Aa

OCB chấp nhận “hao hụt” lợi nhuận, trích lập chi phí đề phòng rủi ro

Thứ Năm, 28/03/2024 - 06:18

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao như hiện nay, OCB đã tăng cường trích lập dự phòng và tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng.

OCB tăng dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận sụt giảm

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 sau kiểm toán. Theo đó, điểm đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đã giảm 21% so với báo cáo quý IV/2023 trước kiểm toán, cụ thể giảm 875 tỷ đồng, từ 4.178 tỷ đồng xuống còn 3.303 tỷ đồng.

Đưa ra lý giải cho vấn đề này, đại diện OCB cho biết, nguyên nhân chính đến từ việc OCB đã trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, ngân hàng đã điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu tiền từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán đủ trong quý I/2024.

OCB chấp nhận “hao hụt” lợi nhuận, trích lập chi phí đề phòng rủi ro- Ảnh 1.

Nguồn: OCB

Cùng với đó, ngân hàng cũng phân loại lại phần lớn giá trị khoản mục "tài sản gán nợ đang chờ xử lý" thuộc mục "tài sản có khác" sang khoản mục "các khoản nợ chờ xử lý khác đã có tài sản xiết nợ, gán nợ". Việc phân loại này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được trích bổ sung tăng 44,4% (lên hơn 1.627 tỷ đồng).

Đại diện OCB cho biết, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao như hiện nay, OCB đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng và tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Dù việc này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng nhưng sẽ giúp quản trị rủi ro hiệu quả, có nền tảng vững chắc để hỗ trợ khách hàng tốt hơn

Theo đó, mặc dù phương thức nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ được pháp luật cho phép nhưng việc triển khai lại đang thiếu thống nhất và đồng bộ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan do vướng mắc tại khâu đăng ký cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Từ đó, việc hạch toán các khoản vay liên quan cũng còn nhiều quan điểm trái chiều từ nhiều phía cho dù nghĩa vụ nợ của khách hàng được xác định là đã chấm dứt khi hoàn tất bàn giao tài sản đảm bảo.

"Cùng với nguyên tắc cẩn trọng trong điều hành, OCB đã chủ động trích lập tăng thêm chi phí dự phòng cho các khoản nợ đã bàn giao tài sản đảm bảo này", đại diện OCB cho hay.

Ngoài ra, phần điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hoàn tất ghi nhận trong quý I này, đồng thời các khoản nợ khách hàng đã bàn giao tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ, tính đến nay, ngân hàng đã xử lý giảm hơn 50%, nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản này vào cuối 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng. Qua đó, đại diện OCB kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2024 sẽ có sự cải thiện đáng kể.

Được biết, tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của OCB là 240.114 tỷ đồng, trong đó dư nợ thị trường 1 đạt 148.005 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận ở mức 2,02%, thể hiện chất lượng tài sản ổn định của OCB, trong giai đoạn kinh tế biến động vừa qua.

OCB chấp nhận “hao hụt” lợi nhuận, trích lập chi phí đề phòng rủi ro- Ảnh 2.

Nguồn: OCB

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm là do lợi nhuận của các ngân hàng thương mại hiện nay phụ thuộc vào việc cho vay nợ. Do đó, lý do đầu tiên rõ ràng là do không cho vay được thì lợi nhuận sẽ giảm. Cùng với đó, hiện nay các ngân hàng vẫn gia tăng việc trích lập quỹ dự phòng để phòng ngừa rủi ro cho các khoản nợ xấu theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

"Khi hiệu lực của Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn (đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc gia hạn), áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng, làm cho lợi nhuận ngân hàng giảm đi đáng kể", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá. 

OCB chấp nhận “hao hụt” lợi nhuận, trích lập chi phí đề phòng rủi ro- Ảnh 3.

Năm 2024, OCB tăng vốn điều lệ lên 24,717 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay

Thông tin từ tài liệu dự trình Đại hội cổ đông cho thấy, trong năm 2024, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng trong năm 2024, chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.716 tỷ đồng. Số tiền thu được từ tăng vốn sẽ dùng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay.

OCB chấp nhận “hao hụt” lợi nhuận, trích lập chi phí đề phòng rủi ro- Ảnh 4.

Nguồn: OCB

Đáng chú ý, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thông qua 3 phương án, bao gồm:

Thứ nhất là kế hoạch phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn sử dụng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 theo BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.

Thứ hai, phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số cổ phần mới phát hành theo chương trình ESOP (và cổ tức bằng cổ phiếu phát sinh từ các cổ phiếu này) chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.

Thứ ba, chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8,8 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành. Số cổ phần mới chào bán trong đợt chào bán riêng lẻ chịu hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật và thỏa thuận giữa OCB và nhà đầu tư. Nhà đầu tư được chào bán trong đợt này là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Năm 2024, khi tình hình kinh tế Việt Nam đang dần có sự hồi phục, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản của OCB sẽ đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Vào ngày 15/4 tới đây, OCB sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại Khách sạn Sheraton TP.HCM.  

OCB chấp nhận “hao hụt” lợi nhuận, trích lập chi phí đề phòng rủi ro- Ảnh 5.

Nguồn: OCB

Trước đó trong năm 2023, khi bối cảnh thị trường rơi vào trầm lắng, OCB đã rao bán nhiều tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Gần đây nhất vào thời điểm cuối năm 2023, Ngân hàng đã thông báo đấu giá tài sản gắn liền với đất thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, tài sản đấu giá gồm 84 biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng tại Khu đô thị du lịch sinh thái FLC của CTCP Tập đoàn FLC tại phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mục đích sử dụng xây dựng resort, thời hạn sử dụng đến 09/05/2064. Tài sản đấu giá là đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tại OCB./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top