Aa

Quảng Nam: Nghiên cứu, hướng dẫn chùa Hà Tân thực hiện thủ tục thực hiện kè sông

Thứ Sáu, 15/03/2024 - 14:58

Liên quan đến vụ sạt lở đe dọa "xóa sổ" chùa ở thượng nguồn Vu Gia (H. Đại Lộc) mà Reatimes đã phản ánh, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản yêu các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn địa phương, chùa Hà Tân thực hiện thủ tục đầu tư.

Ngày 14/3, Văn Phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đơn vị vừa ban hành văn bản số 1682/UBND-KTN về việc hướng dẫn giải quyết đề nghị của UBND H. Đại Lộc liên quan đến việc chùa Hà Tân (xã Đại Lãnh) xin sử dụng nguồn vốn công ích để làm kè bảo vệ bờ sông.

Quảng Nam: Nghiên cứu, hướng dẫn chùa Hà Tân thực hiện thủ tục  thực hiện kè sông- Ảnh 1.

Bờ sông Vu Gia bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng, áp sát chân chùa và đất ở của người dân. (Ảnh: Huy Hoàng)

Theo đó, xét đề nghị của UBND H. Đại Lộc tại văn bản số 857/UBND-TCKH ngày 5/3/2024 về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư công trình do tổ chức, cá nhân trong nước làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện nguồn kinh phí tự có của mình và hoàn thành xong bàn giao cho Nhà nước quản lý. UBND Quảng Nam yêu cầu các sở: Kế hoạch & Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì với các ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của H. Đại Lộc và tiến hành rà soát các quy định pháp luật hiện hành để hướng dẫn địa phương, chùa Hà Tân triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư công trình theo đúng quy định.

Liên quan đến vụ việc này, Reatimes đã có bài: "Quảng Nam: Sạt lở đe dọa "xóa sổ" ngôi chùa ở thượng nguồn sông Vu Gia", phản ánh tình trạng sạt lở hai bờ sông Vu Gia và sông Kôn đã diễn ra từ lâu, đe dọa đến chùa Hà Tân cũng như nhiều hộ dân sống ở khu vực này.

Theo Đại đức Thích Đồng Nhãn (trụ trì chùa Hà Tân), do chùa nằm ngay khu vực ngã ba sông nên khi nước lũ ở thượng nguồn đổ về sẽ tác động mạnh vào hai bờ làm xói lở, đe dọa đến chùa cũng như diện tích đất của nhiều hộ dân khác.

"Sạt lở kéo dài nhiều năm và ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỗi lần vậy, thầy rất xót xa, luôn thấp thỏm lo âu. Nếu cứ để vậy, chỉ cần vài ba trận lũ lớn nữa, toàn bộ ngôi chùa và một số nhà dân nằm gần bờ sông có nguy cơ sẽ bị xóa sổ", Đại đức Thích Đồng Nhãn lo lắng.

Quảng Nam: Nghiên cứu, hướng dẫn chùa Hà Tân thực hiện thủ tục  thực hiện kè sông- Ảnh 2.

Bụi tre nằm cách xa chùa cả trăm mét nay bị sạt lở nằm trơ trọi ngay dưới mép chùa. (Ảnh: Huy Hoàng)

Để bảo vệ chùa cũng như đất của người dân xung quanh, từ năm 2019, Đại đức Thích Đồng Nhãn đã viết đơn gửi các sở, ban, ngành từ tỉnh Quảng Nam đến địa phương quan tâm xem xét cho phép chùa Hà Tân được sử dụng nguồn kinh phí từ việc kêu gọi đóng góp của các mạnh thường quân thực hiện kè chống sạt lở hai bờ sông.

Việc này đã được các cấp, ngành của địa phương, tỉnh Quảng Nam thống nhất từ lâu. Cụ thể, tại văn bản số 2467/UBND-VP ngày 18/9/2019, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn đã thống nhất cho phép Ban hộ tự chùa Hà Tân đầu tư xây dựng công trình kè, chống sạt lở bờ sông Vu Gia và sông Kôn từ nguồn quỹ công đức của chùa theo đề xuất của Phòng Nông nghiệp và PTNT, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn 5192/UBND-KTN ngày 4/9/2019.

Qua khảo sát khu vực nằm tại hợp lưu sông Vu Gia và sông Kôn (sát chùa Hà Tân), đang có hiện tượng sạt lở mái và có xu hướng tiếp tục xói sâu nếu không có biện pháp bảo vệ. Do đó, chùa Hà Tân đề nghị xây dựng kè sông bằng hình thức thả đá có khối lượng lớn vào vị trí xói lở cục bộ dọc theo chân mái dốc bờ sông để bảo vệ chùa và các hộ dân sinh sống trong khu vực là cần thiết, phù hợp thực tế.

Quảng Nam: Nghiên cứu, hướng dẫn chùa Hà Tân thực hiện thủ tục  thực hiện kè sông- Ảnh 3.

Dù chùa Hà Tân đã khắc phục tạm thời bằng cách kè đá nhưng chỉ sau mùa mưa lũ, mọi thứ lại tan hoang. (Ảnh: Huy Hoàng)

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương để chùa Hà Tân thực hiện dự án trên. Giao UBND H. Đại Lộc chỉ đạo các ban, ngành, xã Đại Lãnh thực hiện các thủ tục liên quan về đất đai, xây dựng đúng quy định. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký, ban hành văn bản 5995/UBND-KTN ngày 8/10/2019, thống nhất cho chùa Hà Tân sử dụng nguồn kinh phí tự có của chùa để thực hiện xây dựng công trình kè chống sạt lở, bờ sông Vu Gia và sông Kôn tại khu vực chùa Hà Tân để bảo vệ cơ sở thờ tự, và các hộ dân sống gần khu vực chùa.

Tiếp đến, chùa Hà Tân đã thực hiện hồ sơ, phương án thiết kế dự án kè để trình các ngành chức năng liên quan xem xét, phê duyệt. Tại văn bản số 31/NN&PTNT ngày 11/5/2020, Phòng Nông nghiệp & PTNT H. Đại Lộc đã thống nhất phương án thiết kế kè chống xói lở chùa Hà Tân.

Quảng Nam: Nghiên cứu, hướng dẫn chùa Hà Tân thực hiện thủ tục  thực hiện kè sông- Ảnh 4.

Bờ sông Kôn bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa "nuốt chửng" chùa Hà Tân và nhiều hộ dân xung quanh. (Ảnh: Huy Hoàng)

Cụ thể, tổng chiều dài tuyến kè gia cố là 217,26m. Trong đó, đoạn bờ sông Vu Gia là 97,09m; sông Kôn là 120,7m. Hồ sơ thiết kế đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo ổn định phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực kè.

Thiết nghĩ, với sự "đồng thuận" từ UBND tỉnh Quảng Nam, UBND H. Đại Lộc, các sở, ban, ngành liên quan và đặc biệt là chùa Hà Tân đảm bảo nguồn kinh phí, hồ sơ, phương án kè theo đúng quy định của pháp luật, không vướng mắc gì thì các ngành chức năng có thẩm quyền nên sớm đẩy nhanh các thủ tục liên quan để triển khai thi công dự án, đảm bảo an toàn cơ sở thờ tự cũng như các hộ dân xung quanh. Sau khi công trình hoàn thành sẽ được bàn giao cho Nhà nước quản lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top