Aa

Lạng Sơn: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm thiểu rủi ro thiên tai

Thứ Năm, 16/06/2022 - 10:30

Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, Lạng Sơn đã ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại khi mùa mưa lũ đến.

Ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra một số dạng hình thái thiên tai. Đặc biệt, trong những ngày 9 - 15/5, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to và dông do ảnh hưởng của rãnh thấp kết hợp hội tụ gió trên cao. Mưa to đã làm ngập lụt, sạt lở đất và gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản, lúa, hoa màu, đường giao thông, hệ thống điện và nhiều công trình hạ tầng khác, ước tổng thiệt hại trên 400 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy những khó khăn mà nhân dân, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn phải ứng phó và khắc phục hậu quả.

Lường trước được những tác động tiêu cực từ sự ảnh hưởng của thiên tai gây ra và để chủ động giảm thiểu rủi ro, thời gian qua các cấp, ngành ở Lạng Sơn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai như ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để truyền tải các thông tin về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng phổ biến, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, các địa phương về ứng dụng “PCTT” trên điện thoại thông minh; phổ biến trang Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; lập trang Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai tỉnh Lạng Sơn”.

Lạng Sơn đã triển khai ứng dụng qua trình duyệt internet để quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn 2016 - 2030 theo dự án Hồ chứa nước Bản Lải.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn đã triển khai ứng dụng qua trình duyệt internet để quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn 2016 - 2030 theo dự án Hồ chứa nước Bản Lải, tỉnh Lạng Sơn. Khi dự án hoàn thành sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong việc cập nhật bổ sung các số liệu đầu vào của phần mềm quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kỳ Cùng; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế cũng được đề cập và đưa nội dung vào thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể, một số nội dung liên quan đến chuyên ngành, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với huyện tiếp giáp Việt Nam của Trung Quốc.

Nâng cao năng lực của cơ quan phòng chống thiên tai

Thực hiện công văn của Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các Sở ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp và quy chế hoạt động của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, thống nhất quy chế hoạt động của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, cấp huyện, giao phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế làm nhiệm vụ thường trực. Cấp xã phân công cho một số cán bộ chuyên môn làm bộ phận thường trực; xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Tính đến nay, đã có 200/200 xã, phường, thị trấn thành lập, kiện toàn, củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai, với 10.036 người thành viên đội, lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ. Đây là lực lượng quan trọng để ứng phó giờ đầu khi có sự cố thiên tai tại cơ sở.

Theo kết quả triển khai đến năm 2020, Lạng Sơn tổ chức thực hiện được 45 lớp cho cán bộ cấp huyện và các xã vùng thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, với tổng số trên 2.200 lượt người tham gia. Tuyên truyền trên các trang thông tin đại chúng và in ấn các pa nô, áp phích về phòng chống thiên tai. Trong năm 2020 và 2021, chủ yếu phối kết hợp với các huyện, thành phố triển khai thực hiện đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó phòng, chống thiên tai của cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành kế hoạch về nâng cao năng lực quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi, để công tác dự báo, cảnh báo được chủ động, kịp thời hơn trong chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai.

Cụ thể, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng, lắp đặt thiết bị quan trắc tại 53 hồ chứa lớn, 40 hồ chứa vừa, 39 hồ chứa nhỏ, 11 hồ, đập dâng. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường hệ thống truyền tin về thiên tai tại cơ sở, kết hợp chặt chẽ các phương tiện truyền thông (phát thanh, truyền hình, mạng internet, mạng xã hội...) với các công cụ truyền thống (loa phóng thanh cơ sở, loa cầm tay…) để kịp thời thông tin về thiên tai đến cơ sở.

Với việc tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ cũng như chủ động trong công tác nâng cao năng lực của cơ quan phòng chống thiên tai đã tạo điều kiện cho các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn chủ động trong cảnh báo, phòng ngừa và ứng phó, giảm thiểu rủi ro khi thiên tai xảy ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top