Aa

Ninh Thuận: Gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Chủ Nhật, 31/12/2023 - 11:45

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp (DN) bị sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao. Hầu hết các DN đều có nhu cầu về vốn để phục hồi sản xuất, tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vẫn còn nhiều khó khăn với các DN. Để hỗ trợ các DN, Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (NHNN tỉnh) đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay

Theo NHNN tỉnh, đến cuối tháng 10/2023 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 41.150 tỷ đồng, tăng 223 tỷ đồng so với tháng trước, tăng 4.018 tỷ đồng so với cùng kỳ, bằng 99,84% kế hoạch năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa ước đạt 7.060 tỷ đồng, chiếm 17,2% trên tổng dư nợ.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng các DN vẫn khát vốn, mối quan hệ giữa DN và NH còn gặp nhiều khó khăn. Về phía NH, ước đến cuối tháng 10/2023 nguồn vốn huy động đạt 22.145 tỷ đồng. Theo đó, nguồn huy động tăng chậm hơn dư nợ tín dụng. Nguồn vốn huy động trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% tổng dư nợ cho vay của các NH, tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là nguồn vốn dài hạn chỉ chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn huy động. Việc phải sử dụng các nguồn vốn bổ sung khác có chi phí cao hơn nguồn vốn tự huy động cũng gây khó khăn về tài chính cho các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh.

Một số DN cho biết, lý do các DN khó tiếp cận vốn NH bởi vì đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, đối với DN nhỏ và vừa có tài sản cố định đã được đưa vào thế chấp vay vốn trước đó, một số DN quy mô sản xuất nhỏ, lao động ít, không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khăn về thời gian để hoàn tất thủ tục tương đối dài so với nhu cầu mang tính thời vụ của sản xuất, thủ tục thế chấp cũng là trở ngại.

Trước những khó khăn về vốn của các DN, NHNN tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ, hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, cho biết: Thời gian qua, ngành cũng đã triển khai các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đến thời điểm 30/9/2023 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 37 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ đạt 613 tỷ đồng, trong đó khách hàng là DN 405 tỷ đồng. Dư nợ bao gồm cả gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 462 tỷ đồng, trong đó DN là 380 tỷ đồng.

Ninh Thuận: Gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay- Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank Ninh Thuận. Ảnh: Hồng Nguyệt

Đối với khách hàng vay vốn trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, NH áp dụng mức lãi suất ngắn hạn bằng VNĐ mức 4%/năm; trung và dài hạn mức 6,8%/năm; thông thường mức 9,1-11,2%/năm và cho vay ngắn hạn đô la Mỹ từ 4,4-5,5%/năm; trung và dài hạn mức 5,9-7,6%. Bên cạnh đó, ngành NH đẩy mạnh truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐCP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam.

Cùng với hỗ trợ lãi suất, NHNN còn chỉ đạo các TCTD trên địa bàn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn. Đặc biệt vừa qua NHNN tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại NH - DN và Hội nghị gặp gỡ, trao đổi, kết nối NH với các hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh, nhằm đối thoại trực tiếp giữa NH với khách hàng, qua đó thông tin về các chương trình, sản phẩm tín dụng và dịch vụ NH đang triển khai của các TCTD. Đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay NH để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngoài các giải pháp trên, thời gian tới, ngành NH tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường công tác tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm 1,5-2% đối với cả khoản vay mới và dự nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top