Aa

“Tăng trưởng GDP 5% trong điều kiện hiện nay đã là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới”

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 12/10/2023 - 06:03

Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi nói về triển vọng tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2023.

Quý IV khó đạt được tăng trưởng 10,6%

Sau khi con số tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 được công bố ở mức 4,24%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2023. Điều đáng chú ý, ở cả ba kịch bản, con số cao nhất chỉ là 6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%).

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lựa chọn con đường nào cho nền kinh tế cũng không phải dễ dàng. Với kịch bản 1 - thấp nhất, muốn tăng trưởng GDP cả năm 5%, thì quý IV cần đạt mức tăng trưởng 7%. Trong khi đó, ở kịch bản 2 - tăng trưởng 5,5%, thì tăng trưởng quý IV phải ở mức 8,8%. Còn ở kịch bản cao nhất - tăng trưởng 6%, thì quý IV, tăng trưởng lên tới 10,6%.

Mặc dù cho rằng, kịch bản 2 là mức có thể đạt được, song tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào sáng 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn yêu cầu lựa chọn kịch bản 3 - tăng trưởng 6% để “tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023”.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là một kịch bản khó đạt được bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Giới chuyên gia cho rằng, quý IV/2023 khó đạt được mức tăng trưởng 10,6%. (Ảnh: Chinhphu.vn)​

Phân tích rõ hơn, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết, Việt Nam hiện đang đối diện nhiều thách thức, trong đó có những thách thức nằm ngoài tầm xử lý và không dễ dàng dự báo. Ví dụ như kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định trở lại; thị trường Trung Quốc - một trong những thị trường lớn hàng đầu thế giới và có sự tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam đang có tính bất định cao.

Ở trong nước, tỷ trọng xuất nhập khẩu giảm trong 3 quý đầu năm mà xuất nhập khẩu giảm thì cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của nước ta giảm. Bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu.

Dẫn báo cáo vừa được S&P Global công bố, ông Thiên cho biết, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8.

Theo ông Thiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì PMI lên xuống là bình thường, tuy nhiên nó đang cho thấy tính bất ổn, bất định và chưa thực sự tốt lên của thị trường, các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam cũng đang suy giảm.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, tăng trưởng GDP quý IV của Việt Nam chỉ đạt mức 7% và cả năm chỉ khoảng 5%. “Chúng ta nên nhớ rằng, 5% trong điều kiện hiện nay đã là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới”, ông Thiên nhấn mạnh.

“Các cơ sở tăng trưởng của nước ta hiện nay đang tốt hơn nhưng không có nghĩa là những cơ sở đó đã hoàn toàn vượt qua khó khăn. Tôi rất cảm phục sự quyết tâm của Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất vì chúng ta vẫn tin vào khả năng đột biến, tin rằng ta có thể làm được. Nhưng để tăng trưởng kinh tế cần một nỗ lực trường kỳ hơn, không thể đòi hỏi trong một thời gian ngắn hạn. Nếu ta dốc sức để đạt được thì cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt”, ông Thiên nói thêm.

Ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Western Pacific. (Ảnh: Batdongsan.vn)

Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Western Pacific cũng đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Trần Đình Thiên và cho rằng, tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt được kịch bản thứ 3 (cả năm 5%, quý IV 7%).

Theo ông Vương, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đâu đó đã tăng lên, nhưng chỉ tăng lên so với quý trước còn so với những năm trước, đặc biệt là giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra thì lại đang giảm đi.

“Trải qua nhiều giai đoạn kinh tế trồi sụt, tâm lý phòng thủ của doanh nghiệp tăng cao. Hơn hết, trong 1 năm trở lại đây, những doanh nghiệp làm sai, vướng vào lao lý đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy nguy cơ rủi ro khi làm ăn trong bối cảnh các quy định pháp lý của Việt Nam còn nhiều chồng chéo và bất cập. Nếu không có giải pháp để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế sẽ khó bứt phá. Bởi doanh nghiệp chỉ xuống tiền đầu tư khi họ có niềm tin”, ông Vương nói.

“Muốn tăng trưởng phải khơi thông các nguồn lực”

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5% cũng đã là thành tích. Điều đó có nghĩa, mục tiêu này cũng không hề dễ dàng và Việt Nam vẫn phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt được.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, muốn tăng trưởng phải có nguồn lực. Bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch và gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao, Việt Nam lúc này cũng cần chú trọng các thị trường nền tảng như thị trường đất đai, thị trường lao động - việc làm.

“Nền kinh tế thị trường mà các thị trường không thông thì chi phí cho tăng trưởng chắc chắn cao. Lúc đó, tăng trưởng kinh tế có thể cao nhưng hiệu quả tăng trưởng sẽ không cao. Vì vậy, quan điểm của tôi là bên cạnh nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thì hiệu quả tăng trưởng cũng rất quan trọng”, ông Thiên nói.

Cùng với việc khơi thông các thị trường, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đề xuất phải thông cơ chế chính sách. Việt Nam là đất nước có hệ thống chính sách đồ sộ nhưng chưa có sự đồng bộ nên doanh nghiệp, người dân rất khó làm ăn. Vì vậy, việc khơi thông hệ thống chính sách có vai trò rất quan trọng.

Theo vị chuyên gia, giải pháp để khơi thông cơ chế chính sách là bộ máy phải thay đổi. Cách trả tiền cho bộ máy để bắt họ làm việc theo tiêu chuẩn đặt ra phải khác. Tức là lương trả cán bộ phải xứng với những đóng góp của họ trong công việc.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

“Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Sự ra đời của Nghị định chứng tỏ Chính phủ đã nhận thấy được thực tế bộ máy công quyền, cán bộ nước ta đang có nhiều bất cập, nổi bật là căn bệnh sợ trách nhiệm. Thời gian qua, Chính phủ đã rất rốt ráo, quyết liệt trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ các thị trường hồi phục, các chính sách được đánh giá là trúng và đúng nhưng việc thực thi chính sách lại chưa như mong đợi do một bộ phận cán bộ thủ thế, không dám làm. Vì vậy, Nghị định 73 được ban hành sẽ phần nào hoá giải tình trạng này. Nhưng trong dài hạn vẫn cần những quyết sách lớn hơn, ở cấp cao hơn, có thể là phía Đảng để cán bộ thực sự được bảo vệ và đột phá, dám cống hiến vì công việc chung”, PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ quan điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top