Aa

Giải pháp nào để giải ngân số vốn kỷ lục 700.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm 2023?

Chủ Nhật, 29/01/2023 - 06:18

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng. Việc giải ngân số vốn lớn này trong năm nay sẽ là một thách thức rất lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Quốc hội cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định để có thể hoàn thành những kế hoạch đề ra, Việt Nam cần rất nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm "bệnh" giải ngân chậm ngay từ đầu năm.

Giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công là thách thức lớn trong năm 2023

Đầu năm 2023, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đồng loạt khởi công, kỳ vọng mang lại hạ tầng tốt, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định, đầu tư công vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm nay.

Tại Đối thoại đầu xuân 2023 "Nắm bắt cơ hội - Hướng đến tương lai" ngày 22/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhìn nhận từ các nhiệm kỳ 2016 - 2020 và năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận sự đóng góp của lĩnh vực đầu tư công vào GDP của nền kinh tế. Tuy chiếm tỷ lệ khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5 - 6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội. Đầu tư công năm 2023 có quy mô rất lớn, lên đến 700.000 tỷ đồng, nếu được giải ngân tốt sẽ tạo ra không gian phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để giải ngân mức vốn lớn như vậy trong năm 2023 cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi công tác chuẩn bị, sẵn sàng vốn cung ứng cũng như việc triển khai thực hiện cần hết sức nhanh chóng hiệu quả, thì mới có năng lực để hấp thụ hết lượng vốn này.

"Khả năng cung ứng vốn cũng là vấn đề lớn khi năm nay được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, nên bài toán cân đối ngân sách, huy động vốn phục vụ cho giải ngân đầu tư công cũng là một thách thức lớn", ông Phương nói.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm đều chưa đạt mục tiêu. Cụ thể, năm 2017, giải ngân đầu tư công đạt 73%, năm 2018 là 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ KH&ĐT)

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 20 vấn đề cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022. Trong đó, thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư công vẫn còn bất cập vẫn là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, việc giải ngân chậm còn do những khó khăn liên quan đến các vấn đề đặc thù trong năm 2022. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 39 vấn đề liên quan đến 7 lĩnh vực, bao gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, để đẩy nhanh đầu tư công cần phân rõ và xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, đồng thời kiểm soát chặt mục tiêu, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Quốc Phương, các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính khả thi trong triển khai thực hiện dự án.

"Cần xem giải ngân đầu tư công là ưu tiên hàng đầu. Các cơ quan được giao nhiệm vụ cần nhanh chóng rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022", ông Phương nói.

Trước đó, phát biểu tại "Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam: Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức" tổ chức hồi giữa tháng 1, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam đặt vấn đề, cần xem lại tổng vốn đầu tư công mà nước ta đặt ra trong kế hoạch, liệu nền kinh tế có đủ sức hấp thụ được 700.000 tỷ đồng trong năm 2023?

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, trên thực tế nền kinh tế chỉ hấp thụ được khoảng hơn 400.000 tỷ đồng/năm. Nếu tổng vốn đầu tư công quá cao so với sức hấp thụ thực tế sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và thanh khoản của hệ thống tài chính.

"Vấn đề không phải là giải ngân chậm mà trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam có hấp thụ được hai triệu tỷ đồng đầu tư công trong 5 năm hay không? Khi đưa ra con số đầu tư công, chúng ta cần căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn, tức là phụ thuộc vào năng lực, cơ chế, luật pháp. Nếu không xác định được khả năng hấp thụ vốn của Việt Nam, cứ đưa con số thiếu thực tế thì sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn thông qua trái phiếu Chính phủ, và nếu không giải ngân hiệu quả sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường tài chính", ông Nguyễn Minh Cường nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, tổng vốn đầu tư công quá cao so với sức hấp thụ thực tế sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và thanh khoản của hệ thống tài chính. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Dồn lực nắm bắt các động lực phát triển kinh tế

Ngoài việc tận dụng động lực đầu tư công, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Việt Nam cần nắm bắt ngay việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.

"Mặc dù cơ hội này vẫn đi kèm thách thức nhưng chắc chắn chúng ta phải chuẩn bị nguồn hàng, để phục vụ cho thị trường vô cùng lớn với các nhu cầu đều bùng nổ sau thời gian áp dụng chính sách Zero Covid. Chúng ta phải sẵn sàng, nếu không sẽ lỡ mất cơ hội đối với một thị trường rất lớn", ông Phương nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam vẫn còn các động lực tăng trưởng khác cần nắm bắt. Trước hết, việc dịch chuyển dòng đầu tư trên thế giới vẫn đang tiếp diễn và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.

"Chúng ta phải sẵn sàng để tận dụng cơ hội này, thông qua sự chuẩn bị về quy hoạch, đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng, để thu hút được dòng vốn dịch chuyển của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khi họ lựa chọn đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta có động lực chi tiêu và dịch vụ. Sự phục hồi thị trường trong nước trong năm 2022 đã tạo ra sức bật rất lớn cho năm 2023. Năm 2022, lĩnh vực dịch vụ tăng ở mức 10%, là con số rất lớn của cả năm.

Về động lực xuất nhập khẩu, năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD. Mặc dù việc duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu trong năm 2023 khá khó khăn nhưng tôi cho rằng vẫn còn cơ hội để phát triển", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định./.

Hiện nay, các doanh nghiệp "kêu" giá nguyên vật liệu tăng quá cao, khiến doanh nghiệp làm không có lãi, thậm chí lỗ nên không muốn làm. Cần nhìn nhận rằng, đó là tư duy điển hình của doanh nghiệp Việt. Thực tế "chiếc áo" quản trị doanh nghiệp Việt hiện nay đã không còn phù hợp với quy mô của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không thể mãi tư duy theo cách "đầu tư là phải đi vay ngân hàng", cần có tư duy đổi mới, các doanh nghiệp liên kết lại với nhau để có đủ vốn tự có tương đương 60 - 70% tổng mức đầu tư rồi mới đi đấu thầu. Như vậy mới thắng được.

Hình dung một cách đơn giản, khi doanh nghiệp đã có tới 60 - 70% vốn/tổng mức đầu tư là đã có đủ tiền đặt cọc, mua gần như toàn bộ nguyên vật liệu ở thời điểm đấu giá. Như vậy doanh nghiệp có thể kiểm soát được giá đầu vào, đảm bảo không phụ thuộc quá lớn vào biến động thị trường. Như vậy đấu thầu chìa khóa trao tay (EPC), doanh nghiệp mới chắc thắng được.

Còn như cách làm hiện tại, doanh nghiệp hầu như đi vay ngân hàng để làm, không có đủ vốn để đặt hàng trước. Trong khi lãi suất ngân hàng lên xuống theo thị trường, giá cả nguyên vật liệu biến động theo giá thế giới. Doanh nghiệp chọn bài toán rủi ro thì buộc phải chấp nhận rủi ro khi nó xảy ra, không thể trách cơ chế.

Thực tế, các doanh nghiệp FDI, dù có lợi thế về tiềm lực, đủ lớn để định giá nguyên vật liệu đầu vào thì họ vẫn liên danh các doanh nghiệp của các nước khác nhau để cùng làm một công trình. Ví dụ như tuyến đường sắt Metro - Nhổn có tới 3 nhà thầu lớn của 3 nước hợp sức lại để làm.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, khi tham gia đấu thầu, nhà thầu phải có ít nhất 30% vốn đối ứng và cũng không cấm thành lập các liên danh để đấu thầu. Như vậy chỉ cần 3 doanh nghiệp hợp lại, mỗi bên góp 20% vốn là đã có 60% tổng mức đầu tư, đủ để mua các loại nguyên vật liệu đầu vào. Làm như vậy doanh nghiệp mới có thể làm chủ được giá nguyên vật liệu đầu vào và không bị ảnh hưởng quá lớn từ các biến động bên ngoài thị trường, lãi suất ngân hàng.

Tiềm năng đầu tư công năm 2023 là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp biết quản trị theo hướng hiện đại, hợp vốn, hợp tác cùng có lợi thì làm kiểu gì cũng thắng. Vốn đầu tư công không thiếu, vấn đề của doanh nghiệp là phải nghĩ ra cách để sử dụng được số tiền ấy.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top