Aa

Giải ngân vốn đầu tư công: Không còn thời gian để kêu khó

Thứ Sáu, 01/12/2023 - 13:36

Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã có rất nhiều cố gắng và được đánh giá là làm tương đối tốt so với năm trước, nhưng cho đến thời điểm này, khả năng hấp thụ vốn đầu tư công của cả nước vẫn thấp.

Đáng chú ý, hiện còn nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm, vì thế áp lực giải ngân vốn đầu tư đang rất lớn.

Có tăng nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra

Là 1 trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế, đầu tư công (ĐTC) luôn là nội dung làm “nóng” nghị trường Quốc hội cũng như trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Theo đó, giải ngân vốn ĐTC chính là “chìa khóa” để mở ra không gian phát triển mới, tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và của cả nước.

Với sức nóng đó, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện cùng rất nhiều văn bản được ban hành. Cùng với đó, Chính phủ đã duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông; 5 tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC; thành lập 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Các ban chỉ đạo, tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách. Kết quả sau những đợt đôn đốc cho thấy, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã từng bước khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế. Qua đó, kết quả giải ngân vốn ĐTC đã bắt đầu khởi sắc từ cuối quý II, đầu quý III đến nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn ĐTC từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 của cả nước là 460.980 tỷ đồng, đạt trên 59% kế hoạch (trên 776.288 tỷ đồng) và đạt trên 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 708.252 tỷ đồng). Cùng kỳ này năm trước, tỷ lệ giải ngân đạt trên 52% kế hoạch và trên 58% kế hoạch TTCP giao. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân của cả nước có tăng hơn (7% so với kế hoạch và 6,77% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng so với tổng kế hoạch vốn cần giải ngân trong năm 2023 thì tỷ lệ này vẫn đạt thấp.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Áp lực nặng nề cho tháng cuối năm

Theo tính toán, hiện còn trên 315 nghìn tỷ đồng vốn ĐTC (nếu tính theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì còn trên 247 nghìn tỷ đồng) cần giải ngân, trong khi chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm. Do đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là giải ngân đạt tỷ lệ 95% trở lên.

Sự quyết tâm này đang được các địa phương thể hiện bằng những hành động cụ thể. Đơn cử như tỉnh Đắk Nông, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã không ngần ngại chỉ ra những yếu kém trong công tác giải ngân của địa phương và đã yêu cầu các đơn vị cùng tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp khả thi nhất để thực hiện.

Quyết tâm của tỉnh Đắk Nông còn được thể hiện ở việc kiên quyết điều chuyển nguồn vốn ĐTC từ những dự án trì trệ, kém tiến độ sang các dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt trong điều kiện, quy định cho phép. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đăk Nông đã thực hiện điều chuyển hơn 300 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dự kiến đến hết tháng 11/2023, tỉnh Đắk Nông mới giải ngân được trên 1 nửa số vốn được giao, vì thế, với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2023 sẽ là áp lực lớn cho tỉnh trong tháng cuối cùng của năm này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, thời gian không còn để kêu khó nữa, vì thế, tỉnh Đắk Nông sẽ tận dụng triệt để thời gian còn lại của năm cho các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn để đạt tỷ lệ cao nhất có thể.

Mặc dù là 1 tỉnh miền núi với nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nhưng nhiều năm trở lại đây Lào Cai luôn là tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước.

Dự kiến hết tháng 11/2023, tỉnh Lào Cai giải ngân đạt trên 74% kế hoạch vốn được giao và đạt trên 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù đang giải ngân cao nhưng tỉnh Lào Cai cũng phải đối mặt với những khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi có những dự án giao thông đi qua diện tích canh tác một số cây trồng có giá trị…

Do đó, để đạt mục tiêu giải ngân được 100% kế hoạch vốn như mục tiêu của tỉnh đề ra từ đầu năm trong khi thời gian không còn nhiều, tỉnh Lào Cai đang yêu cầu chủ đầu tư rà soát, cập nhật kế hoạch chi tiết giải ngân để điều hành theo từng tuần. Đối với các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị đánh giá các khó khăn, xem thẩm quyền thuộc ở cấp nào để áp dụng linh hoạt các giải pháp.

Tập trung tối đa nguồn lực để giải ngân vốn đầu tư công 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 vừa có cuộc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại 4 địa phương là: Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai và Bình Phước.

Theo đó, ước đến hết tháng 10/2023, 4 địa phương này có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể, tỉnh Gia Lai ước đạt trên 39%, tỉnh Kon Tum ước đạt gần 49%; tỉnh Đồng Nai ước đạt trên 46% và tỉnh Bình Phước ước đạt trên 51%.

Bộ Tài chính cho biết, căn cứ kết quả thực hiện 10 tháng năm 2023, cùng những khó khăn, tồn tại của 4 địa phương, mục tiêu đảm bảo kết quả giải ngân kế hoạch năm 2023 đạt tối thiểu 95% của 4 địa phương là không khả thi. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị 4 địa phương đánh giá, cân nhắc khả năng giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2023 để có các phương án tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cho biết, các vướng mắc được các địa phương nêu ra là các vấn đề tồn tại đã lâu, mặc dù đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ một phần xong tác động tích cực đến kết quả giải ngân năm 2023 còn rất hạn chế và có nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng tới những tháng còn lại của kế hoạch năm 2023, cũng như kế hoạch năm 2024 như: thủ tục điều chỉnh dự án; xác định giá đất trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nguồn cung vật liệu và thủ tục khai thác…

Theo đó, để đảm bảo tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo tăng cường, quyết liệt, tập trung tối đa nhân lực, vật lực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện, giải ngân tối đa số vốn còn lại trong kế hoạch năm 2023.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công, hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2023 (31/1/2024), số vốn chưa giải ngân hết kế hoạch của các dự án sẽ bị hủy bỏ, thu hồi về NSNN. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, có đánh giá sát khả năng thực hiện kế hoạch năm 2023, tổng hợp, báo cáo kịp thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm cơ sở để các bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ, chính phủ trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top