Aa

Nhà đầu tư “mắc cạn” sau siết phân lô, tách thửa

Thứ Bảy, 16/07/2022 - 06:06

Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn chững lại sau các động thái siết phân lô tách thửa cũng như kiểm soát tín dụng. Nhiều nhà đầu tư chạy theo "sóng" đang "mắc cạn" khi khó thoát hàng.

Cơn sốt đất đã được "xoa dịu"

Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, những cơn sốt đất đổ bộ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thị trường bất động sản được dịp trở nên sôi động, hồ sơ đất đai tăng đột biến. Các đầu cơ, đầu nậu cũng vì sốt đất mà đi gom đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm rồi phân lô, tách thửa diễn ra tràn lan trên cả nước. Điều đáng nói là sau khi tách thửa, những khu đất này được phân lô, xây dựng hạ tầng không khác gì một dự án bất động sản phân lô bán nền.

Điển hình như thời gian vừa qua, tại tỉnh Bình Phước diễn ra cơn sốt ảo khi xuất hiện một số thông tin quy hoạch các dự án về hạ tầng, sân bay... Một số cá nhân, tổ chức đã gom đất phân lô, tách thửa và dùng chiêu trò tổ chức mua bán đất nền rầm rộ làm nóng thị trường bất động sản tại Bình Phước.

Trước thực trạng này, tỉnh Bình Phước đã ra các văn bản siết việc phân lô, bán nền của cá nhân, tổ chức, để ngăn chặn tình trạng sốt đất do đầu cơ, môi giới bất động sản tung chiêu thổi giá. Theo đó, địa phương này dừng các thủ tục tách thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông, đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.

Không chỉ riêng Bình Phước, rất nhiều tỉnh thành khác cũng siết quy định phân lô, tách thửa như Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Cùng với việc siết phân lô, tách thửa, từ đầu tháng 4/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng triển khai thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như: Đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Ngay sau đó, một số ngân hàng đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản.

Dưới tác động của động thái siết chặt quy định, cơn sốt đất đã được “xoa dịu”, nhiều nhà đầu tư ăn theo sức nóng của thị trường bất động sản, sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư giờ đây được cho là đang “mắc cạn” giữa vòng xoáy giảm nhiệt này.

Nhiều nhà đầu tư "mắc cạn", từ lướt sóng chuyển sang "ôm đất" chờ thời

Chia sẻ với Reatimes, anh Nguyễn Bá Diện, một môi giới tại Bình Phước cho biết, trước đây, nhà đầu tư nếu có 1.000m2 đất nông nghiệp thì tỉnh Bình Phước vẫn cho tách thửa, nhưng giờ thì không được phép, do tỉnh đã siết chặt quy định.

Anh Diện cho biết, hiện nay các khách hàng của anh đã mua những mảnh đất có diện tích lớn đều không được tách thửa, đa phần họ đang “ôm” nguyên mảnh trong nhiều tháng qua chờ có ai mua thì bán, và thanh khoản không dễ dàng như trước. 

Anh Bùi Quý Thanh, một nhà đầu tư ở TP.HCM cho biết, vào cuối năm 2021, thấy nhiều người xuống Bình Phước mua đất đầu tư, trong đó có nhiều người “trúng đậm” nên đầu năm 2022, anh cùng 2 người bạn nữa hùn vốn mua một mảnh đất trồng cây lâu năm rộng hơn 2.000m2 ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú với giá gần 4 tỷ đồng, mục đích là phân lô rồi bán lại kiếm lời. Song đến giờ, đã nhiều tháng trôi qua mảnh đất vẫn đang "nằm im" không ai ngó ngàng.

"Do mảnh đất không có đường hiện hữu nên địa phương không cho tách thửa, đành "ôm" rồi chờ xem có ai mua nguyên mảnh thì bán lại nhưng khó thoát hàng quá", anh Thanh nói. 

Trên thực tế còn có rất nhiều nhà đầu tư đã và đang chịu cảnh chung sổ đỏ, thậm chí là mất tiền khi tin vào những dự án phân lô bán nền, ôm mộng kiếm lời nhanh rồi lại vỡ mộng.

Tin theo lời môi giới, anh Nguyễn Mạnh Hoàng (Hà Nội) đã mua một lô đất 78m2 ở Thắng Trí, huyện Sóc Sơn. Thời điểm mua, đất đã được phân từng lô sẵn, nhưng vẫn còn là sổ chung. Môi giới có cam kết mua xong sẽ tách sổ riêng. Tuy nhiên, sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc hơn 800 triệu đồng, mảnh đất vẫn chưa được tách sổ.

"Giờ chỉ có vi bằng chứ chưa có sổ. Tôi vẫn đang chấp nhận cảnh chung sổ đỏ với người khác mà không biết khi nào mới tách sổ được”, anh Hoàng chia sẻ. 

Trao đổi với PV, đại diện một văn phòng môi giới ở Thắng Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, hiện tại với những mảnh đất có diện tích lớn, văn phòng không hỗ trợ phân lô nữa, nếu muốn phân lô thì mảnh đất phải có 2 mặt tiền và mỗi lô phải đủ 100m2.

“Từ lúc Hà Nội ban hành quy định siết phân lô, tách thửa thì giao dịch ít đi rất nhiều. Nếu trước đây, mỗi tháng có thể giao dịch 20 - 30 mảnh đất thì vài ba tháng trở lại đây, may ra chỉ được 1 - 2 mảnh. Mặc dù có nhiều nhà đầu tư “tay to” về đây nhưng không dám mua những lô đất diện tích lớn vì khó tách thửa trong khi phải tách thửa thì mới dễ bán và có lãi nhiều”, môi giới chia sẻ.

Môi giới này còn cho biết thêm, giá đất ở khu vực này hiện tại không tăng cũng không giảm nhưng vẫn cao hơn so với trước đây. Nếu mua mảnh đất diện tích lớn sẽ có giá mềm hơn khoảng 14 triệu đồng/m2, còn lô đất được cắt nhỏ rồi thì khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2.

Đất phân lô có công chứng vi bằng, chưa có sổ đỏ ở Thắng Trí, Minh Trí, Sóc Sơn (Hà Nội) đang được rao bán với giá từ 17 - 18 triệu đồng/m2. 

Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, với những nhà đầu tư có tài chính không nhiều để đón sóng trong nội thành, họ sẽ tìm đến các quỹ đất còn rẻ tại các huyện ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong những cơn sốt đất, chỉ có đầu cơ và số ít người may mắn là thắng cuộc. Khi cơn sốt hạ nhiệt, cộng thêm tác động từ các chính sách điều hành, nhiều nhà đầu tư phải "ngậm trái đắng" do chưa tìm hiểu kỹ và non kinh nghiệm.

Chính vì thế, ông Nguyễn Hữu Cường đưa ra lời khuyên, trong thời điểm thị trường có nhiều bất định như hiện nay, nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, xem xét kỹ khả năng sử dụng đất và hiệu quả kinh doanh trên đất trước khi mua.

"Trước khi quyết định đầu tư, dù ở thời điểm nào cũng phải kiểm tra quy hoạch và tính pháp lý, kiểm tra tư cách người thu hút kêu gọi đầu tư. Không đầu tư cảm tính mà phải dựa trên cơ sở hồ sơ pháp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước để tránh rủi ro", ông Cường nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top