Aa

Hậu Giang đồng hành cùng “quy hoạch và phát triển bền vững đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long“

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Ba, 18/07/2023 - 14:46

Với mục tiêu chất lượng sống tại đô thị được nâng lên ở mức cao, tỉnh Hậu Giang bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.

Sáng 18/7, tại Trung tâm Hội nghị, tỉnh Hậu Giang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Đồng Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành đến tham dự.

Hội thảo nhằm góp phần triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 148-NQ/CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Khu đô thị mới nằm bên dòng kênh xáng Xà No, TP Vị Thanh

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng với hệ thống các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn, các nhiệm vụ và giải pháp lớn để thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết và đồng thời nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị phù hợp với hình thực tế của tỉnh. Tỉnh Hậu Giang đã tổ chức triển khai và quán triệt bằng nhiều hình thức các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 06-NQ/TW; Nghị quyết số 148/NQ-CP đến đảng viên, người dân trên địa bàn tỉnh. T

Từ cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình số 104-CTr/TU ngày 16/5/2022 về thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 16/3/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP và  Chương trình số 104-CTr/TU.

Ông Đồng Văn Thanh Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: Hữu Lễ

Theo ông Thanh, quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Mục tiêu là nâng cao chất lượng đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá; xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị trọng tâm của tỉnh, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; chất lượng sống tại đô thị được nâng lên ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị; thực hiện hoàn thành lĩnh vực đô thị theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Trước đó, dự án "Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án tại Công văn số 349/TTg-QHQT ngày 15/4/2022. Trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành Trung ương dự án đã được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị Quyết số 10/NQ-HĐND ngày 25/4/2023. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.211,372 tỷ đồng (tương đương 44.457.280 Euro), sử dụng nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh. Thời gian thực hiện năm 2023 - 2026. Với mục tiêu là xây dựng thành phố Ngã Bảy thành đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm của tỉnh để đảm bảo xứng tầm phát triển là một trong các đô thị hạt nhân của tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Hiển, phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. ảnh HL

Hậu Giang 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đô thị

Năm 2004, tỉnh Hậu Giang được chia tách ra từ tỉnh Cần Thơ (cũ) với hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở xác định chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, thời gian đầu khi mới thành lập, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, chăm lo công tác an sinh xã hội, Hậu Giang cũng xác định chủ trương phát triển đô thị nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đô thị của tỉnh đã thay đổi rõ nét theo hướng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Năm 2004, khi mới chia tách thì tỉnh có 9 đô thị (1 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V) hạ tầng đô thị còn nhiều mặt hạn chế, đến nay, đã tỉnh có 19 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 16 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,75%. Các đô thị đều phát triển khá đồng bộ từ hình thái kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật. Các đô thị trung tâm đều phát triển nhanh, hài hòa, bền vững đã từng bước đáp ứng và ngày càng hoàn thiện được các chỉ tiêu đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top