Aa

Nên xem xét nới thêm điều kiện thu nhập mua nhà ở xã hội

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Tư, 06/03/2024 - 06:00

Điều kiện về thu nhập để mua nhà ở xã hội đang được đề xuất nâng lên 15 triệu đồng/tháng, tăng 4 triệu đồng so với quy định hiện nay. Tuy nhiên, đối với những đô thị đặc biệt có mức sống và chi tiêu đắt đỏ như Hà Nội và TP.HCM, các chuyên gia cho rằng nên nới lên mức 20 triệu đồng/tháng.

Điều kiện về thu nhập mua nhà ở xã hội có thể lên 15 triệu đồng 

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, một trong những thay đổi được quan tâm là đã bỏ tiêu chí về nơi cư trú. 

Cụ thể, dự thảo quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở gồm: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó. Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15m2 sàn/người. Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú, vì đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua nhà ở xã hội.

Về điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10m2 thì mới là đối tượng mua nhà ở xã hội, nay đã tăng lên 15m2/người, giống một số nước trong khu vực.

Nên xem xét nới thêm điều kiện thu nhập mua nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, trong dự thảo của Bộ Xây dựng cũng có sự thay đổi về điều kiện thu nhập của người dân. Cụ thể, dự thảo quy định, đối với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau:

Thứ nhất, có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận.

Thứ hai, thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.

Theo quy định hiện hành, điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân - tức không quá 11 triệu đồng/tháng. Mức này được đánh giá không còn phù hợp với hiện nay vì giá nhà ở xã hội cũng đã tăng mạnh so với trước đây.

Trước đó, điều kiện về thu nhập của đối tượng mua nhà ở xã hội được đưa ra thảo luận nhiều lần tại Quốc hội nhằm sửa đổi Luật Nhà ở và đa số ý kiến cho rằng, việc điều kiện trên đã lỗi thời, cần thay đổi cho phù hợp.

Theo các chuyên gia, ước tính đến năm 2025 - 2030 sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội được thông qua với hàng triệu căn và việc mở rộng điều kiện người được mua nhà diện này là cần thiết.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một điểm thay đổi rất hợp lý. 

Nên xem xét nới thêm điều kiện thu nhập mua nhà ở xã hội- Ảnh 2.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế.

Trên thực tế, mức 11 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp với bối cảnh thị trường, xã hội hiện nay. Để có thể mua được nhà ở xã hội thì phần lớn người dân đều phải vay tiền từ gia đình, người thân vì với mức thu nhập thấp, họ rất khó để có thể vay được tiền từ ngân hàng. Do vậy, điều kiện về mức thu nhập được mở rộng sẽ giúp người mua dễ chứng minh tài chính và khi đó ngân hàng sẽ dễ cho vay hơn.

"Trên thực tế, mức 11 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp với bối cảnh thị trường, xã hội hiện nay. Để có thể mua được nhà ở xã hội thì phần lớn người dân đều phải vay tiền từ gia đình, người thân vì với mức thu nhập thấp, họ rất khó để có thể vay được tiền từ ngân hàng. Do vậy, điều kiện về mức thu nhập được mở rộng sẽ giúp người mua dễ chứng minh tài chính và khi đó ngân hàng sẽ dễ cho vay hơn".

- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

"Tôi cho rằng, điều kiện mức thu nhập bình quân hàng tháng không quá 15 triệu đồng/tháng vẫn là mức hơi thấp. Do đó, đây vẫn là một vấn đề lớn cần được xem xét và thay đổi", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra quan điểm.

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế đánh giá, những điểm mới sẽ tạo ra những cơ chế tốt, giúp cho người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội "dễ thở" hơn, không phải tăng các điều kiện tiếp cận. Nếu dự thảo được thực hiện thì sẽ góp phần đẩy nhanh hơn việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, cũng như tạo điều kiện tăng cầu cho phân khúc này.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành - một trong những doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội nhìn nhận, việc nới quy định về thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trước đây lên 15 triệu đồng/tháng là phù hợp, qua đó sẽ giúp những người có nhu cầu có cơ hội được mua, không phải lo lách quy định, đồng thời cũng giúp mở rộng thêm đối tượng được mua nhà ở xã hội. 

Nên xem xét nới thêm điều kiện thu nhập mua nhà ở xã hội- Ảnh 3.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành. Ảnh: Báo Người lao động

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, Chính phủ nên nới từ 11 triệu đồng/tháng lên 16 triệu đồng/tháng là mức hợp lý nhất vì phải xét từ nhu cầu thực tế của người dân: Khoản tiền dành cho sinh hoạt hằng ngày, tiền chăm sóc, nuôi dạy con cái hay các khoản tiền trả góp. Bên cạnh đó, hiện nay, giá nhà ở đang tăng mạnh nên rất khó để người dân có thể sở hữu giấc mơ an cư.

Nên chăng tiếp tục nới điều kiện thu nhập lên 20 triệu đồng/tháng vẫn được mua nhà ở xã hội?

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về nhà ở xã hội, trên thực tế, những người có thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng chỉ tiết kiệm được 4,7 triệu đồng cho khoản mua nhà. Trong khi đó, với một căn nhà xã hội giá 1,5 tỷ đồng, đóng trước 20% giá trị (khoảng 300 triệu đồng), vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất là 8 - 9% như hiện nay thì, mỗi tháng người mua phải trả số tiền cả vốn lẫn lãi là 10 triệu đồng. Như vậy, nếu tính thêm chi phí sinh hoạt, học tập của con hay những chi tiêu khác của gia đình thì những người có thu nhập trên 15 triệu đồng/ tháng vẫn khó khăn trong việc mua nhà, đặc biệt là tại các thành phố lớn có mức chi tiêu cao. 

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xem xét điều chỉnh, nới điều kiện ở phù hợp hơn, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu ngôi nhà cho mình.

Nên xem xét nới thêm điều kiện thu nhập mua nhà ở xã hội- Ảnh 4.

Cần xem xét điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu nhà của riêng mình. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, trong vài năm trở lại đây, giá nhà ở xã hội đã tăng lên rất nhanh, trong khi đó, khung thu nhập vẫn ở mức thấp dẫn đến việc người mua nhà phải dùng quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng. Điều đó là bất hợp lý và khiến việc an cư của người thu nhập thấp trở nên khó khăn.

Chính vì vậy, đại diện Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho rằng, Chính phủ có thể xem xét nâng điều kiện thu nhập lên 20 triệu đồng/tháng vẫn đủ điều kiện được mua được mua nhà ở xã hội, đối với những người đang sinh sống tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM. Thực tế, mức sống ở hai đô thị lớn này rất đắt đỏ và có sự chênh lệch rõ rệt với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Cùng với đó, cần tạo sự thông thoáng đối với vấn đề phê duyệt thủ tục, hồ sơ cho người dân được hưởng chế độ mua nhà ở xã hội.

Hiện nay, một số trường hợp người dân trình hồ sơ lên các cơ quan ban ngành nhưng mất rất nhiều thời gian chờ đợi để được duyệt. Có trường hợp uỷ ban nhân dân các phường không xác nhận hoặc xác nhận không theo quy định cũng sẽ khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự hỗ trợ cho các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, khi đó mới có nguồn cung nhà ở mới được đưa ra thị trường. Thực tế hiện nay nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn đang khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá rẻ của người dân.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, Uỷ ban nhân dân thành phố có thể đề ra những phương án khác, tạo cơ chế đặc biệt, từ đó sẽ hỗ trợ được người dân có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top