Aa

Lâm Đồng: Phát triển theo chuỗi đô thị, không hình thành đô thị “nén”

Chủ Nhật, 19/12/2021 - 06:00

Tỉnh Lâm Đồng chọn hướng phát triển theo chuỗi đô thị. Tuy nhiên, quá trình phát triển sẽ không dàn trải, làm “phình to” đô thị. Tuyệt đối không hình thành các đô thị “nén” kém thân thiện với môi trường.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có Công văn số 2589 gửi Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, báo cáo tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2021.

Một góc TP. Đà Lạt.

Theo đó, các dự án phát triển khu đô thị hiện nay chủ yếu tập trung ở TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh. Đa số các dự án khu dân cư được chấp thuận chủ trương trước năm 2015 xin chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng theo quy hoạch của dự án đã được phê duyệt như: Khu đô thị mới Lý Thường Kiệt tại phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc của Công ty Cổ phần Licogi 16; Khu công viên văn hóa đô thị TP. Đà Lạt; Lô Thanh Thanh, huyện Đức Trọng; Khu đô thị và Trung tâm thương mại huyện Lâm Hà... Tổng số dự án đang triển khai là 11 dự án (105ha); số dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư là 6 dự án (3.576ha); số dự án đang kêu gọi đầu tư là 15 dự án (4.637ha).

Về tình hình phát triển nhà ở, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong giai đoạn 2011 - 2021 là 22 dự án (8 dự án đã hoàn thành, 14 dự án đang triển khai). Trong đó tổng diện tích nhà ở thương mại 257ha (3 dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang triển khai), đã hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội, 1 dự án tái định cư.

Lâm Đồng xác định phát triển đô thị động lực, thân thiện môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch, năm 2022 và năm 2023, TP. Đà Lạt sẽ tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập (không thuộc quỹ đất dự án đầu tư xây dựng nhà ở khác, dự án đầu tư khu đô thị), với tổng số căn 750 căn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở nhằm gắn trách nhiệm của các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong việc phải dành quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, với tổng số căn dự kiến 646 căn. Ngoài ra, tập trung xây dựng nhà ở tái định cư để di dời các hộ dân đang ở trong nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và giải tỏa các công trình trọng điểm, các công trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP. Đà Lạt, với tổng số 230 căn. Trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP. Bảo Lộc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động trong và ngoài khu công nghiệp, với tổng số căn hộ dự kiến 850 căn. Riêng các đô thị từ loại IV trở xuống có 2 khu vực dành để phát triển nhà ở xã hội: Tại thị trấn Cát Tiên với quỹ đất 6.351m2; Dự án Khu đô thị mới - Trung tâm thương mại thị trấn Đinh Văn có quỹ đất 4.400m2.

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển hạ tầng đô thị là một trong bốn khâu đột phá; trong đó đẩy mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ. Xây dựng TP. Đà Lạt và vùng phụ cận là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; TP. Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại II; huyện Đức Trọng thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại III, thị trấn Di Linh, Thạnh Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại IV; quy hoạch và xây dựng đô thị Liên Khương - Prenn và các đô thị khác thành chuỗi các đô thị vệ tinh cho TP. Đà Lạt và Bảo Lộc. Chỉ tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7 - 8%; GRDP bình quân đầu người 120 - 125 triệu đồng; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Về giải pháp phát triển đô thị động lực, thân thiện môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng cho biết do các đô thị hiện hữu của tỉnh hình thành và phát triển dọc theo Quốc lộ 20 đã lâu. Vì vậy, trong các giai đoạn tiếp theo Lâm Đồng vẫn tiếp tục lựa chọn hướng phát triển theo chuỗi đô thị. Tuy nhiên, quá trình phát triển sẽ không dàn trải, làm “phình to” đô thị. Các đô thị vẫn sẽ mở rộng nhưng sẽ theo mô hình đô thị (hoặc các khu chức năng) chuyên biệt, vệ tinh xoay quanh đô thị trung tâm. Tuyệt đối không hình thành các đô thị “nén” kém thân thiện với môi trường.

Đến nay, các đô thị tại tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển tương đối đồng bộ, về cơ bản hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, để tạo bước đột phá, Lâm Đồng sẽ tập trung, ưu tiên dành nguồn lực ngân sách nhà nước để phát triển đối với 2 đô thị là TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc (trong đó cần quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt) để tạo cơ sở, động lực khách quan thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác tại hai cực Bắc và Nam Lâm Đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top