanh… được bàn luận nhiều, tuy nhiên mọi việc để làm được đều phải có nền tảng, cần xem Việt Nam có cơ hội gì, năng lực đến đâu và “phải làm vì ta, để nước ta không phụ thuộc vào bên ngoài”.

“Tôi cho rằng cần tư duy lại về cách tiếp cận trong việc công nghiệp hóa mới mà chúng ta đang hướng tới, cần có tư duy đột phá và cách nhìn dài hạn hơn. Nếu tư duy rằng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và doanh nghiệp nội làm để hỗ trợ, liên kết với họ thì quy mô sẽ rất nhỏ. Tôi cho cách tiếp cận như vậy là chưa đúng. Bên ngoài vào thì không có động lực, cũng không có áp lực gì để liên kết với chúng ta. Còn chúng ta có động lực nhưng thiếu nguồn lực và năng lực để làm.

Chúng ta cần tư duy theo hướng làm một nghề, một ngành, mà có thể cung ứng cho tất cả, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào một số doanh nghiệp Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc…”, TS. Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận thực tế rằng, nhóm doanh nghiệp FDI mang thương hiệu nước ngoài và sẽ không ở Việt Nam mãi; nếu tương lai có quốc gia nào ưu đãi hơn Việt Nam, các doanh nghiệp này có thể chuyển đi bất cứ lúc nào. Do đó, cần phải đầu tư và khuyến khích nhiều hơn cho doanh nghiệp dân tộc của Việt Nam, để có thể hợp tác với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

“Ưu tiên doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì trong vòng 1 nhiệm kỳ có thể biến 1 tỉnh thành tỉnh công nghiệp, thế nhưng giá trị gia tăng thực sự ở Việt Nam là bao nhiêu thì tôi cho là còn ít. Cần có thêm nghiên cứu về việc làm sao để gia tăng thực sự giá trị gia tăng làm ra ở Việt Nam từ những liên kết của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Từ góc độ tiếp cận nguồn vốn để doanh nghiệp Việt có thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, có 2 vấn đề là lượng vốn yêu cầu tương đối lớn và lãi suất cao, khiến doanh nghiệp sẽ khó đủ sức cạnh tranh.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ ông đã được khảo sát từ cách đây 10 năm, ông Hòe cho biết, để đầu tư được một dây chuyền công nghệ đủ sức sản xuất sản phẩm đầu ra cho Samsung cần 300 tỷ đồng.

“Nếu đi vay ngân hàng thì doanh nghiệp phải tự có 90 tỷ đồng (30%), 70% ngân hàng cho vay nhưng không có tài sản thế chấp thì vay bằng gì? Lãi suất cao, giá thành tăng lên thì sản phẩm của doanh nghiệp không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc hay sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc. Vậy doanh nghiệp Việt có thể tham gia được vào chuỗi không?”, ông Phạm Xuân Hòe đặt câu hỏi.

Ông Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)

Thông tin thêm, ông Hòe cho biết, Việt Nam có một hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách như quỹ hỗ trợ về khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quỹ về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường…

Mỗi quỹ nắm giữ khoảng từ 3.000-5.000 tỷ đồng, với cơ chế hoạt động là ủy thác cho vay qua các NHTM vì lo ngại rủi ro và thiếu nghiệp vụ về quản trị rủi ro. “Các quỹ này vướng một nút thắt rất quan trọng là vấn đề bảo toàn và phát triển vốn. Không ai dám làm vì mất vốn là bị hình sự hóa”, ông Phạm Xuân Hòe nói.

Bên cạnh đó, đến nay tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB, đơn vị có thể cung cấp nguồn vốn rẻ) là hơn 300.000 tỷ đồng, tuy nhiên đề án xử lý nợ xấu của ngân hàng này còn đang chờ xử lý, tái cơ cấu.

Nhiều dự án được duyệt nhưng hội đồng thẩm định dự án không đủ năng lực để đánh giá dự án có hiệu quả hay không. Ngoài ra, tiếp cận về điện năng và đất đai còn nhiều rào cản.

Bàn về giải pháp, thứ nhất, ông Hòe cho biết có tham gia nghiên cứu cùng Viện Chính sách Chiến lược của Bộ Tài chính đề án về quỹ bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông cho rằng, quỹ này cần thực sự bảo lãnh tín chấp, chứ không yêu cầu thế chấp như vay ngân hàng.

Ông Phạm Xuân Hòe kiến nghị cần chuyển 50% giá trị của gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi – hiện hoạt động không hiệu quả, tương đương 20.000 tỷ sang quỹ này và bảo lãnh quốc gia.

Thứ hai, là Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, ông Hoè đặt vấn đề với các đại diện doanh nghiệp nước ngoài và hỏi rằng, liệu họ có sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam (đủ tiêu chuẩn, đủ khả năng quản trị về mặt công nghệ, đủ khả năng sản xuất sản phẩm phụ trợ) thuê các dây chuyền công nghệ hay không? Hình thức hợp tác là uỷ thác qua các công ty leasing để cho thuê tài sản. Theo ông Hoè, giải pháp này sẽ giải quyết được câu chuyện liên kết yếu giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI trong bối cảnh doanh nghiệp Việt hạn chế về vốn.

Thứ ba, trong chính sách tín dụng, lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là 4,5%, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết không tiếp cận được.

“Quy định trong Thông tư 39 và Thông tư 06 mới nhất đều nói rằng, muốn vay được nguồn vốn rẻ thì tình hình tài chính phải lành mạnh và minh bạch. Minh bạch là phải kiểm toán. Mấy trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ai kiểm toán?” ông Hòe đặt câu hỏi và nói vui: “Đặt điều kiện như vậy thì như kiểu ở trên trời còn cuộc đời ở mãi dưới đất, không tiếp cận được”.

Cuối cùng, cần tiếp tục giảm thuế mạnh hơn nữa, và thuế thu nhập đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng phải được hỗ trợ bình đẳng như khối FDI./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top