Aa

ĐBQH: Qua nhiều lần kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai vẫn chưa giải quyết điểm nghẽn "đất ở, đất khác" cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước

Thứ Ba, 16/01/2024 - 06:00

Về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm trường hợp đất khác để phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; hoặc giao Chính phủ thực hiện thí điểm trong 5 năm, sau đó tổng kết báo cáo Quốc hội.

Nêu ý kiến thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, từ kiến nghị của rất nhiều doanh nghiệp tỉnh Bình Dương về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét kỹ khoản b, Điều 122 và điểm b, khoản 1, Điều 127. Theo hướng bổ sung thêm trường hợp đất khác để phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; hoặc giao Chính phủ thực hiện thí điểm trong 5 năm, sau đó tổng kết báo cáo Quốc hội.

ĐBQH: Qua nhiều lần kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai vẫn chưa giải quyết điểm nghẽn "đất ở, đất khác" cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Xuân phân tích: Thứ nhất, xuất phát từ thực tiễn trước đây, Nhà nước kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, vận động người dân đầu tư kinh doanh làm giàu chính đáng. Nhiều người dân, doanh nghiệp muốn kinh doanh đã chấp nhận bàn giao các loại đất khác nhau của mình cho Nhà nước, trong đó có cả đất ở, để được thuê lại đất sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đã tạo việc làm, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.

Đến nay khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, cải tạo chỉnh trang đô thị, thì cần có cơ chế công bằng, ưu tiên hơn cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục đầu tư, phát triển trên chính mảnh đất họ đã giữ gìn, sản xuất kinh doanh qua nhiều thế hệ.

Thứ hai, Nhà nước có đủ cơ sở để xác định rõ nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp. Nếu đất trước khi sản xuất kinh doanh là của họ, do được thừa kế, tặng cho hoặc nhận chuyển nhượng thì cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này.

Trong khi đó, để cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển, nhiều địa phương không đủ nguồn lực để đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng theo Dự thảo, doanh nghiệp đang có quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh sẽ không được ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị, đất thương mại dịch vụ.

"Cách duy nhất là Nhà nước thực hiện thu hồi, đền bù cho họ. Nhưng tính riêng gần 3.000 doanh nghiệp của Bình Dương, con số có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cả Nhà nước và doanh nghiệp đều khó chủ động và chỉ còn cách chờ đợi. Mà càng chờ đợi lâu sẽ mất đi nhiều cơ hội phát triển của đất nước", bà Xuân nói.

Thứ ba, từ góc độ pháp lý, việc quản trị quốc gia ngày nay đang ưu tiên pháp luật kiến tạo cho sự phát triển và lấy quy hoạch làm nền tảng, để huy động và khai thác nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là nguồn lực về đất đai. Nhưng qua nhiều lần kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai vẫn chưa giải quyết điểm nghẽn này cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có Bình Dương.

Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã tiếp thu giải trình khi quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, được Nhà nước kiểm tra giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình chuyển đổi đó một cách công khai minh bạch, để không gây thất thu cho ngân sách.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Xuân cũng kiến nghị sửa đổi hoàn thiện pháp luật về thuế, để điều tiết hài hòa lợi ích trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang đất ở, để thực hiện dự án nhà ở thương mại cho 3 nhóm đối tượng gồm: người đang sử dụng đất, nhà đầu tư, Nhà nước. Từ đó, phân phối lại lợi ích xứng đáng cho người sử dụng đất và chống thất thu ngân sách.

ĐBQH: Qua nhiều lần kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai vẫn chưa giải quyết điểm nghẽn "đất ở, đất khác" cho nhiều doanh nghiệp trên cả nước- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mới đây, trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đặt vấn đề: Quy định này có hạn chế là có thể dẫn đến hệ quả, trong khoảng 5-7 năm tới đây, thị trường bất động sản nhà ở thương mại sẽ thiếu nguồn cung quỹ đất, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở thương mại.

Vì vậy, HoREA tiếp tục đề xuất mở rộng các loại đất làm dự án nhà ở thương mại theo như báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Hiện Điều 127 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới chỉ quy định "thông qua hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác", chưa có trường hợp "đất khác".

Để điều tiết địa tô chênh lệch, HoREA kiến nghị giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện công tác định giá đất thật chuẩn xác. Để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, dứt khoát không được để thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.

Trong văn bản kiến nghị, HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp trường hợp tổ chức kinh tế đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở (gồm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc đất nông nghiệp) để thực hiện dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại theo các quy định của Luật Đất đai 2013.

Theo đó, HoREA đề xuất bổ sung khoản 16 Điều 259 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, như sau: "Đối với trường hợp tổ chức kinh tế đã nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan".

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 15/1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát, chỉnh sửa các quy định về điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ.

Đối với những điều khoản chuyển tiếp có nội dung thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định theo đúng nguyên tắc "không hợp thức hóa các sai phạm"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top