Đô thị thông minh kiểu "ôsin": Thảm họa nếu lướt qua nhau như những bóng hình

Đô thị thông minh có thực sự tạo nên cuộc sống hạnh phúc cho mỗi cư dân khi mà nơi đó, các tiện ích công nghệ được phủ lấp ở mọi nơi nhưng con người lại trở nên lười giao tiếp với nhau và nơi ấy chỉ tồn tại những cỗ máy vô tri, vô giác?

06:00 07/07/2018

Những năm trở lại đây cụm từ "đô thị thông minh" được nhắc đến nhiều trong định hướng, chiến lược xây dựng thành phố ở Việt Nam. Một Đà Nẵng thông minh hay một TP.HCM thông minh đã và đang trong giai đoạn bắt đầu chuyển mình, áp dụng nền tảng của khoa học công nghệ 4.0.

Bức tranh về đô thị thông minh được vẽ lên sinh động và đẹp đẽ, nơi ấy chỉ cần qua chiếc smartphone, ta có thể dễ dàng xử lý thủ tục hành chính; qua tấm đèn biển hiệu, ta đã biết chính xác mấy giờ chiếc xe bus chạy. Nhưng đô thị thông minh nếu chỉ tồn tại các tiện ích mà vắng đi sự chia sẻ, giao tiếp thì liệu rằng con người ta có sợ hãi, rơi vào cô đơn bởi sự tương tác giữa người với người chỉ là con số 0. Đô thị thông minh là điều kiện cần cho cuộc sống của con người trong thời đại hiện nay và tương lai nhưng đã thực sự đủ để con người cảm nhận được giá trị cuộc sống?

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các vị khách mời: Nhà văn Nguyễn Thành Phong; Ths. Hoàng Sơn Công, Trưởng ban truyền thông Unesco - Hỗ trợ cộng đồng; KTS Lê Vũ Cường.

PV: Thời gian gần đây, cụm từ “đô thị thông minh” được nhắc đến nhiều trong định hướng phát triển đô thị ở một số thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một đô thị thông minh với những ứng dụng công nghệ hiện đại tiên tiến lại khiến con người ta lười “tương tác” với nhau, thưa các chuyên gia?

Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Tôi cho rằng khái niệm "đô thị thông minh" của các nhà nghiên cứu, thiết kế và xây dựng đô thị hiện nay mới dừng ở sự "thông minh của ôsin". Dường như chúng ta muốn tạo ra một môi trường sinh sống mà mọi thứ luôn luôn sẵn sàng hiểu ý ta, phục vụ ta một cách tận tụy nhất có thể như xung quanh ta đầy những đầy tớ vậy. Những người đầy tớ thì chỉ phục vụ chứ không bao giờ có đủ năng lực để chia sẻ, yêu cầu, hỗ trợ, góp phần nâng cao phẩm tính của các ông bà chủ được.

Tôi nghĩ rằng cần phải hiểu sự "thông minh" mà con người cần là không chỉ phục vụ, chia sẻ, mà còn giúp con người ta hoàn thiện, có nhiều phẩm tính nhân văn và trở nên thông minh hơn. Nếu chúng ta cứ chăm chăm xây dựng "đô thị thông minh" kiểu ôsin thì sẽ là một thảm họa, làm cho con người trở nên lười biếng, ỷ lại, ít tương tác với nhau và với môi trường, nhanh trở nên mất nhân bản hơn. Tôi không hứng thú gì với "đô thị thông minh" kiểu này.

Ths. Hoàng Sơn Công: Có hai mô hình mà tôi thấy các nước đang bắt đầu theo đuổi là đô thị thông minh và đô thị xanh. Đô thị thông minh thể hiện ở hệ thống mạng lưới giao thông thông minh, chính phủ thông minh, các thiết bị được kết nối với nhau bằng internet…

Mô hình thứ hai là tạo một đô thị thân thiện với môi trường, có không gian kết nối, nuôi dưỡng cảm xúc con người hay còn gọi là đô thị xanh. Trong nội hàm của đô thị xanh, người ta muốn hướng con người đến gần với thiên nhiên, giảm bớt sự ảnh hưởng của con người vào yếu tố phi tự nhiên, nhân tạo và nơi đó con người hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ hiện đại.

Những tiêu chí mà đô thị xanh đưa ra khiến con người có xu hướng kết nối với thiên nhiên, sống chậm lại và nuôi dưỡng cảm xúc. Ở một số nước đã đi qua giai đoạn đang phát triển, họ từng đuổi theo một đô thị thông minh thì giờ đây lại hướng tới đời sống xanh. Điều đó xuất phát từ lý do sự bùng nổ của công nghệ, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị khiến người ta nhận ra không phải tất cả những gì thông minh mà công nghệ đem lại là đã đủ đáp ứng cuộc sống của con người.

Mỗi con người đều có nhu cầu giao tiếp, nhu cầu nuôi dưỡng cảm xúc và họ luôn ý thức được điều đó. Đô thị thông minh sẽ giúp con người nhận được sự tiện lợi, giảm tải được những thao tác phức tạp nhưng đó không phải là tất cả, vì con người cần không gian để chia sẻ, kết nối với nhau. Một đô thị thông minh sẽ không đủ để giúp con người phát triển toàn diện cũng như tạo ra một mô hình đô thị có sức sống, văn minh.

PV: Theo Ths. Hoàng Sơn Công, một số nước trên thế giới đã từng đuổi theo một đô thị thông minh thì giờ đây lại hướng tới đời sống xanh để nuôi dưỡng cảm xúc. Dưới góc nhìn của một nhà văn, theo ông Nguyễn Thành Phong, có nên gọi một đô thị xanh đang nuôi dưỡng cảm xúc con người là một đô thị thân thiện?

Nhà văn Nguyễn Thành Phong:  Tôi rất thích từ "thân thiện". Tôi nghĩ một môi trường sống trong cái gọi là "đô thị thân thiện" cần có hai mặt: Thứ nhất, là "đô thị" thì phải có đầy đủ các yếu tố tiện nghi. Thứ hai, là "thân thiện", tức là làm cho con người ta trở nên hòa đồng với nhau, hòa đồng với môi trường sống, hòa đồng với thiên nhiên. Hai mặt này cần được chú trọng như nhau, tương ứng với nhau, có quan hệ hợp tác với nhau, để chào đón con người đến sống, để trở thành người hơn, nhân bản hơn, văn hóa hơn và tích cực hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, xây dựng đô thị thông minh là hoàn toàn cần thiết nhưng thông minh không có nghĩa là biến tất cả mọi thứ thành cỗ máy tự động mà trên nền tảng của ứng dụng thông minh vẫn cần thiết phải xây dựng và gìn giữ được văn hóa ứng xử. Các chuyên gia có quan điểm thế nào về điều này?

Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Đúng là chúng ta cần tạo nên được sự hài hòa giữa "thông minh" và "thân thiện" trong việc tạo dựng môi trường sống. Những tiện nghi cần "thông minh" để dễ sử dụng, dễ thao tác, đảm bảo các chức năng thiết yếu phục vụ con người nhưng mặt khác lại giảm thiểu được sự ỷ lại, lười biếng, xu hướng khép kín của con người. Các tiện nghi phải hòa vào môi trường sống tạo nên sự "thân thiện" để con người tương tác nhận lấy sức mạnh chia sẻ từ bên ngoài.

Nếu môi trường sống càng "thông minh" thì con người càng dễ cô đơn và càng dễ tự tử khi gặp những bi kịch nhỏ. Nếu môi trường càng "thông minh" thì khi con người bị rời ra khỏi môi trường sống ấy sẽ trở nên yếu đuối, không có kỹ năng để thoát hiểm. Con người càng tương tác, hòa đồng với con người, với thiên nhiên, tức là nhận được nhiều "thân thiện" hơn, thì mới càng trở nên mạnh mẽ và tràn đầy sức sống...

KTS: Lê Vũ Cường: Một số nước trên thế giới, họ vẫn kết hợp cả đô thị thông minh và thân thiện. Như thành phố Hamburg ở Đức, chính quyền vẫn áp dụng công nghệ thông minh nhất thế giới nhưng luôn ưu tiên thiết kế những công viên, khoảng không gian công cộng để con người được giao tiếp với nhau. Trong những khu nhà cao tầng, từng không gian được sắp đặt hợp lý nhằm giúp người dân có thể gần gũi chào hỏi, giao lưu với nhau. Những người già, trẻ nhỏ hay cả người trẻ đều có một không gian cộng cộng để tận hưởng không khí và trò chuyện với nhau.

Nhưng ở thành phố Hamburg, sự tiện ích của công nghệ 4.0 được thực hiện triệt để. Thông minh là nhắc đến nguồn năng lượng sạch, là quá trình xử lý hành chính, vận hành bằng internet. Ở các nước phát triển, hệ thống giao thông thông minh đã được áp dụng từ rất lâu. Bạn muốn tìm kiếm một chuyến đi thì chỉ cần nhìn vào bảng thông tin. Chiếc xe bus tới đến chỗ bạn chính xác từng giây ghi trên bảng thông tin.

Chưa kể, bản chất con người vẫn có nhu cầu giao tiếp, không đơn giản là chỉ ở nhà lướt facebook. Công nghệ phát triển như thế nào con người vẫn có nhu cầu giao tiếp, hài hòa với thiên nhiên, giao lưu với mọi người. Nhưng thực tế tổng quan chung ở Việt Nam vẫn là sự lởm khởm về thiết kế đô thị. Các đô thị ở nước ta đang thiếu trầm trọng những không gian công viên, cây xanh, thiếu đi sân chơi trẻ em, hay không gian công cộng để con người có cơ hội kết nối với nhau.

Theo tôi, nếu đặt đô thị thông minh là định hướng phát triển thì cần phải nhấn mạnh tới sự kết hợp của đô thị thân thiện.

PV: Lý thuyết có thể vẽ ra những viễn tưởng thật dễ dàng về một đô thị mà vừa có công nghệ 4.0 và ở nơi đó vẫn hình thành cộng đồng cư dân thân thiện. Nhưng trên thực tế, liệu rằng mô hình kết hợp giữa đô thị thông minh và đô thị thân thiện có thực sự khả thi khi trong lòng đô thị Việt Nam còn chứa đầy những khuyết điểm và lộn xộn chưa được giải quyết, thưa các chuyên gia?

KTS. Lê Vũ Cường: Xây dựng một mô hình đô thị vừa thông minh và thân thiện giống như cải tạo một ngôi nhà, cải tạo không gian xung quanh đó. Thiết lập một cái mới không đồng nghĩa là phá đi xây lại. Chúng ta chỉ cần cải tạo, sửa đổi trên nền tảng có sẵn dù rằng hệ thống giao thông hay cách thiết kế không gian ở Việt Nam còn rất lộn xộn.

Ở góc độ vĩ mô, muốn kết hợp nhuần nhuyễn 2 mô hình đô thị thông minh và thân thiện, nhà kiến trúc, nhà phát triển đô thị, nhà công nghệ phải ngồi đưa ra giải pháp, thực hiện đồng bộ. Một thiết kế đô thị tổng thể sẽ tạo ra được những tiện ích và ưu việt. Chứ không thể, kiến trúc sư đưa ra phương án nhưng ông công nghệ triển khai một hướng, nhà phát triển đô thị không giám sát quản lý.

Trong quá trình cải tạo, những mô hình phải đặt ra các mục tiêu nhằm để con người hạn chế sự phụ thuộc vào những cỗ máy thông minh. Quan trọng nhất là quá trình thiết kế không gian đô thị.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra một đô thị thân thiện mà nơi đó tất cả các vật dụng đều thông minh, tiện ích và thân thiện với môi trường, với con người. Bạn có thể ngồi vào chiếc ghế ở bến xe bus mà cắm sạc điện thoại, dùng wifi, kiểm tra nồng độ không khí như thế nào. Hay mỗi cột đèn là một chiếc turbin gió giúp con người tạo ra năng lượng, hình thành nguồn điện cho hệ thống bóng đèn. Người thiết kế phải biết biến công nghệ thành một phần của cuộc sống, giúp con thấy giảm tải được các thao tác nhưng vẫn có cơ hội kết nối với nhau. Đi đâu, chúng ta đều thấy công nghệ ở mọi nơi. Vẫn là công nghệ, vẫn là thông minh nhưng sẽ buộc phải có không gian công cộng để con người có cơ hội được trò chuyện. Chúng ta không thể đặt những tiện ích như cỗ máy vô tri giữa lòng đô thị.

Ths. Hoàng Sơn Công: Đô thị thông minh và đô thị thân thiện không phải là 2 mô hình đối lập nhau về bản chất mà đều phục vụ nhu cầu của con người. Chúng ta không thể bỏ qua tiện ích công nghệ trong cuộc sống và càng không thể sống mà không có sự tương tác cộng đồng. Xa rời cộng đồng, khép mình trong thế giới thông minh, bỏ quên không gian thực, gần gũi với không giản ảo chỉ khiến con người rơi vào trạng thái rối loạn về tâm lý.

Nếu đã là nhu cầu tối thiếu của con người thì rõ ràng sự phát triển song hành của hai mặt đô thị là thông minh và thân thiện không hề khó. Cái khó ở đây chỉ là chiến lược đề ra chưa chuẩn, cách thức tiến hành sai lệch. Chúng ta không thể nói cần một không gian chật hẹp hay rộng rãi mà phải hợp lý, đủ cho con người với con người giao tiếp với nhau. Sự thông minh luôn phải đi kèm với khả năng tôn trọng, nuôi dưỡng cảm xúc, suy nghĩ của mỗi con người.

Khu đô thị như một cơ thể con người mà buộc phải được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Dẫu là phát triển cái gì, đi theo mô hình nào thì mối quan hệ giữa con người với con người vẫn là nền tảng, con người phải là trung tâm cho sự sáng tạo.

Để làm được điều đó, chúng ta phải có quy hoạch tổng quan, phải có tiêu chí rõ ràng, đừng để một đô thị thông minh xuất hiện nhưng chỗ nào cũng là bê tông, là cỗ máy vô tri vô giác còn con người lướt qua nhau như những bóng hình.

Cảm ơn các chuyên gia về cuộc trò chuyện!

Mai Linh (thực hiện)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận