Aa

Lãi suất thấp, tiền sẽ chuyển kênh?

Thứ Tư, 10/01/2024 - 05:48

Theo Ngân hàng Nhà nước, bất chấp lãi suất thấp, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh và đạt mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành.

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị ngành ngân hàng sáng 8/1, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Như vậy, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng - mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, riêng quý IV tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.

Trước đó, thống kê đến cuối quý III, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm.

Việc người dân và doanh nghiệp vẫn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất thấp, cho thấy sau giai đoạn khủng hoảng trái phiếu, dòng tiền dân cư chưa thực sự tìm lại kênh này; cũng như thanh khoản thấp của TTCK và đang dần cải thiện, cũng minh chứng cho nhà đầu tư đang "chờ thời". Bên cạnh đó, việc chờ đợi thời cơ kinh doanh khi thị trường chung phục hồi cũng khiến dòng tiền gửi ngân hàng tăng mạnh.

Những yếu tố đó đồng nghĩa, khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai, một phần tiền gửi sẽ được chuyển hóa vốn đầu tư và đó cũng sẽ tín hiệu tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc dịch chuyện dòng tiền khỏi tiết kiệm sẽ không diễn ra sớm hay mạnh mẽ. Đơn cử như quý II/2023, nhiều chuyên gia dự báo tới quý III sẽ đến thời điểm nhiều khoản tiết kiệm tất toán và khi lãi suất xuống thấp, dòng tiền sẽ dịch chuyển vào chứng khoán, song thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, với bất động sản, chưa thể cung ứng nguồn vốn rẻ như kỳ vọng. "Các ngân hàng đã giảm lãi vay nhưng các khoản vay cũ có lãi suất vẫn cao. Liệu có thể rà soát ngay thay vì 3 - 6 tháng?", ông Châu nói.

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, việc giảm lãi suất chỉ tạo yếu tố tâm lý, chưa thể tạo dòng tiền rút khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, vì lãi suất chưa giảm mạnh như kỳ vọng. Dù vậy, người dân có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng với lãi suất từ 5 - 6%/năm, cũng có thể xem xét các phân khúc biệt thự, nhà phố với giá giảm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top