Aa

Người thì cứ ôm đất, người thì không biết bao giờ có nhà

Thứ Ba, 17/05/2022 - 06:15

Những người dư dả tài chính đang đua nhau "ôm" hàng chờ thời, trong khi những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực lại đang gặp khó khăn đã phản ánh thực trạng tắc nghẽn của thị trường bất động sản hiện nay.

Chỉ tích thêm chứ không muốn bớt

Bất động sản là một kênh đầu tư truyền thống của nhiều người Việt Nam. Đối với những người có tiền, đây vừa là kênh giữ tiền, vừa là kênh đầu tư hiệu quả, còn đối với những người không có tiền thì việc mua nhà trong bối cảnh hiện nay vẫn chỉ là "ước mơ xa vời".

Thời gian qua, dòng tiền của người dân đang ồ ạt đổ về các tỉnh đầu tư ngày càng mạnh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Theo đánh giá chung của các nhà đầu tư, đất nền luôn hấp dẫn nhờ tỷ suất lợi nhuận cao, nhịp sóng tăng giá đất nền ngắn hơn nhiều so với các loại hình khác, do đó, các nhà đầu tư thường đổ xô vào phân khúc này. 

Đặc biệt là tại vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Hoài Đức, Sơn Tây… tình trạng giới đầu tư gom mua những mảnh đất lớn với diện tích từ 1.000 – 2.000m2, sau đó tách thửa, phân chia thành các lô nhỏ từ 60 – 100m2 để bán ngày càng phổ biến. Loại hình này thường tập trung chủ yếu ở một số địa bàn “có tin” về các đại dự án hạ tầng như Vành đai 3,5; Vành đai 4; các dự án đô thị của các tập đoàn lớn hay việc thúc tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; việc Đại học Quốc gia Hà Nội chuẩn bị đưa sinh viên lên học tại cơ sở Láng - Hòa Lạc…

Người giàu đi đầu tư bất động sản thường có tâm lý “chỉ thêm chứ quyết không bán”. (Ảnh minh họa)

Anh Hoàng Huy, môi giới bất động sản lâu năm cho hay, 80% người mua là nhà đầu tư Hà Nội và phần lớn không có nhu cầu chuyển nhượng. Trừ một số trường hợp là thua lỗ từ chứng khoán hay cần tiền gấp mới bán đất để lấy tiền, còn hầu hết dân Hà Nội đều có xu hướng "tích trữ" bất động sản ở các tỉnh lẻ đợi thời cơ tới mới bán. 

“Cứ mỗi khi nghe thông tin sắp có dự án nào đó, hay các đợt đấu giá đất ở các tỉnh lẻ là dòng xe ô tô biển 29, 30 lại xếp hàng dài, người từ Hà Nội cứ ‘ùn ùn’ kéo về rồi ôm hết đất nơi đó. Nhiều khi người dân tại nơi đó còn chẳng biết vì sao đất nơi mình ở lại trở nên sốt đến thế”, anh Huy nói.

Còn đối với anh Minh Bảo (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), vốn dĩ anh không phải nhà đầu tư vì anh không biết phán đoán chỗ nào đẹp hay xấu, lời lãi bao nhiêu. Do tiền không dùng tới nên anh Minh Bảo chỉ biết mua đất để đấy và cho rằng, kiểu gì mươi năm nữa đất cũng sẽ tăng.

“Từ năm 2017, một số lô đất tôi mua tại khu vực gần đường 420 Hòa Lạc hay khu vực Đồng Mô, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đến nay đều tăng khoảng từ  30 - 50%. Tuy nhiên, đấy cũng là môi giới bảo vậy chứ tôi chưa có nhu cầu bán, vì bán cũng chưa tiêu đến tiền. Cứ có đất để đó là yên tâm rồi, tiền chỉ nên mua đất mai sau còn cho các con”, anh Minh Bảo chia sẻ. 

Tương tự, gia đình anh Hoàng Quân (ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng sở hữu khá nhiều các bất động sản. Anh Quân cho hay: “Mặc dù gia đình chỉ kinh doanh bình thường nhưng cũng nhờ thế mà có dòng tiền để mua bất động sản. Ngoài các bất động sản tại tỉnh Thanh Hóa, thì gia đình tôi còn sở hữu cả nhà và đất vùng ven Hà Nội, thậm chí trên Đà Lạt cũng có. Thực sự là bán đi thì tiếc mà tiền để đấy cũng không biết làm gì”.

Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro cho rằng, với nhà đầu tư thông thường, họ đặc biệt quan tâm đến biến động của thị trường, giá như thế nào, thời điểm vào hàng và ra hàng. Nhưng đối với nhóm khách hàng "nhà không có gì ngoài tiền", họ không quan tâm đến giá thế nào hay thị trường đang diễn biến ra sao. Chính vì vậy, họ thừa tiền thì sẽ mua đất để tích trữ.

Nhiều tiêu cực tác động lên thị trường bất động sản

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng cung cầu mất cân đối. Trong đó nguồn cầu này chủ yếu đến từ kinh doanh kiếm lợi nhuận. Thực tế là do thiếu thu nhập nên người ta lao vào kinh doanh bất động sản, hình thức này vừa mang tính chất ảo, vừa mang tính chất thật. 

“Nhìn vào thực tế, có những người chỉ buôn bán bình thường nhưng họ lại sở hữu rất nhiều bất động sản, ôm rất nhiều đất. Chứng tỏ dòng tiền trong dân là rất lớn, họ đủ khả năng để mua các bất động sản giá trị lớn. Cho nên, thị trường đang chứng kiến các cơn sốt đất ngày càng mạnh hơn và nhiều dự án bất động sản đang hình thành trong tương lai, cho nên câu chuyện xoay quanh bất động sản sẽ càng phức tạp hơn trong bối cảnh hiện nay”, ông Võ nhận định.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên khoa Thương mại - Du lịch - Marketing thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM đồng quan điểm, săn đất để dành được xem là hình thức đầu cơ bất động sản phổ biến đối với đại đa số người Việt.

Kiểu "ôm đất chờ thời" này đã giúp không ít người từ hạng nhà giàu dăm ba tỷ đồng vụt thành đại gia hay triệu phú đô la. Với nhà đầu tư cá nhân, đây là cuộc chơi của tầng lớp trung lưu mới nổi hoặc giới nhà giàu, thừa tiền tỷ nhàn rỗi nên đổ vào đất, kỳ vọng lãi chục tỷ được xem là bình thường.

Săn đất để dành sẽ khiến cho áp lực tăng đất ngày càng lớn, tạo sự khan hiếm nguồn đất sạch dự trữ cho thị trường. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nghĩa, điểm yếu của kiểu đầu tư ôm đất để dành nằm ở chỗ ai cũng kỳ vọng lợi nhuận khủng. Một khi kỳ vọng càng cao thì thời gian chôn tiền vào đất càng dài, dòng tiền của xã hội nằm thụ động trong đất, không tham gia vào sản xuất kinh doanh. Chôn tiền trong đất còn đòi hỏi nhà đầu tư phải trường vốn, không dùng đòn bẩy tài chính, chấp nhận rủi ro nếu thay đổi chính sách (cụ thể là thay đổi quy hoạch) và phụ thuộc vào chu kỳ tăng trưởng đầy bất định (vô cùng khó đoán) của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của xu hướng săn đất để dành chính là cách đầu tư này đã khiến cho áp lực tăng giá đất, giá nhà ngày càng lớn, tạo sự khan hiếm nguồn đất sạch dự trữ cho thị trường. Chi phí cho quỹ đất không ngừng bị đẩy lên dẫn đến nguy cơ sốt đất ảo và sớm muộn sẽ đẩy giá nhà ở đô thị ngày càng lên cao, xa tầm với của đại đa số người dân.

Khảo sát của phóng viên tại các dự án ở Hà Nội cho thấy, giá căn hộ chung cư đang ở mức cao, thậm chí dự án có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 gần như “tuyệt chủng”. Việc giá nhà đất liên tục tăng cao, ngoài chi phí đầu vào tăng, nguồn cung hạn chế… còn đến từ nguyên nhân bối cảnh lạm phát tăng khiến nhiều nhà đầu tư càng quyết tâm đổ tiền vào đất để tránh đồng tiền trượt giá và khi nhà đất được xem là nơi trú ẩn cho dòng tiền dư dả thì khả năng tiếp cận nhà ở của người hạn chế về tài chính càng trở nên hẹp hơn.

Theo các chuyên gia bất động sản, giá đất tăng là điều tất yếu khi kinh tế ngày càng phát triển, các khu đô thị ngày một đông đúc hơn. Việc những người có đất hay ôm đất từ trước đương nhiên được hưởng thành quả vì họ nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, việc này cũng gây bất bình đẳng giàu nghèo, hành vi "ôm" đất gây lãng phí tài nguyên, năng lực nguồn vốn quốc gia chỉ tập trung "ôm" đất, không đầu tư cho nghiên cứu sản xuất kinh doanh, hệ lụy lâu dài dẫn đến chậm tiến bộ xã hội. 

Tình trạng "người ăn không hết, kẻ lần không ra" khi mà quỹ đất thì luôn có hạn, thu nhập trung bình của người dân lại không theo kịp giá đất chính là hồi chuông báo động về sự "tắc nghẽn" trên thị trường bất động sản. Do đó, cần có biện pháp, chính sách kịp thời để kiểm soát thị trường, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của bất động sản cũng như nền kinh tế thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top