Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam tại “miền đất đỏ Tây Nguyên”

Các dự án về năng lượng tái tạo, điển hình như điện gió đang triển khai mở ra một cánh cửa cơ hội góp phần đưa Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên trong tương lai.

17:15 04/08/2021

Phát triển năng lượng bền vững đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió với nhiều tiềm năng rất lớn đang trở thành xu thế phát triển của các quốc gia. Trong đó, Việt Nam đang được biết đến như một mẫu hình trong khu vực về chính sách khuyến khích và sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo.

Năng lượng gió “vươn lên” trên miền đất đỏ

Đắk Lắk, vùng đất đỏ bazan nằm ngay ở trung tâm Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk được đánh giá là nơi có tiềm năng lớn và nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, với tổng công suất dự kiến có thể đạt khoảng 10.000MW. Đây là nguồn năng lượng sạch, ít tác động, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp điện trong tương lai.

Được biết, tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng gió tương đối cao, trên 6,0m/s, tập trung ở nửa phía Đông và Đông Bắc của tỉnh, rất thích hợp đầu tư dự án nhà máy điện gió với quy mô lớn. Các dự án điện gió khi đưa vào triển khai thực hiện và hoàn thành sẽ đóng góp tích cực, bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và khu vực kinh tế trọng điểm vùng Tây Nguyên, cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam được xây dựng tại các xã: Ea Nam, xã Ea Khal, xã Ea Dliê Yang (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh do Trung Nam Group cung cấp

Trước đó, ngày 15/7/2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phấn đấu, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đạt công suất 2.000 - 3.000MW trong giai đoạn 2020 - 2025; 3.000 - 4.000MW giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 47 dự án điện gió đăng ký đầu tư với tổng công suất khoảng 10.000MW. Bên cạnh đó, các dự án đã đóng góp phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk bổ sung nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5 - 4 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời với tổng luồng bức xạ mặt trời trung bình 1.900kWh/m3/năm.

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’Leo đang được triển khai gấp rút để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công thương đề nghị bổ sung thêm công suất điện gió của địa phương vào quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Đắk Lắk đề xuất bổ sung 1.500MW thay vì 490MW vào giai đoạn 2021 - 2025; con số tương tự được đề xuất cho giai đoạn 2026 - 2030 thay vì 448MW như dự thảo hiện nay.

Việc nâng công suất nhằm tạo điều kiện giúp Đắk Lắk phát triển kinh tế xã hội, từng bước tự chủ về ngân sách, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế về năng lượng tái tạo. Các công trình điện gió chủ yếu tập trung tại huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk - nơi được coi là thủ phủ điện gió, thu hút nhiều nhà đầu tư về địa bàn.

Theo đó, Sở Công thương tỉnh phê duyệt huyện Ea H’leo là địa bàn trọng điểm về điện gió của tỉnh, với đặc điểm khí hậu nắng nóng khắc nghiệt cùng với hạn hán kéo dài, kết hợp cùng lợi thế về tốc độ gió cao và hướng gió tương đối ổn định. Ngoài ra, khí hậu tại tỉnh Đắk Lắk cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng điện gió.

Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo kết quả quan trắc, huyện Ea H’leo có tiềm năng điện gió rất lớn, tốc độ gió trung bình năm từ 6 - 7m/s, lượng gió mạnh và không chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm. Đặc biệt, khu vực đạt vận tốc gió này chỉ cần ở độ cao 80m và phân bố đều ở tất cả các xã, thị trấn. Việc đánh giá cấp độ gió sẽ xác định được các vùng đạt lượng gió ổn định nhất để tiến hành khai thác điện gió hiệu quả. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, với các dự án điện gió đang thực hiện trên địa bàn, các bên liên quan tích cực hoàn thành các thủ tục liên quan đến dự án; thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai…, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm thực hiện hoàn thành dự án.

Dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk

Theo đánh giá của các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió, huyện Ea H’leo với địa hình nhiều đồi núi và lượng gió lớn, được xem là địa bàn lý tưởng để xây dựng các nhà máy điện gió (NMĐG) theo kiểu trang trại trên các quả đồi.

Đánh giá được những tiềm năng và lợi ích to lớn mà năng lượng điện gió mang lại, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3282/QĐ-UBND, ngày 31/12/2020 chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’Leo. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và cũng là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) được xem là địa bàn trọng điểm về điện gió của tỉnh, có lợi thế lớn về tốc độ gió cao và hướng gió tương đối ổn định.

Trao đổi với PV Reatimes, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, cho biết: Theo kết quả đo đạc thực tế của dự án cho thấy dự án có tốc độ gió trung bình năm ở độ cao 140m là 7,2m/s; tần suất gió phục vụ phát điện chiếm khoảng 93% thời gian trong năm, phù hợp để phát triển nhà máy điện gió.

Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Ea Nam do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Trungnam Dak Lak 1 Wind Power) - thành viên của Trungnam Group làm chủ đầu tư dự án. Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, quy mô công suất 400MW, dự kiến bổ sung khoảng 1.173,6GWh vào nguồn điện quốc gia, bao gồm 84 trụ gió, sản xuất ra sản lượng điện ước tính vào khoảng 1,1 tỷ kWh/năm.

Cụ thể, dự án nằm trên phạm vi diện tích khoảng 6.000ha. Trong đó, được xây dựng trên diện tích đất sử dụng có thời hạn khoảng 140ha, gồm các hạng mục: đường giao thông nội bộ; nhà máy điện gió; trạm biến áp; nhà quản lý vận hành 500KV, đường dây 500KV đấu nối. Diện tích sử dụng đất tạm thời khoảng 50,3ha gồm các hạng mục: Bãi tập kết vật tư thiết bị, khu vực thi công nhà máy, …

Dự án nằm tại các xã Ea Nam, xã Ea Khal, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, bao gồm xây dựng mới Trạm biến áp 500KV - 450MVA đấu chuyển tiếp lên đường dây 500KV Pleiku - Di Linh đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tại Công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020.

Dự án hứa hẹn khi đi vào hoạt động sẽ tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực tiếp tục đầu tư vào các dự án khác ở địa phương và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo đánh giá: “Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là các xã khu vực phía Đông. UBND huyện Ea H’leo đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai, nhất là công tác bảo đảm an ninh trật tự vùng dự án và giải phóng mặt bằng. Dự án mở ra triển vọng hình thành vùng công nghiệp năng lượng gió trong khu vực của tỉnh”.

UBND huyện cũng ban hành Công văn yêu cầu Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường trong quá trình thi công xây dựng. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường phát sinh, đặc biệt giảm thiểu bụi từ quá trình đào đắp và từ hoạt động của trạm trộn bê tông.

Cụ thể, yêu cầu chủ dự án khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động do nước mưa chảy tràn, đặc biệt tại khu vực các tuabin gió, trạm biến áp 500KV, tránh tình trạng nước mưa gây ngập úng cục bộ, xói lở đất làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng và đường giao thông trong khu vực.

Do đặc thù dự án ở gần khu dân cư, UBND huyện Ea H’Leo cũng đã tổ chức làm việc với chủ đầu tư, thông báo về việc trong quá trình triển khai thực hiện dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông, xây dựng, đất đai, tài nguyên, môi trường, phòng cháy chữa cháy và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trường hợp dự án gây ảnh hưởng đến các công trình khác trong quá trình triển khai thực hiện phải có phương án khắc phục. Tính toán bổ sung hồ sơ kết nối với các công trình khác: Như đấu nối giao thông, đấu nối điện, đấu nối nước... (nếu có).

Cập nhật tiến độ dự án đến đầu tháng 8/2021, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, cho biết: "Hiện nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% phần xây dựng, công tác lắp đặt hoàn thành được khoảng 30%. Dự án đã cơ bản hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thành hệ thống đường vận chuyển và bãi phụ trợ phục vụ cẩu lắp; hoàn thành 96% phần móng trụ gió. Bên cạnh đó, đang triển khai lắp đặt đồng thời 15 dây chuyền cẩu lắp tuabin giớ, đã hoàn thành 24/84 trụ, đạt 28%".

Dự kiến khi hoàn thành, hằng năm dự án sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh vào nguồn điện quốc gia; ước tính trong thời gian thực hiện dự án nhà đầu tư sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách của địa phương; dự kiến nộp thuế GTGT khoảng 250 tỷ đồng/năm trong giai đoạn vận hành.

Cũng theo ông Vũ Đình Tân, những khó khăn lớn nhất của dự án là về công tác gai3i phóng mặt bằng, thi công hạ tầng giao thông, nền móng với khối lượng lớn. Tuy nhiên, hiện nay những vấn đề này đã cơ bản hoàn thành. “Bên cạnh đó, UBND huyện Ea H’leo cũng hỗ trợ cùng với chủ đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, giúp chủ đầu tư triển khai các công tác giải phóng mặt bằng, thi công được sớm nhất bằng nhiều biện pháp như: thành lập tổ chuyên ngành chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo UBND huyện, cán bộ các phòng, ban UBND huyện thường xuyên bám địa bàn nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có chỉ đạo xử lý kịp thời…”, ông Vũ Đình Tân chia sẻ thêm. 

Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2021, sau khi hoàn thành đây sẽ là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Người dân tại đây sẽ trực tiếp thụ hưởng hệ thống mạng điện, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa và các công trình phúc lợi mà các dự án mang lại.

Nếu chỉ biết đến Đắk Lắk là vùng đất Tây Nguyên đầy nắng, đầy gió, với những cánh rừng, những vườn cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái trù phú, thì giờ đây mảnh đất này đã “thay da đổi thịt”, khi nguồn năng lượng gió được chuyển hóa thành năng lượng phục vụ đời sống nhân dân không chỉ riêng tại miền đất đỏ bazan mà còn cho cả đất nước. Việc Nhà máy điện gió Ea Nam đi vào hoạt động, sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai, đưa Đắk Lắk tiệm cận hơn với mục tiêu trở thành “Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên” trong thời gian đến.

Dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk

Mới đây, đồng chí Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự dự án điện gió trên địa bàn huyện Ea H'leo.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Vinh Quy nêu rõ dự án Nhà máy điện gió Ea Nam do Công ty Cổ phần Trung Nam Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư là một dự án kinh tế trọng điểm cần được ưu tiên, tạo điều kiện hàng đầu về đảm bảo an ninh trật tự, góp phần hỗ trợ dự án đạt tiến độ, chất lượng đề ra. 

Bên cạnh đó, ông Lê Vinh Quy cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh và Công an huyện Ea H'leo cần tập trung làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn chủ đầu tư trong công tác hoàn thiện hồ sơ; làm tốt công tác vận động quần chúng, tích cực rà soát, phối hợp giải quyết các kiến nghị của người dân vùng dự án; chỉ đạo cơ chế hỗ trợ kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho dự án…

Ngọc Trâm

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam tại “miền đất đỏ Tây Nguyên” tại chuyên mục Tây Nguyên của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận