Aa

Hoa mướp vàng thu dẫn lối tuổi thơ

Thứ Ba, 11/10/2022 - 06:12

Một sớm mai thức dậy, chợt nhìn thấy dây mướp bò miên man trên hàng rào nở xòe những bông hoa vàng tươi bồng bềnh trôi trên nền trời xanh thẳm, tôi bỗng như được đắm mình trở về với tuổi thơ vương vấn bao kỷ niệm…

Hình như mùa thu cái gì cũng vàng. Hoa cúc vàng đã đành, đến cái nắng cũng vàng óng như rót mật. Tàu cau, lá đu đủ đổ vàng, đến buồng chuối cũng vàng ươm đón mùa cốm mới. Nhưng còn có một màu vàng, rất bình dị, mà ít ai để ý, ấy là màu vàng hoa mướp! Thực ra ở ngoài Bắc, mướp lên giàn, ra hoa từ cuối xuân sang hè, thậm chí từ giữa xuân, nhưng cái màu vàng của loài hoa dân dã ấy chỉ thực sự mềm mại, dịu dàng đến nao lòng khi trời sang thu.

Ngày trước ở nông thôn hầu như nhà nào cũng trồng mướp. Thường là từ cuối năm, u đã sai tôi bắc ghế lấy quả mướp giống cất trên gác bếp (từ địa phương quê tôi gọi là giánh bếp) xuống. U lấy chiếc chổi lúa quét mồ hóng bám quanh quả mướp giống, rồi nhẹ nhàng cầm con dao bài cắt ngang phía nuốm (cuống) quả, sau đó dốc nhẹ cho những hạt gần nuốm rơi ra. Được chừng vài chục hạt, u gói số hạt đó vào tờ giấy cất riêng một chỗ để ươm cây giống. Số hạt phía dưới quả u dốc nốt ra một tờ giấy khác và gói lại để ai cần thì cho họ làm giống. Quả mướp khô còn lại được bóc vỏ, bổ nhẹ ra cho hai nửa vẫn còn dính với nhau, được cất đi dành đến Tết làm vỉ lót đáy chõ để đồ xôi và đến rằm tháng Giêng đồ bánh khúc.

U bảo, gieo hạt gần nuốm thì sau mướp nhanh ra hoa và sai quả. Chả biết có phải thế không nhưng quả là những khóm mướp u tôi trồng bao giờ cũng chớm bò lên giàn là đã ra hoa, và sau đó cứ mỗi nách lá một quả sai lúc lỉu… Lại nữa, khi mướp lên giàn, bao giờ u cũng dặn chúng tôi không được cắt ăn quả mướp đầu tiên và quả thứ hai mà phải dành để làm giống, như thế sang năm trồng lứa mới mướp mới nhanh bói quả. Thế là quả mướp ấy cứ thế lớn lên, già đi rồi đến khi thật nỏ thì mới cắt xuống đem gác giánh bếp làm giống cho năm sau…

Lại nữa, ở quê tôi ngày trước thường không trồng thẳng hạt mướp ra vườn, ra ruộng hay bờ ao, mà ươm hạt riêng vào một đám đất được làm tơi, chờ cho hạt nảy mầm, mọc cây và đến khi có hai đến ba lá thật mới đem nhổ ra trồng. Hồi bé, chẳng hiểu từ đâu ra mà chúng tôi nghe nói, cây mướp giống cứ phải là đi nhổ trộm về trồng thì mới sai quả. Thế là lũ trẻ con chúng tôi thường rình buổi trưa người lớn nghỉ ngơi trong nhà là lẻn ra bờ ao nhổ trộm một vài cây về trồng xen với cây giống của nhà gieo cho sai quả. Người lớn biết thế nên bao giờ khi trồng mướp cũng thường trồng rất dày, có khi đến cả chục cây giống một hốc, để còn dành phần cho người khác “nhổ trộm” (!). Bây giờ nghĩ lại thấy hồi ấy cũng thật đáng yêu quá!

Ở nông thôn miền Bắc ngày trước, người ta có thể trồng mướp ở bất cứ chỗ nào: Trước hiên nhà, trong vườn, ngoài ngõ, thậm chí chỉ cần vắt tay mướp cho leo lên bờ rào là đã có thể có mướp ăn; nhưng mướp thường được trồng nhiều nhất là ở bờ ao. Chỉ cần 4 cây tre, hai cây cắm trên bờ, hai cây cắm dưới ao rồi buộc túm ngọn lại thành hình gọng vó, thêm các cành chà chạnh buộc ngang thân nối lại với nhau là đã có thể thành một giàn mướp tươm tất. Và cũng thông thường, những giàn mướp kiểu ấy hay được bắc ở cầu ao, vừa lấy bóng mát cho những trưa hè, vừa tiện cho việc hái quả…

Việc trồng mướp cũng khá đơn giản, thường thì người ta đào một cái hố sâu rộng mỗi chiều chừng 50cm, sau đó hót phân trâu lót dưới, phủ lên ít cỏ rác rồi xúc bùn ao đổ lên trên và cấy cây mướp con, cắm mấy vành rào vừa để bảo vệ, vừa để mướp lấy chỗ dựa bám vào leo lên giàn, thế là xong. Cây mướp con đang độ phát triển, gặp bùn mát ẩm bén rễ và lớn rất nhanh, chỉ dăm bữa là đã bám vào tay tre, rụt rè leo lên giàn. Những ngọn mướp non vươn mình đầy sức sống lớn nhanh như thổi, chỉ hôm trước hôm sau nhìn đã khác. Nhiều lúc tôi ngắm những ngọn mướp kiêu hãnh lại hình dung ra như những con rồng đang vươn mình đón mây, mà những chiếc lá non xẻ thùy như mào rồng, còn những tay mướp vươn dài như chùm râu rồng… trông thật oai hùng.

Những tay mướp xanh non nhỏ như cọng tăm luôn ráng hết sức mình vươn lên cao, vươn về phía trước; rồi khi bám được vào cành cây hoặc vật chủ làm điểm tựa là quấn chặt lấy, giữ cho ngọn mướp tiếp tục bám chắc vào giàn. Thế rồi, phần còn lại của tay mướp dần dần cuốn lại thành hình lò xo, như muốn kéo ngọn mướp lên cao hơn, và cái chính có lẽ là tạo sự đàn hồi để dù có gió to, ngọn mướp cũng không bị đánh tung ra khỏi giàn. Những tay mướp chằng chịt vẽ lên những đường nét tưởng như lộn xộn mà ngắm kỹ hóa ra lại rất tinh tế, như những nét chữ tượng hình, sự ký thác, gửi gắm của thiên nhiên với con người, càng ngắm nhìn càng phát hiện ra những điều thú vị…

Khi ngọn mướp bén giàn, ở nách lá bắt đầu lấp ló chùm nụ non như những trái tim thiên thần nhỏ bé xanh như ngọc. Trái tim ấy cứ uống ánh nắng và khí trời, đập nhịp đập của cuộc đời mà lớn lên, cho đến một sớm mai bỗng xòe ra những cánh hoa vàng non, mềm mại như những tia nắng sớm. Những bông hoa vàng tươi mịn như nhung chạm vào thấy mát tay cứ sáng rực lên trong nắng, in lên nền trời xanh lơ lửng những túm mây trắng như bông, làm dịu cơn nóng hè và càng tôn lên nét thu trong trẻo đến mát mắt. Nhưng đó mới chỉ là những chùm hoa đực.

Thường thì hoa đực ra trước, và phải cách dăm sáu đốt mướp mới ra nụ cái. Nụ cái cũng thường mọc cùng với chùm nụ đực trong một nách lá. Những chiếc nụ xinh xinh mới phôi thai đã rõ hình hài của trái mướp, với lớp lông măng trắng xanh mịn như nhung và ở đầu noãn lấp ló bầu hoa hình trái tim bao bọc bởi những chiếc lá đài màu xanh cốm. Những chiếc nụ ấy lớn nhanh như thổi, hôm trước mới bằng đầu đũa, quay đi quay lại đã bằng ngón tay. Khi những cánh hoa vàng tươi xòe nở bỡ ngỡ đón những tia nắng đầu tiên, cũng là lúc những chú ong chăm chỉ lượn vòng rồi chúi đầu vào bầu nhụy hút mật và gom phấn hoa vào giỏ ở cặp chân sau. Khi học lên lớp 5, chúng tôi biết được đó cũng là cách mà ong bướm vô tình thụ phấn cho hoa và theo lời cô giáo chỉ dẫn, chúng tôi đã biết sáng dậy sớm ngắt chiếc hoa đực rồi úp lên hoa cái cho đầu nhị và đầu đầu nhụy chạm vào nhau để thụ phấn cho mướp đậu quả.

Cũng có khi, khóm mướp được bón lót nhiều phân tốt quá bị lốp, lá cứ xanh bời bời lên mà không ra hoa, u lại sai tôi ngắt bớt lá, thậm chí lấy mảnh sành rạch vào thân cây đoạn gần gốc rồi nhét luôn mảnh sành vào đó, để cây bị chột mà ra hoa. Rồi cứ thế gần như mỗi nách một hoa, lũ mướp non lũ lượt ra đời như lũ chuột con treo thành hàng lúc lỉu trên giàn. Nhưng mật không chỉ có trong bầu hoa mà còn có cả ở nốt sần phía ngoài lớp lá đài bao bọc cánh hoa. Chính vì vậy mà những chiếc hoa mướp, nhất là hoa cái, còn thu hút họ hàng nhà kiến lũ lượt đến kiếm mật.

Không chỉ có thế, đối với lũ trẻ nông thôn chúng tôi, những chiếc hoa mướp vàng bình dị ấy còn là một thứ “mồi” không thể thiếu để đi câu ếch. Ếch là loài sống lưỡng cư, có đôi mắt lồi to nhưng thị lực lại rất kém, chỉ phát hiện được các vật chuyển động; và hình như ếch còn bị mù màu, chỉ phân biệt được màu đỏ và màu vàng thì phải. Chính vì vậy, muốn câu được ếch, chúng tôi dùng hoa mướp (loại hoa đực) buộc lên dây câu (dây cước) ở đoạn phía trên lưỡi câu có mắc mồi thường là con cào cào, châu chấu; đoạn cuối dây câu được buộc vật nặng bằng gỗ đẽo như hình chiếc cù (con quay) để lợi dụng lực quán tính quăng mồi câu đi được xa.

Chúng tôi tìm đến những chiếc ao có giàn bèo cái để câu. Lũ trẻ lấy hết sức vung cần câu thật mạnh để quăng mồi ra càng xa càng tốt, sau đó thong thả cuốn cước lại trong những chiếc kỷ câu làm bằng gỗ mít, vừa cuốn cước vừa nhấp nhấp đầu cần câu cho chiếc hoa mướp nhảy nhót trên mặt giàn bèo để nhử lũ ếch. Những con ếch đói ngâm mình dưới nước, chỉ nhô cái đầu lên trên mặt giàn bèo với hai con mắt thô lố, thấy hoa bèn nhảy tới định đớp mồi. Chúng tôi nhẹ nhàng kéo dây câu để chiếc hoa mướp lướt qua và chiếc lưỡi câu có mắc con cào cào đến ngang tầm mắt con ếch, rồi nhấp nhấp cho chiếc mồi động đậy, chú ếch háu ăn lao đến đớp… Chỉ đợi có thế, chúng tôi giật mạnh cần cho lưỡi câu đóng vào hàm ếch rồi cuốn cước thật nhanh; chỉ vài phút sau, chú ếch đã nằm gọn trong giỏ và nhảy nhót lung tung, còn chiếc hoa mướp vẫn còn nguyên trên dây câu… Thế là bữa cơm hôm đó đã có món ếch xào mướp với những miếng thịt ếch trắng nõn liểm điểm trên lớp mướp xanh nhạt, điểm thêm chùm nụ mướp non rất hấp dẫn. Chán món xào, u tôi lại cầu kỳ làm món ếch cuốn lá mướp non om lá lốt; tiết thu hiu hiu, cánh mũi phập phồng hít hà mùi mướp hương quyện với hương gạo quê thì chỉ có… thôi rồi…

Bây giờ về quê, cuộc sống đổi khác nhiều, hầu như còn rất ít những giàn mướp che mát trưa hè soi bóng những chú cá cờ bơi lượn bên chiếc cầu ao bắc bằng những cây tre già…, nhưng đây đó vẫn còn những bờ rào rực vàng hoa mướp. Chợt một sáng mùa thu đi bộ trong Công viên Thống Nhất giữa Thủ đô, tôi bỗng bắt gặp màu vàng tươi của loài hoa bình dị mà rất đỗi thân thương, đầy vương vấn ấy, bò miên man trên hàng rào sắt và trên sợi dây điện kéo căng ngang vườn ươm cây, tôi bỗng háo hức như đứa trẻ năm nào, ngắm nhìn say sưa cái màu hoa vàng mơ như được đắm mình trở lại tuổi thơ…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top