Aa

Rào cản từ hạn mức chuyển nhượng với quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung

Thứ Tư, 22/03/2023 - 06:09

Quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Bất cập xuất phát từ chính sách về đất đai là rào cản lớn đối với chủ đầu tư của các dự án nông nghiệp.

Là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo ngày 29/12/2022 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 thì GDP năm 2022 ước tính tăng 8,02% (cao hơn tốc độ tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm 2022). Có được sự tăng trưởng này là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự chuyển hướng kịp thời trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88% (đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế).

Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng đồng đều do ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển, nhưng nhìn chung sản xuất vẫn phân tán, nhỏ lẻ. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cao, định hướng của nước ta về phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài là chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa lớn.

Theo Quyết định số 387/QĐ-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 02/03/2022 về vấn đề phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020 thì tính đến ngày 31/12/2020, diện tích nhóm đất nông nghiệp của cả nước là 27.983.482ha. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình sử dụng đất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang gặp rào cản rất lớn từ quy định hạn mức giao đất còn quá nhỏ lẻ, các chủ thể gặp nhiều khó khăn khi có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được hiểu là giới hạn diện tích đất nông nghiệp tối đa mà hộ gia đình, cá nhân được nhận thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất...

Hạn mức giao đất được quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Đất đai năm 2013; theo đó, đối với đất trồng cây lâu, năm mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao hạn không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất (khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2013).

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được quy định tại Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013.

So với Luật Đất đai năm 2003, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng  của từng loại đất đã được mở rộng hơn gấp 3 đến 6 lần so với hạn mức trong pháp luật đất đai giai đoạn 2003 (quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 1126/2007/NQ-UBTVQH ban hành ngày 21/06/2007 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp).

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cho phép hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một quy định rất tiến bộ, tạo điều kiện cho người sử dụng đất nhận chuyển quyền sử dụng đất để nâng mức tích tụ đất đai nhằm phát triển sản xuất theo hướng tập trung

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Những bất cập xuất phát từ chính sách về đất đai là một rào cản lớn đối với các chủ đầu tư của các dự án nông nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không còn phù hợp với tình hình phát triển nền nông nghiệp của nước ta. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, tình trạng đất nông nghiệp phân tán nhỏ lẻ luôn cản trở việc các chủ thể áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, phương án để giải quyết tình trạng bất cập này là tập trung ruộng đất hiện là vấn đề được sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm, góp phần lớn vào quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thể hiện tại Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 29/12/1997 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, cần kiệm để công nghiệp hoá, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến nǎm 2000.

Những năm qua, có rất nhiều chủ đầu tư có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lại không được phép nhận chuyển quyền vượt hạn mức cho phép. Để có diện tích đất trồng lúa có thể áp dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại, có doanh nghiệp đã phải thỏa thuận thuê quyền sử dụng đất của từng hộ dân. Phương án này thiếu bền vững nên là rào cản để chủ đầu tư này triển khai các mô hình sản xuất lúa quy mô lớn.

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân dẫn đến thực trạng họ phải để người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và mang lại nhiều rủi ro cho chủ đầu tư bởi nhờ người khác đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tức là đang trao toàn quyền đối với bất động sản cho người đứng tên hộ, rất dễ phát sinh tranh chấp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người được nhờ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất, trong khi thực tế họ không phải là người có quyền sử dụng đối với diện tích đất này.

Như vậy, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất hiện nay đã ngăn cản khả năng tích tụ ruộng đất quy mô lớn và về lâu dài, mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, không hiệu quả vẫn tồn tại, đi ngược lại với mục tiêu hiện đại hóa ngành nông nghiệp mà Nhà nước ta đang hướng đến.  

Thứ hai, đối với các dự án có nhu cầu tích tụ, tập trung đất đai thì việc nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất chủ yếu được thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013. Pháp luật về đất đai cho phép hộ gia đình, cá nhân được tự thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng nhiều trường hợp không thể tích tụ, tập trung đất đai do chưa có sự đồng ý của người sử dụng đất. Để chủ đầu tư có thể thực hiện các dự án có quy mô lớn thì cần phải có sự đồng ý để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tất cả các chủ sử dụng đất trong khu vực thực hiện dự án. Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với các chủ đầu tư, bởi chỉ cần một trường hợp chủ sử dụng đất không đồng thuận/ chậm trễ trong quá trình chuyển nhượng sẽ khiến dự án không thể triển khai được hoặc chậm tiến độ thực hiện.

Thứ ba, quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại nhiều địa phương được áp dụng nhưng chưa đảm bảo tính khả thi, là nguyên nhận dẫn đến bất bình đẳng giữa các chủ thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một quy định có lợi cho bên nhận chuyển quyền sử dụng nhưng bộc lộ bất cập, đó là vấn đề: Các cơ quan có thẩm quyền không quản lý được hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp một người nhận chuyển quyền ở nhiều địa phương khác nhau. Pháp luật về đất đai, cụ thể là tại Điều 29, Nghị định 91/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì đối với hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 130 của Luật Đất đai và Điều 44 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng nhưng trên thực tế, để chủ động phát hiện hành vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở các địa phương khác nhau của hộ gia đình, cá nhân là bất khả thi.

Điều này đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kinh doanh, sản xuất. Các chủ đầu tư dù đủ điều kiện để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn không thể thực hiện tích tụ đất do hành vi vi phạm của các chủ thể khác.

Để từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững thì ngoài những biện pháp tác động đến nhận thức của người dân về tích tụ ruộng đất thì cần phải cần hoàn thiện quy định của pháp luật. Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", trong đó nêu rõ các vấn đề cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp (tiểu mục 2.7 Mục IV). Định hướng này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi cho quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung.

Để hiện thực hóa chủ trương nêu trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đưa ra nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thì cần thiết phải:

Thứ nhất, điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng:

- Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn;

- Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Những sửa đổi này sẽ góp phần khuyến khích việc tích tụ tập trung đất đai trong của các hộ gia đình, cá nhân; phát huy tiềm lực của nền kinh tế.

Thứ hai, đưa dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn vào quy định được áp dụng hình thức thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thay vì sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo Điều 73 Luật Đất đai năm 2013.

Thứ ba, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có biện pháp về cơ sở dữ liệu liên thông để có thể kiểm soát được các giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ kinh doanh, cá nhân tại các địa phương khác nhau.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chỉ rõ trọng tâm của vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Có thể khẳng định, trong thời gian tới, việc điều chỉnh các quy định về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp sẽ tạo động lực khuyến khích tích tụ ruộng đất, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các chủ thể nhận chuyển nhượng có thể sẵn sàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn./.

Luật sư Đặng Hữu Tuấn
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top